(Baothanhhoa.vn) - Theo Quyết định 479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS. Tại Thanh Hóa, CĐS trong nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người lao động... Tuy nhiên, hành trình này còn không ít gian nan, cần một tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các nhà khoa học, nhà đầu tư  và người dân.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Tạo “xung lực” để ngành nông nghiệp phát triển

Theo Quyết định 479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS. Tại Thanh Hóa, CĐS trong nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người lao động... Tuy nhiên, hành trình này còn không ít gian nan, cần một tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các nhà khoa học, nhà đầu tư và người dân.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Tạo “xung lực” để ngành nông nghiệp phát triểnÔng Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới và mô hình trồng rau sạch trong nhà kính.

Phát huy lợi thế

Thanh Hóa là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với nhiều chính sách kích cầu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy nhanh lộ trình số hóa dữ liệu ngành, hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch... công nghệ số đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm nhân công, lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thanh Hóa có trên 641.000 ha rừng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, phức tạp, khó lường, hạn hán, khô hanh, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao trên toàn bộ diện tích rừng của tỉnh, đặc biệt là 48.560 ha diện tích rừng thông, rừng trồng thuần loài, rừng hỗn giao nứa gỗ...

Anh Trịnh Đăng Tình, Phó Phòng Quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã thí điểm “Đầu tư xây dựng 11 hệ thống camera chuyên dụng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng” tại các xã Hà Lĩnh (Hà Trung), Hoằng Kim (Hoằng Hóa), Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn), Thạch Cẩm (Thạch Thành)... Từ khi các trạm camera chuyên dụng được đưa vào hoạt động, hàng chục nghìn ha rừng phòng hộ có nguy cơ xảy ra cháy cao đã được giám sát liên tục suốt ngày đêm. Hệ thống camera 360 độ, được cấp thông số để dừng lấy ảnh chuẩn liên tục ở 24 vị trí góc khác nhau, camera truyền hình ảnh trực tiếp và rõ nét tại các khu rừng dễ cháy về máy tính và điện thoại thông minh của các chủ rừng, cán bộ quản lý lâm nghiệp, cán bộ địa phương... Nhờ đó, các trạm camera chuyên dụng đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp phát hiện sớm cháy rừng ở vùng thí điểm, nhiều đám cháy đã được phát hiện và dập tắt ngay từ khi mới hình thành. Phân tích những hình ảnh do camera cung cấp cho thấy độ nét của hình ảnh rất cao, trên nền tối của các khu rừng có thể dễ dàng phát hiện được các đốm lửa sáng có kích thước cỡ vài chục centimét đến một vài mét tùy theo khoảng cách xa hay gần. Ngoài việc giám sát cháy rừng, hình ảnh do camera cung cấp còn có thể được sử dụng để giám sát những biến động khác như chặt phá, khai thác rừng, chăn thả gia súc... góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu... Sau khi thấy được hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong dự tính, dự báo, việc phòng, chống cháy rừng được chủ động ở mức cao nhất, Chi cục Kiểm lâm đã tiếp tục lắp đặt thêm 8 điểm mới, nâng tổng số diện tích rừng được giám sát bằng hệ thống camera lên trên 60%.

Là doanh nghiệp tiên phong CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) chia sẻ: Là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thương hiệu Qeen Farm, chúng tôi nhận thấy sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật số đã giúp ngành nông nghiệp bắt nhịp xu hướng số. Từ năm 2019, doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng phần mềm iMetos vào hoạt động sản xuất của công ty, mua công nghệ từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản về áp dụng vào sản xuất nhờ đó giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh... Việc bón phân, tưới nước cho cây trồng cũng được tự động hóa. