(Baothanhhoa.vn) - Trong đợt dịch thứ 4, Thanh Hóa ghi nhận 308 ca mắc COVID-19 (tính đến ngày 31-8-2021), trong đó, đã có nhiều ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, khu cách ly và đặc biệt là các ca mắc trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Chính sự chủ quan, lơ là trong công tác quản lý, giám sát từ cơ sở đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bài 2): “Bỏ ngỏ” khâu quản lý, giám sát và hệ lụy khôn lường

Trong đợt dịch thứ 4, Thanh Hóa ghi nhận 308 ca mắc COVID-19 (tính đến ngày 31-8-2021), trong đó, đã có nhiều ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, khu cách ly và đặc biệt là các ca mắc trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Chính sự chủ quan, lơ là trong công tác quản lý, giám sát từ cơ sở đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bài 2): “Bỏ ngỏ” khâu quản lý, giám sát và hệ lụy khôn lường

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trực tiếp chỉ đạo công tác khoanh vùng, truy vết liên quan đến ca dương tính với SASR-CoV-2 ở xã Thiệu Phúc ngày 22-5.

“Lá chắn” yếu từ cơ sở

Mặc dù đã thiết lập nhiều lớp “lá chắn” phòng dịch theo nhiều cấp độ, song chỉ cần một phút chủ quan, lơ là trong quản lý, giám sát hay một vị trí trên “trận địa” chống dịch bị buông lỏng, thì ngay lập tức sẽ tạo ra kẽ hở cho dịch bệnh xâm nhập, bùng phát thành chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Từ ngày 27-4-2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có hàng chục ngàn người trở về từ các quốc gia, các tỉnh/thành có dịch trong cả nước. Bên cạnh các công dân đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định cách ly y tế, thì vẫn còn không ít người thiếu ý thức, không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực kéo theo hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho người khác; nhiều khu vực bị phong tỏa, hàng trăm trường hợp phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà; toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc truy vết F1, F2 để khoanh vùng, khống chế dịch; nhiều khu dân cư sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo dịch bệnh ập đến.

Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bài 2): “Bỏ ngỏ” khâu quản lý, giám sát và hệ lụy khôn lường

Không thực hiện nghiêm quy định cách ly, BN 26025 (có địa chỉ thường trú tại xã Nghi Sơn) đã lây bệnh cho 5 người khác; lực lượng chức năng phải huy động nhân lực, nguồn lực để truy vết F1, F2 và tổ chức xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho hơn 500 trường hợp liên quan.

Điển hình là bệnh nhân 26025 (có địa chỉ thường trú tại xã Nghi Sơn, thuộc thị xã Nghi Sơn) trở về từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh ngày 1-7, phải cách ly tại nhà. Thế nhưng, trong thời gian cách ly, bệnh nhân này vẫn ra khỏi nhà và tiếp xúc với nhiều người và trực tiếp lây bệnh cho 5 người khác, hậu quả là toàn xã Nghi Sơn với 2.600 hộ dân, gần 10.000 người đã bị phong tỏa, hàng trăm F1, F2 bị cách ly. Đồng thời, thị xã Nghi Sơn đã phải vận hành thêm nhiều khu cách ly tập trung mới.

Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bài 2): “Bỏ ngỏ” khâu quản lý, giám sát và hệ lụy khôn lường

Tại huyện Thiệu Hóa, ngày 22-5 ghi nhận 1 ca dương tính với SASR-CoV-2 ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa (BN 5046). Qua truy vết, BN 5046 từ Hà Nội - nơi được xác định là dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp trở về Thanh Hóa vào ngày 19-5-2021, nhưng không khai báo y tế. Chỉ đến khi có biểu hiện ho ra máu (ngày 21-5), bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đại An và Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa. Do có yếu tố dịch tễ nên cả 2 bệnh viện đã xử lý phân luồng ngay từ khâu khám sàng lọc ngoài cổng ra vào. Tuy nhiên, thay vì cách ly bệnh nhân và thông báo với Trung tâm Y tế huyện Thiệu Hóa để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, các bệnh viện nói trên lại yêu cầu bệnh nhân di chuyển xuống Bệnh viện Phổi Thanh Hóa. Đến chiều ngày 22-5, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2; việc khoanh vùng, truy vết, khống chế dịch mới được thực hiện từ mốc thời gian này. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng truy vết, bệnh nhân này tiếp tục khai báo không trung thực.

