Có hẹn với Pù Luông
Đến Pù Luông vào một ngày chớm hạ chúng tôi được “mẹ” thiên nhiên “chào đón” bằng không khí trong lành, mát mẻ, khung cảnh đồi núi quanh co, những nếp nhà sàn nằm san sát dưới chân núi ôm trọn những ruộng lúa, nương ngô, nương sắn, “khoác” lên mình màu xanh mơn mởn giữa bạt ngàn núi rừng.
Thời điểm nhà nhà, người người hướng về biển, riêng chúng tôi chọn cho mình một góc “chữa lành” bình dị, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng mang tên “Pù Luông”. Nằm ở giáp ranh biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước, cách Hà Nội khoảng 150km, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo và vô cùng bình yên. Ở độ cao 1.700m, nên Pù Luông lúc nào cũng mát mẻ, trong lành, nơi đây được du khách trong và ngoài nước ưu ái gọi với cái tên “BaLi thu nhỏ của Thanh Hóa”.
Dù ở mùa nào thì Pù Luông cũng đẹp đến nao lòng.
Ghé Pù Luông lần này, tôi chọn PuLuong Paradise là điểm dừng chân. Nơi đây, để lại cho tôi ấn tượng bởi hình ảnh các căn nhà sàn hay Bungalow được nằm nép sau những phiến đá lớn bao phủ toàn khu nghỉ dưỡng. View từ khách sạn “bao trọn” núi rừng khiến cho tôi cứ ngỡ như lạc vào trốn tiên cảnh. Chẳng ai bảo ai, các chị em đều cùng nhau xúng xính những bộ váy áo điệu đà thỏa sức tạo dáng trên thành bể bơi vô cực, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên và hít hà bầu không khí trong lành của núi rừng, bỏ lại sau lưng những muộn phiền, những ồn ào nơi phố thị.
Thiết kế vừa mang nét hiện đại mà cũng rất truyền thống ở Pu Luong Bocbandi.
Ngày đầu tiên ở Pù Luông, tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày để cảm nhận một buổi sớm mai ngập tràn nắng, gió và ngắm nhìn khung cảnh cỏ cây, hóa lá reo vui yên bình. Sau đó, chúng tôi ghé Bản Đôn - “trái tim” của Pù Luông nơi lưu giữ giá trị văn hóa và nếp sống của đồng bào các dân tộc địa phương; trải nghiệm phiên chợ chỉ họp đúng 2 buổi vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Câu nói ví von: “Nhất phố Đoàn, nhì Sài Gòn” quả không sai, khi chỉ mới 6 giờ sáng phiên chợ phố Đoàn đã thu hút nườm nượp du khách tham gia người bán hàng trong trang phục dân tộc của mình giới thiệu đến du khách đặc sản như: nộm hoa chuối, măng đắng, rượu cần, trái cây tươi, ốc núi, chuột đồng, rau rừng, hạt cọ...
Vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần hiện đại ở PuLuong Paradise.
Ghé vào quầy hàng bánh cuốn của chị Lim - người dân tộc Mường nhìn đôi tay thoăn thoắt cuộn từng chiếc bánh cuốn đẹp mắt thoáng qua ai cũng nhận ra cô đã làm “nghề” được nhiều năm, ai cũng nghĩ bánh cuốn ở đâu ăn mà chẳng giống nhau nhưng được thưởng thức trong một phiên chợ đặc biệt này quả là một điều mới lạ đối với chúng tôi.
Vừa nhâm nhi đĩa bánh cuốn nóng hổi, thơm phức chúng tôi lại có cơ hội tìm hiểu thêm về phiên chợ. Chị Lim chia sẻ: “Nghe ông bà kể lại phiên chợ phố Đoàn có từ thời Pháp thuộc, là nơi giao thương các hoạt động mua bán của người dân các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Sơn thuộc huyện Bá Thước. Vào thập niên 80, chợ phố Đoàn nổi tiếng sầm uất các tiểu thương đua nhau kinh doanh buôn bán, trao đổi hàng hóa từ đổi vàng cám lấy tiền đến đồ dùng sinh hoạt. Ngày nay, phiên chợ thường họp từ 6h sáng đến 11h trưa. Các tiểu thương ở đây hầu như chỉ bán những sản phẩm “cây nhà lá vườn” nên không khó để bắt gặp hình ảnh các bà cụ xuống chợ chỉ bán một vài bó rau. Phiên chợ phố Đoàn đặc biệt lắm nhiều khi chẳng cần dùng đến tiền để mua đồ mà ở đây hàng hóa được trao đổi với nhau, một đĩa bánh cuốn có thể đổi được mớ rau”. Chị Lim cười phá lên.
Tiếp theo, tôi đến với thác Hiêu để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây, mỗi mùa thác Hiêu lại “khoác” lên mình một tấm “áo” mới, đông ấm, hạ mát, chuyển từ xanh biếc sang trắng đục mỗi khi lũ về. Chiều đến, tôi lại có một trải nghiệm thú vị đi bè tre dạo trên suối Tràm - con suối lớn nhất trong vùng được hợp thành từ những con suối nhỏ đổ ra dòng sông Mã và thử thách bản thân với hoạt động làm ngư dân tận tay bắt cá; chưa kể, còn được đắm mình thư giãn cùng làn nước mát lạnh nơi đây.
Kết thúc một ngày khám phá bằng bữa ăn mang đậm bản sắc địa phương với: Cá suối chiên giòn, vịt quay Cổ Lũng, canh măng ngọt, rau dớn xào, lợn mán nướng Tây Bắc... và không thể thiếu món rượu cần.
Ảm thực đậm bản sắc địa phương, du khách vô cùng thích thú.
Tạm biệt Pù Luông, trở về với nhịp sống hối hả nơi đô thị nhưng trong lòng vẫn muốn được quay lại nơi đây một lần nữa. Tôi sẽ trở lại Pù Luông vào độ tháng 9, tháng 10 khi vào mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bên sườn đồi, chuyển mình từ màu xanh biếc sang màu vàng rực rỡ thơ mộng. Hy vọng, Pù Luông mãi giữ được nét đẹp hoang sơ, huyền bí của núi rừng và ngày càng phát triển, trở thành chốn đi về thân quen của du khách trong và ngoài nước.
Ngọc Lan - Tiến Đông
{name} - {time}
-
2024-12-13 13:10:00
Sẵn sàng đón khách dịp Tết Dương lịch
-
2024-12-13 10:09:00
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề
-
2024-05-21 14:57:00
Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh
Phát triển du lịch mang đậm nét văn hóa xứ Thanh
Thích thú với du lịch trải nghiệm
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đà Lạt từ CEO Dalat Today Travel
Đổi mới để hấp dẫn du khách
Tour săn mây Đà Lạt trọn gói ưu đãi, chuyên nghiệp tại Dalat Holiday
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới
Định vị thương hiệu du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch quốc gia
Hướng tới khai thác có hiệu quả du lịch trekking
Nào, mình cùng đi Sầm Sơn...