(Baothanhhoa.vn) - Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh việc thực hiện các phầm mềm ứng dụng trong hoạt động giao dịch, quản lý, cũng như các ứng dụng dịch vụ tài chính, đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... nên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn.

Còn khó khăn trong đẩy mạnh tiện ích số cho người dân miền núi Ngọc Lặc

Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh việc thực hiện các phầm mềm ứng dụng trong hoạt động giao dịch, quản lý, cũng như các ứng dụng dịch vụ tài chính, đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... nên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn.

Còn khó khăn trong đẩy mạnh tiện ích số cho người dân miền núi Ngọc LặcCán bộ tín dụng NHCSXH huyện Ngọc Lặc hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh.

Là tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn, chị Lê Thị Hạnh được cán bộ NHCSXH cài đặt phần mềm quản lý tín dụng chính sách. Chỉ cần vào thao tác trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chị Hạnh có thể biết được số dư nợ của tổ là bao nhiêu, tiền lãi của từng hộ, chất lượng tín dụng, nợ quá hạn, nợ xấu như thế nào...

Theo chị Hạnh, ban đầu chị rất khó khăn để tiếp nhận, song làm dần rồi quen, thấy phần mềm quản lý tín dụng chính sách này rất tiện ích. Trước đây khi chưa triển khai phần mềm, việc nắm bắt thông tin, nhất là việc quản lý dư nợ các khoản vay tín dụng chính sách phụ thuộc chủ yếu vào các bản kê theo mẫu của ngân hàng. Như vậy, việc thực hiện thu nợ gốc, lãi hằng tháng mất nhiều thời gian, bởi người thực hiện vừa cộng số tiền lại vừa đối chiếu, thậm chí không tránh khỏi sai sót. Với phần mềm này, chị chỉ việc nhập thông tin hộ vay, hệ thống sẽ tự động cộng số tiền phải trả, chính xác đến từng đồng.

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân cũng như các tổ tiết kiệm và vay vốn, phần mềm quản lý tín dụng chính sách cũng giúp cho các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác quản lý một cách hiệu quả nguồn vốn vay đến từng hộ dân. “Tất cả đều được hiển thị trên phần mềm từ thông tin hộ vay, khoản vay, thời gian vay, số tiền phải trả cho đến tình trạng trả nợ, nợ quá hạn... Nhờ đó tôi có thể quản lý tốt các khoản vay, báo cáo kịp thời với cấp trên để có phương án xử lý đối với những khoản vay có dấu hiệu quá hạn” - chị Hạnh chia sẻ.

Ông Phạm Văn Chóng, Phó Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn tỏ ra hào hứng với việc trên điện thoại thông minh của mình được cài app Giáo dục tài chính của NHCSXH. Thông qua app ứng dụng này, ông cũng như người dân có thể tìm hiểu các thông tin về lĩnh vực NHCSXH, những mô hình hộ vay vốn sản xuất kinh doanh tiêu biểu, các dịch vụ và ưu đãi của ngân hàng. Ông Chóng đánh giá phần mềm giáo dục tài chính của NHCSXH có tính lan tỏa rất cao. Việc sử dụng ứng dụng này giúp người dùng hiểu về các chương trình tín dụng, lãi suất cho vay, thủ tục và quy trình vay vốn, các dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm, dịch vụ thanh toán. Qua app giáo dục tài chính, bản thân ông có thể học hỏi được các mô hình, cách làm hay, sáng tạo; tìm hiểu kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình,... để phổ biến đến người dân trong xã.

Còn với chị Phạm Thị Tường, thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn đánh giá, từ khi có ứng dụng, nhiều chị em trong xã đã biết cách tính toán, thu chi hàng ngày. Biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ. Đặc biệt, ứng dụng cung cấp cho phụ nữ có thêm kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp họ biết cách tính toán các khoản vay, tiền gửi tiết kiệm cũng như thói quen tiết kiệm hàng ngày. Ngoài ra, ứng dụng còn có các hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công, giúp các hội viên áp dụng để nâng cao sản xuất, góp phần sử dụng vốn vay đúng mục đích, tăng thu nhập, thanh toán nợ đúng kỳ hạn.

Tiện ích là vậy, tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng có thể ứng dụng, bởi đa phần đối tượng khách hàng của NHCSXH là người nghèo, người yếu thế. Trường hợp ông Phạm Văn Nga (63 tuổi, thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn) cho biết: “Cán bộ NHCSXH Ngọc Lặc phổ biến về một số ứng dụng cho bà con vay vốn trên điện thoại thông minh, ai cũng tấm tắc khen là tiện ích. Nhưng bản thân tôi tuổi cao, điều kiện hộ mới thoát nghèo còn khó khăn nên chưa có điện thoại thông minh để áp dụng”.

Theo ông Hồ Minh Hoàn, Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Lặc cho rằng: Thời gian qua, NHCSXH huyện Ngọc Lặc đang nỗ lực trong thực hiện, triển khai các phần mềm tiện ích như, phần mềm quản lý tín dụng chính sách; app Giáo dục tài chính; phần mềm quản lý tín dụng hay ứng dụng VBSP SmartBanking trên điện thoại thông minh (cho khách hàng cá nhân mở tài khoản tại NHCSXH và có nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Banking để thực hiện các giao dịch tài chính, phi tài chính trên thiết bị di động thông minh có kết nối internet)... Việc triển khai công nghệ số tạo ra cơ hội để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng, rút ngắn thời gian, chi phí di chuyển, chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên. Đơn cử như app Giáo dục tài chính, giúp người dân nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Với ứng dụng VBSP SmartBanking của NHCSXH sẽ mang đến nhiều tiện lợi cho khách hàng, các giao dịch được thực hiện 24/7 nhanh chóng, thuận tiện. Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi, đồng thời có thể sử dụng ở bất cứ nơi nào, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, điều này rất thuận lợi cho những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, dịch vụ SmartBanking cũng đáp ứng hầu hết các dịch vụ cơ bản của ngân hàng điện tử, giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán dịch vụ, chuyển tiền; cung cấp nhiều tiện ích, với các dịch vụ tài chính và phi tài chính.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại, cũng trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, hệ thống NHCSXH đang triển khai sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách. Đây là ứng dụng hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành và triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại các đơn vị. Với nhiều chức năng hỗ trợ quản lý, giám sát... các cán bộ, nhân viên, lãnh đạo quản lý trong hệ thống NHCSXH sẽ quản lý, điều hành và triển khai tốt nhất công tác tín dụng chính sách; tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

"Tuy nhiên, do đặc thù vùng miền núi còn nhiều khó khăn, cũng như đối tượng khách hàng đặc thù của NHCSXH nên việc áp dụng phần mềm ứng dụng cho bà con với các tiện ích như VBSP SmartBanking hay phổ biến ứng dụng về giáo dục tài chính mới chỉ đạt khoảng 20%” - ông Hoàn cho biết thêm.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]