(Baothanhhoa.vn) - Xác định, “chìa khóa” trong XDNTM nói chung, hiến đất mở đường nói riêng, là phát huy vai trò chủ thể của người dân. Song để chiếc “chìa khóa” này phát huy tác dụng, thì “ổ khóa” phải là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua các nghị quyết đúng, trúng, sát thực tiễn và hợp lòng dân.

“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài 1): Nghị quyết mở đường

Xác định, “chìa khóa” trong XDNTM nói chung, hiến đất mở đường nói riêng, là phát huy vai trò chủ thể của người dân. Song để chiếc “chìa khóa” này phát huy tác dụng, thì “ổ khóa” phải là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua các nghị quyết đúng, trúng, sát thực tiễn và hợp lòng dân.

“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài 1): Nghị quyết mở đường

Người dân xã Thọ Tân phá dỡ công trình, hiến đất mở đường.

Từ “vòng tròn” hiến đất...

Sau 12 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã từng bước được cải tạo, nâng cấp và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường mở rộng chưa được bao lâu thì lại phải “chạy” theo chuẩn mới. Còn người dân thì liên tục xoay vần trong “vòng tròn” hiến đất, mở đường. Dẫu biết, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố căn bản và quan trọng nhất, không chỉ tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Song, việc hiến đất cứ lặp đi lặp lại sau vài ba năm, cũng khiến không ít người cảm thấy băn khoăn, thậm chí là mệt mỏi.

Trong cơ ngơi rộng hơn 2.300m2 của gia đình ông Hà Hữu Hòa (thôn Trị Bình, xã Triệu Thành), “tài sản” lớn nhất có lẽ là vườn cây xanh mướt mát, nặng trĩu hoa trái. Ông kể: “Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, gia đình tôi đã 3 lần hiến đất cho xã mở rộng đường. Mỗi lần đều hiến toàn bộ chiều dài khoảnh đất là 70m, rộng từ 1 - 1,5m. Lần gần đây nhất, gia đình đã hiến khoảng 100m2”.

Hiến cả trăm m2 đất giữa thời điểm đất đang “sốt”, lại thêm một khoản phát sinh là tiền mua vật liệu, tiền công xây lại tường rào (vốn chỉ vừa được xây cách đây vài năm, gắn với chủ trương mở đường theo chuẩn NTM của xã), đã tiêu tốn của gia đình ông Hòa cả trăm triệu đồng. Ấy thế nhưng, ông vẫn tự nguyện, hăng hái đập tường, phá cổng để nhường đất cho xã.

Nhìn 70m tường rào mới sơn, vuông vắn, ông Hòa cảm khái: “Thú thật, 3 lần hiến đất tôi không tiếc, mà tiếc cái công mấy lần đập đi xây lại cổng và tường rào. Giá mà xã cứ mở rộng đường một lần luôn thì tôi đỡ tốn tiền, tốn sức”. Sau vài phút bồi hồi, ông Hòa lại hồ hởi: “Nói là nói vậy thôi chứ nhìn thấy con đường phong quang, tôi vui lắm. Đã sống đến từng này tuổi rồi (ông Hòa năm nay đã ngoài 70 tuổi- PV), cả đời tôi đã gắn bó và chứng kiến từng sự đổi thay của cái thôn miền núi Trị Bình này. Vậy nên tôi càng thấm thía việc có con đường rộng rãi, sạch đẹp để thông thương, các cháu đi lại học hành đỡ vất vả. Rồi an ninh, trật tự cũng tốt hơn. Còn nhiều cái lợi về lâu về dài mà phải ngẫm kỹ, cần thêm thời gian mới nhìn ra được”.

Trên thực tế, việc hiến đất nhiều lần để mở đường không phải chuyện của riêng Triệu Sơn, cũng không phải của riêng địa phương nào trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bởi, cùng với quá trình XDNTM, nhằm tạo ra những giá trị mới, hay tạo dựng diện mạo nông thôn hiện đại, thì người nông dân phải trở thành chủ thể của quá trình ấy. Cho nên, việc hiến đất làm đường, mở rộng đường giao thông đã trở thành việc làm có tính phổ biến và tất yếu - một hành động thể hiện trách nhiệm và tinh thần làm chủ của người nông dân. Đối với Triệu Sơn, quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đã xuất hiện nhiều điển hình hiến đất như xã Thọ Cường từ năm 2013 đến 2018 Nhân dân đã hiến tới 38.000m2; hay xã Vân Sơn, riêng năm 2020 bà con đã hiến trên 12.000m2... Năm 2022, thực hiện khâu đột phá về xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, toàn huyện Triệu Sơn đã vận động Nhân dân hiến được trên 100.000m2 đất để mở rộng đường giao thông.

