(Baothanhhoa.vn) - Với việc làm mới sản phẩm hiện có và đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, hấp dẫn, cơ cấu thị trường khách đến Thanh Hóa đang từng bước có sự đa dạng. Tuy nhiên, lượng khách từ các thị trường mới hiện vẫn chủ yếu tập trung tại một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Cơ cấu thị trường khách du lịch đến Thanh Hóa đã thực sự đa dạng?

Với việc làm mới sản phẩm hiện có và đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, hấp dẫn, cơ cấu thị trường khách đến Thanh Hóa đang từng bước có sự đa dạng. Tuy nhiên, lượng khách từ các thị trường mới hiện vẫn chủ yếu tập trung tại một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Cơ cấu thị trường khách du lịch đến Thanh Hóa đã thực sự đa dạng?

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn - điểm đến được đông đảo du khách yêu thích.

Năm 2024, toàn tỉnh đón trên 15,3 triệu lượt khách, tăng 22,9% so với năm trước. Đáng chú ý, bên cạnh thị trường khách truyền thống đến từ các tỉnh miền Bắc, Thanh Hóa ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể đến từ một số tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam bộ. Cùng với đó, năm 2024, lượng khách quốc tế từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... và một số nước châu Âu cũng có sự tăng trưởng nhẹ, với 720 nghìn lượt. Ghi nhận tại một số địa phương có khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, huyện Bá Thước..., thị trường khách đang dần có sự đa dạng, tăng thời gian lưu trú và tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Chị Đỗ Thị Thủy, Phòng Sale & Marketing Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) cho biết: “Khoảng hai năm trở lại đây, lượng khách các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam bắt đầu tăng nhẹ, khoảng 5 - 10%. Mặc dù mức tăng không lớn nhưng đây là thị trường khách có thời gian lưu trú trung bình từ 2 - 3 ngày và sử dụng đa dạng dịch vụ. Chỉ tính riêng 3 ngày của kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (từ 5 - 7/4) vừa qua, đã có khoảng hơn 1.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng tại đây, trong đó thị trường khách các tỉnh phía Bắc chiếm khoảng 70%. Đây là tín hiệu tích cực chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới”.

Cùng với các khu du lịch biển, ghi nhận tại một số khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, sinh thái cộng đồng, nông trại... cho thấy thị trường khách đến Thanh Hóa đã, đang từng bước có sự đa dạng. Đặc biệt, các điểm đến du lịch xanh, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí đang tạo nên sức hút mới cho du lịch của tỉnh.

Theo ông Đỗ Đức Mạnh, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Pù Luông cho biết: Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 (tháng 3/2022) đến nay, thị trường khách đến Pù Luông ngày càng có sự đa dạng. Đặc biệt là thị trường khách khu vực miền Trung, Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 10% so với những năm trước đây. Tuy nhiên có những hạn chế nhất định khiến cho Pù Luông chưa thể đẩy mạnh mở rộng thị trường khách. Trước hết, do đặc thù du lịch cộng đồng, với lượng phòng lưu trú và không gian hạn chế. Cùng với đó là một số vấn đề liên quan đến kết nối giao thông; phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học... Chính vì vậy, mục tiêu trước mắt của du lịch Pù Luông vẫn là tập trung khai thác mở rộng thị trường khách quốc tế gắn với phát triển du lịch xanh.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, phần lớn sản phẩm du lịch Thanh Hóa mới chỉ tiếp cận được thị trường du lịch ở mức trung bình, chưa tiếp cận được thị trường cao cấp; số lượng khách lưu trú còn thấp, thời gian lưu trú ngắn (từ 1 - 2 đêm). Cơ cấu thị trường khách du lịch của Thanh Hóa còn thiếu tính đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường khách du lịch Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Khách quốc tế đến Thanh Hóa tuy đạt mục tiêu đề ra, song tỷ trọng vẫn thấp. Đồng thời chỉ rõ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch mới, dẫn đến việc phát triển sản phẩm du lịch mới còn đơn điệu, chất lượng chưa cao nên chưa thu hút được lượng khách có mức chi trả cao và kéo dài ngày lưu trú. Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch của các địa phương trong tỉnh với nhau. Đặc biệt, việc chậm kết nối, chậm khôi phục các đường bay và tần suất các đường bay tại Cảng Hàng không Thọ Xuân đã ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường khách du lịch đến Thanh Hóa.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển đa dạng sản phẩm du lịch vui chơi giải trí tổng hợp và nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)... trên cơ sở phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Cùng với đó là ưu tiên xây dựng và khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí, trò chơi thể thao mạo hiểm, dịch vụ du lịch về đêm. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chuỗi cung ứng dịch vụ cũng cần được các doanh nghiệp du lịch quan tâm hơn nữa, hướng tới đáp ứng tốt nhu cầu, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]