(Baothanhhoa.vn) - Công tác thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, giúp thực thi phán quyết của tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản và nhân thân trong bản án, là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, từ nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác này trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, nhất là ở những vụ việc phức tạp, kéo dài.

Thi hành án dân sự, khó chồng khó

Công tác thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, giúp thực thi phán quyết của tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản và nhân thân trong bản án, là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, từ nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác này trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, nhất là ở những vụ việc phức tạp, kéo dài.

Thi hành án dân sự, khó chồng khóKhách sạn Hạc Trắng trên đường Thành Thái, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) là một trong những tài sản đảm bảo khó thi hành trong công tác THADS ở Thanh Hóa hiện nay.

Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh tại buổi khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án năm 2022 trên địa bàn tỉnh, từ tháng 10-2021 đến 31-7-2022, trong tổng số 14.318 việc có điều kiện thi hành (chiếm 81,77% tổng số việc phải thi hành) thì các cơ quan THADS trong tỉnh đã thi hành xong 10.259 việc, đạt tỷ lệ 71,65%, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số tiền có điều kiện để thi hành là gần 1.341,8 tỷ đồng, đã thi hành xong gần 492,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,72%, tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước. So với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao trong năm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 10 năm sau) thì các cơ quan THADS ở Thanh Hóa chỉ còn thiếu 10,35% về số vụ và 4,88% về số tiền.

Đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực cao của các cơ quan THADS tỉnh Thanh Hóa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Song, trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng án tồn đọng, khó xử lý. Điển hình, trong vụ việc tranh chấp tín dụng với số tiền phải thi hành là 39 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là khách sạn 7 tầng (khách sạn Hạc Trắng, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), bản án đã có hiệu lực từ lâu nhưng hiện vẫn chưa thi hành xong. Nguyên nhân được xác định là trên thực tế khách sạn xây chồng lấn sang đất liền kề của người thứ 3, xây dựng trái phép 2 tầng, không trùng khớp với hợp đồng thế chấp. Trong khi đó, theo luật định, cơ quan THADS chỉ được phép thi hành theo đúng hồ sơ bản án.

Theo đánh giá của Cục THADS tỉnh thì việc thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng thuộc diện khó khăn nhất, dù các cơ quan THADS đã có cố gắng xong chưa có nhiều đột phá. Tính từ tháng 10-2021 đến 31-7-2022, các cơ quan THADS trong tỉnh đã thụ lý, tổ chức thi hành xong 131 việc với hơn 251 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 47 việc, 69 tỷ đồng. Nhưng con số trên mới chỉ đạt 29,5% về việc, 21,99% về tiền trong tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành. Nguyên do chính của tình trạng này là nhiều vụ việc sau khi thụ lý, xác minh tài sản đảm bảo chưa rõ ràng, tài sản còn chồng lấn, không đúng với hiện trạng tài sản trong hợp đồng thế chấp, đặc biệt có tài sản thế chấp là công trình xây dựng chồng lấn sang đất của người thứ 3 liền kề; một số vụ việc tài sản đảm bảo thuộc diện bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa được giải ngân... Trên địa bàn TP Thanh Hóa, ngoài vụ việc liên quan đến khách sạn Hạc Trắng vẫn còn nhiều vụ việc khác có điều kiện nhưng chưa thi hành xong, có vụ việc số tiền phải thi hành hơn 22 tỷ đồng nhưng đang phải chờ UBND TP Thanh Hóa giải ngân đền bù giải phóng mặt bằng đối với tài sản đảm bảo; có vụ số tiền phải thi hành hơn 47 tỷ đồng, tài sản thế chấp là tàu biển, chấp hành viên đã làm việc với các đơn vị có liên quan, nhưng không xác định được vị trí con tàu đang neo đậu. Chi cục THADS thị xã Bỉm Sơn còn 3 vụ việc có điều kiện thi hành với số tiền hơn 97 tỷ đồng nhưng chưa giải quyết xong. Nguyên nhân cũng là do tài sản đảm bảo trên thực tế không đúng với hợp đồng thế chấp.

Điều này đang đặt ra trách nhiệm lớn hơn cho các ngân hàng khi cho vay thế chấp, cần phải phối hợp hiệu quả với bên vay để kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp. Tránh tình trạng tài sản thế chấp trên thực tế không trùng khớp, hoặc đã biến động, hao hụt so với hồ sơ thế chấp mà không được cập nhật. Và nếu việc thực thi phán quyết của tòa án liên quan đến tài sản mà không được thực thi, rất dễ dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao.

Đối với việc thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong 10 tháng, các cơ quan THADS mới chỉ thi hành xong 88/220 việc có điều kiện, với số tiền là 6,23 tỷ đồng trong tổng số 17,924 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Ông Lê Viết Tám, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Cục THADS tỉnh, cho rằng: Nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa hoàn thiện, thiếu quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, thủ tục; chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Đặc biệt, trước đây các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng thường tập trung vào việc chứng minh hành vi vi phạm, chưa quan tâm đến việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng. Khi nhận bản án thì cơ quan THADS không thể thực hiện được vì không còn tài sản để thi hành án; các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về áp dụng biện pháp bảo đảm, như kê biên, tạm giữ tài sản chưa được chi tiết, cụ thể...

Những khó khăn trên thuộc diện phổ biến trong công tác THADS hiện nay. Cá biệt có tình trạng người bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng trong các vụ án đánh bạc cũng được xếp vào diện có điều kiện thi hành. Nhưng thực tế cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn, do tài sản tương đương giá trị không có và pháp luật không cho phép xử lý tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong khi tài sản nhà đất lại quá lớn so với số tiền phải thi hành. Hay tình trạng một số tổ chức, cá nhân còn lợi dụng yêu cầu phá sản, hoặc viết đơn khiếu nại, tố cáo, yêu cầu tòa án xem xét thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để kéo dài thời gian thi hành án...

Công tác THADS vốn là hoạt động trực tiếp cụ thể hóa phán quyết của tòa về tài sản và nhân thân trong các vụ án, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, cá nhân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng nó cũng đụng chạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân bị thi hành, nên thực tế đã có sự chây ỳ, chống đối, hoặc nhiều chiêu trò để kéo dài, hoặc để không phải thi hành án. Trong 10 tháng (từ tháng 10-2021 đến tháng 31-7-2022), các cơ quan THADS đã ra quyết định cưỡng chế THADS đối với 215 trường hợp. Đó là những vụ, việc có điều kiện nhưng tổ chức, cá nhân bị thi hành cố tình chây ỳ, chống đối. Điều này đòi hỏi ban chỉ đạo THADS ở các phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về THADS sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, cũng như vận động các đương sự tự nguyện thi hành án.

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]