Song, để có được những con đường rộn rã niềm vui, rất nhiều hộ dân đều đã phải qua vài ba lần hiến đất. Dẫu biết rằng đường mở vì sự nghiệp chung, nhưng cứ sau vài năm hiến đất, xây dựng lại các công trình nhà cửa, tường rào... họ lại phải phá dỡ để mở rộng đường, thì quả thật lãng phí tiền bạc, công sức. Vấn đề có thể không phải của riêng Triệu Sơn đó là, dù trải qua nhiều lần hiến đất và đã ít nhiều ảnh hưởng đến “căn cơ” kinh tế của người nông dân, thế nhưng kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng. Đó là chưa kể, việc mở đường để chạy theo “chuẩn” chứ chưa phải để “đi trước”, “đón đầu” sự phát triển. Nói cách khác, việc mở đường vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thực trạng đó dẫn đến việc thụ hưởng lợi ích từ hệ thống kết cấu hạ tầng “xương sống” này mang lại, có lúc, có nơi còn rất hạn chế.

Theo kết quả rà soát đến giữa năm 2022, toàn huyện Triệu Sơn vẫn còn 1.066 km đường cần phải mở rộng; trong đó có 53,9 km đường huyện, 188,3 km đường xã, 408 km đường thôn và 416,3 km đường ngõ xóm. Đồng thời, địa phương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc mở rộng các tuyến đường. Đây là một “nan đề” đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, nhằm hướng đến hiện thực hóa khát vọng xây dựng Triệu Sơn trở thành đô thị vào năm 2030.

... đến nghị quyết dẫn đường

Trước những vấn đề còn tồn tại của “vòng tròn” hiến đất và nhất là từ việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của việc mở rộng đường, nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, một nghị quyết đã ra đời: Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 22-7-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn” (gọi tắt là Nghị quyết 12-NQ/HU), đã mở ra “bước ngoặt” để giải “nan đề” mở rộng 1.066 km đường giao thông trên địa bàn.

Với tư duy “đi trước”, “đón đầu” và cách làm sáng tạo, hiệu quả, cuộc vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông đã thực sự tạo ra một “cuộc cách mạng” cả về nhận thức lẫn hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, đưa công cuộc XDNTM ở huyện Triệu Sơn tiệm cận các giá trị cao hơn về chất, theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hệ thống giao thông nông thôn cơ bản được mở rộng, nâng cấp, xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ đó, tạo tiền đề đến năm 2024 đạt huyện NTM nâng cao; năm 2025 là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Theo đó, nghị quyết thể hiện “tham vọng” của cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn khi đề ra các mục tiêu mở rộng đường vượt qua cả tiêu chí đường NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thậm chí “vượt ngưỡng” tiêu chí đường đô thị. Cụ thể, đường huyện rộng từ 10,5m trở lên; đường xã rộng từ 7,5m trở lên; đường thôn rộng từ 6,5m trở lên; đường ngõ xóm rộng từ 4,5m trở lên. Trong khi, theo Quyết định số 932/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về việc ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM/NTM nâng cao và huyện NTM/huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường cấp A, B (đường huyện, thôn) có chiều rộng mặt đường tối thiểu là 3,5m.

Mặc dù vậy, thách thức đặt ra khi triển khai Nghị quyết số 12-NQ/HU đối với Triệu Sơn là không nhỏ. Bởi lẽ, người dân vừa trải qua một cuộc “tổng động viên” nhằm hoàn thành tiêu chí giao thông để cán đích huyện NTM vào năm 2020 - sớm hơn một năm so với kế hoạch. Trong khi, việc đạt được đã khó, việc giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM càng khó gấp nhiều lần. Mà muốn thực hiện được nhiệm vụ này, không cách nào khác là phải dựa vào sức dân, lấy người dân là chủ thể.

Trước thách thức đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất quan điểm: Lấy việc “vận động Nhân dân hiến đất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy từ nay đến năm 2025”. Đồng thời, đưa nội dung này vào các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp dân để thảo luận, bàn bạc gắn với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Nhân dân đồng thuận làm trước, Nhân dân chưa đồng thuận làm sau”. Ở những nơi người dân còn băn khoăn, đồng thuận chưa cao thì cấp ủy, chính quyền, ban vận động cấp xã phải thật kiên trì “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, để tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của những người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ nhằm thuyết phục bà con đồng thuận chủ trương mở rộng đường giao thông.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Triệu Thành Đinh Văn Hải - một người có “thâm niên” trong việc vận động người dân hiến đất làm đường, chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi đi vận động, một số hộ dân không đồng thuận, luôn tìm lý do thoái thác. Có những hộ chúng tôi phải đến nhà tận 6 đến 7 lần mà vẫn không gặp được gia chủ, buộc ban vận động phải thay đổi “chiến thuật”: kiên trì đến cùng, không gặp được ban ngày thì đến ban đêm, hoặc nhằm lúc trời mưa gió để đến gặp; đồng thời, cùng với vận động trực tiếp là gửi kèm công văn đến từng hộ. Rồi thì nơi nào dễ làm trước. Đến khi cả con đường thẳng tắp được mở, sẽ “trơ lại” vài hộ thoái thác, trốn tránh, khi ấy các hộ này cũng phải thay đổi nhận thức, thái độ và tham gia hiến đất”.