Có thể nói, các trường hợp buộc phải cách ly nhưng vẫn “vô tư” đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, hoặc những người trở về từ vùng dịch nhưng không tự giác khai báo y tế và thực hiện các quy định phòng, chống dịch, trước hết là do sự hạn chế, yếu kém trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của những công dân này. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cơ sở trong việc quản lý, giám sát các trường hợp nguy cơ là chưa cao. Chính sự chủ quan, buông lỏng, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát của hệ thống chống dịch đặc biệt quan trọng này đã tạo điều kiện cho các hành vi sai phạm phát sinh, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, sức khỏe và an ninh - trật tự trên địa bàn.

“Không được lơi lỏng” trong khu cách ly

Khu cách ly tập trung có vai trò đặc biệt quan trọng trong quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Đây là “mắt xích” có tính trung gian, vừa ngăn chặn dịch, bệnh lây lan ra cộng đồng, vừa sàng lọc đối tượng nguy cơ cao, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 để kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị. Do đó, các yêu cầu về an ninh, an toàn tại khu cách ly tập trung luôn phải đặt ở mức cao nhất. Thế nhưng, trong thực tế, việc vận hành và bảo đảm các yếu tố an ninh, an toàn ở một số khu cách ly đã không được triển khai nghiêm túc. Trong đó, có tình trạng công dân và người làm nhiệm vụ không thực nghiêm nội quy, quy định cách ly dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bài 2): “Bỏ ngỏ” khâu quản lý, giám sát và hệ lụy khôn lường

Khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 762 (Trường Quân sự cũ, đóng trên địa bàn phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) ngày 30-6 đã tiếp nhận 343 công dân về nước trên các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Thái Lan về nước và phải cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Trong quá trình tổ chức cách ly, từ ngày 11 đến 18-7, đã có 34 công dân dương tính với SARS-CoV-2. Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng xác định đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo tại khu cách ly tập trung này.

Những hạn chế trong phòng, chống dịch nêu trên, ngoài ý thức của một bộ phận người dân, cần thẳng thắn nhìn nhận có phần trách nhiệm không nhỏ từ chính các cơ quan, đơn vị chức năng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Sự chủ quan, không chấp hành quy định của một bộ phận người dân và những kẽ hở tưởng chừng khó lọt của các lớp “phòng tuyến” chống dịch, rất có thể sẽ là nguyên nhân “xô đổ”, “cuốn trôi” mọi nỗ lực và thành quả phòng, chống dịch COVID-19 của cả hệ thống chính trị trong suốt gần 2 năm qua.

Theo tính toán, chỉ cần một ca nhiễm trong cộng đồng mà không được kiểm soát, thì chỉ sau 3 tuần sẽ có hơn 1.000 ca. Mặc dù hệ thống y tế của tỉnh đã chuẩn bị được một số trang thiết bị hiện đại như hệ thống ECMO, lọc máu, máy thở, cơ số oxy dự trữ, cùng với đội ngũ cán bộ y tế có kinh nghiệm trên “trận địa” chống dịch, song với tốc độ ca bệnh tăng nhanh và số bệnh nhân nặng quá nhiều, thì chắc chắn khả năng chống đỡ của hệ thống y tế sẽ suy giảm.

Bài học từ TP Hồ Chí Minh là nhãn tiền. Dù có hệ thống y tế hiện đại bậc nhất cả nước, tập trung hùng hậu đội ngũ y bác sĩ trình độ cao, nhưng khi dịch bùng phát, Bộ Y tế đã phải tăng cường đến 10.000 y bác sĩ chi viện cho thành phố dập dịch; đồng thời, phải thành lập thêm bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân. Song bấy nhiêu vẫn chưa đủ và thành phố vẫn phải áp dụng biện pháp cách ly tại nhà đối với F0 và F1. Đây chính là bài học “xương máu” cho nhiều tỉnh, thành, trong đó có Thanh Hóa nếu không siết chặt các vòng kiểm soát dịch bệnh từ cơ sở và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch ở các khu cách ly, điều trị.

Nhóm phóng viên VH-XH

Tin liên quan:
  • Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bài 2): “Bỏ ngỏ” khâu quản lý, giám sát và hệ lụy khôn lường
    Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19: (Bài 1) Đợt dịch ...

    Trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của “làn sóng” dịch COVID-19 thứ 4 này, tỉnh Thanh Hoá đã xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trước hết và trên hết, tất cả vì mục tiêu bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Do đó, các phương án, biện pháp được triển khai theo phương châm chủ động phòng chống dịch từ sớm, từ xa và tập trung thiết lập, củng cố các “lá chắn” nhằm kiểm soát nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.


Nhóm phóng viên VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]