(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, từ các chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo, đảng bộ, chính quyền xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Phú Nghiêm

Những năm qua, từ các chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo, đảng bộ, chính quyền xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Phú Nghiêm

Mô hình nuôi bò lai sind của hộ gia đình ông Cao Văn Tuân, thôn Cởi Khiêu.

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xã Phú Nghiêm đã thành lập ban xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các ngành, đoàn thể là thành viên. Ban XĐGN xã đã phân công thành viên phụ trách ở từng thôn, làng trực tiếp điều hành, chỉ đạo sản xuất, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ để có định hướng, hướng dẫn cụ thể cho phù hợp. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, các thành viên báo cáo với trưởng ban XĐGN xã về tình hình sản xuất của các hộ dân trong từng thôn, làng được phụ trách theo dõi để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Với đặc thù chủ yếu diện tích là đồi núi, xã Phú Nghiêm xác định trồng cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện công tác XĐGN của địa phương. Ban XĐGN đã vận động nhân dân tích cực trồng rừng theo các dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; đồng thời tập trung tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp cho nhân dân. Trung bình mỗi năm, xã đã trồng mới được hàng trăm ha rừng với các loại cây trồng chính như luồng, keo lai, thầu dầu và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng trồng cho nhân dân; tham gia đầy đủ các chương trình, cuộc diễn tập về phòng chống cháy rừng do huyện triển khai tại địa phương hoặc các xã trên địa bàn.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của ban XĐGN, xã cũng chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của đội ngũ già làng, trưởng bản và các hội, đoàn thể trong việc phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ tới từng hộ dân. Trong năm qua, chính quyền xã đã phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân; tổ chức các buổi hội thảo, trình diễn các mô hình khuyến nông, khuyến lâm... Qua đó, giúp các hộ nông dân nâng cao kiến thức trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã biết áp dụng các loại cây con giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn nguyên liệu tại chỗ như: Tre, luồng, chính quyền xã đã khuyến khích, vận động nhân dân tham gia chế biến các mặt hàng lâm sản và đưa vào một số ngành nghề mới như: Nghề mộc, xây dựng, vận tải, dịch vụ hàng hóa... góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình gia trại theo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương như: Rau sạch, lợn cỏ, lợn lòi, gà đồi... Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng với các chính sách hỗ trợ về giống, vốn, khoa học - kỹ thuật, những năm gần đây, nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguồn vốn từ các chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn mới tại Phú Nghiêm đã có sự đổi thay rõ rệt. Đến nay, nhiều tuyến đường giao thông trong xã đã được xây mới, bê tông, trải cấp phối rộng rãi, khang trang giúp cho bà con trong vùng đi lại, giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng, thuận tiện; hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi... được xây dựng đã chủ động được nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác lúa và hoa màu. Các chính sách trợ giá, trợ cước về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; dự án dạy nghề cho người nghèo, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về điện, y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, dự án đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo,... đều phát huy hiệu quả và được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, đánh giá cao. Nhờ đó, năm 2016 xã Phú Nghiêm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện địa phương đang bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Phạm Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn, đến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 5,3%; thu nhập bình quân đầu người trên 28 triệu đồng. Năm 2020, xã đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%. Để đạt kế hoạch đề ra, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, xây dựng các vùng chuyên canh cây, con để tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần XĐGN; tăng cường công tác dạy nghề, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]