Quá trình vận động Nhân dân hiến đất, bên cạnh phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Triệu Sơn cũng thực hành rất hiệu quả phương châm “Lấy việc làm của người dân để thay đổi ý thức của người dân”. Chẳng hạn, đối với những hộ khó khăn hoặc không có điều kiện phá dỡ các công trình nhưng tự nguyện hiến đất, thì thôn, xã sẽ huy động lực lượng hỗ trợ phá dỡ, dọn dẹp nhà cửa. Hoặc những hộ không đồng thuận việc hiến đất thì những hộ dân tiên phong trong việc hiến đất cũng sẽ là “lực lượng nòng cốt” tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con, xóm giềng, người thân của mình...

Bên cạnh việc kiên trì vận động, thuyết phục và thực hiện tốt quy chế dân chủ theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huyện Triệu Sơn còn kết hợp giữa hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với đóng góp của Nhân dân, nhằm vừa tạo động lực cho dân vừa khơi nguồn lực trong dân. Theo đó, địa phương kết hợp việc hiến đất mở rộng, nâng cấp đường với việc xây dựng đường mẫu, khu dân cư mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đối với những xã, thôn chưa có nguồn lực để đầu tư nâng cấp, bê tông hóa, nhựa hóa gắn với xây dựng đường mẫu, khu dân cư mẫu, thì vẫn triển khai vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, mở rộng nền đường, trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường. Đến khi có nguồn lực thì huyện sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng đường mẫu, khu dân cư mẫu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tích cực kêu gọi những hộ không phải hiến đất, nhưng được hưởng lợi từ việc mở rộng đường, đóng góp hỗ trợ các hộ khó khăn đã tình nguyện hiến đất, để giúp họ xây dựng lại các công trình nhà ở, tường rào...

Và, kết quả đạt được ngoài mong đợi. Chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU, phong trào hiến đất mở rộng đường đã thực sự trở thành một “cao trào” ở Triệu Sơn. Tính đến ngày 30-9-2023, 100% xã, thị trấn đã triển khai nghị quyết, với 248/254 thôn, khu phố, 11.366 hộ dân tham gia hiến đất. Tổng chiều dài các tuyến đường người dân đã hiến đất là hơn 352 km/tổng diện tích hơn 356.000m2 (trên 35 ha), đạt gần 60% mục tiêu nghị quyết đề ra (nghị quyết đề ra 600 km). Cùng với việc tự nguyện hiến đất, các hộ dân còn tự nguyện bỏ kinh phí để phá dỡ công trình và xây dựng lại tường rào (cơ bản theo mẫu chung của huyện để tạo cảnh quan, thẩm mỹ), cổng, di chuyển cây cối... với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lê Tiến Dũng cho biết: “Trước khi Nghị quyết số 12-NQ/HU được ban hành, Nhân dân Triệu Sơn đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Phát huy truyền thống tốt đẹp của người dân Triệu Sơn và kinh nghiệm trong công tác vận động, Ủy ban MTTQ huyện đã tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU. Đến nay, sau 1 năm triển khai thực hiện, kết quả mang lại thật sự bất ngờ. Chưa tính tính giá trị đất người dân đã hiến; chỉ tính giá trị công trình đã phá dỡ như cổng, tường rào, nhà, hàng quán... đã lên tới trên 300 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình người dân tự bỏ tiền ra để xây lại như cổng, tường rào, đóng góp làm mặt bằng, mương, rãnh thoát nước, di dời cột điện và đổ bê tông, láng xi măng mặt đường... lên đến trên 600 tỷ đồng. Con số này tương đương với tổng số tiền huyện Triệu Sơn vận động Nhân dân đóng góp XDNTM giai đoạn 2012-2020 (hơn 960 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông...).

Lượng hóa những con số để thấy một điều, quá trình thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU ở Triệu Sơn thực sự là một “cuộc cách mạng” đã đem lại sự thay đổi rõ nét về chất - kiến tạo nên những giá trị mới, có tính ổn định, lâu dài, góp phần tạo dựng nên diện mạo NTM văn minh, hiện đại và đáng sống.

Nhóm Phóng viên

Bài 2: Mở đường - mở tương lai.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]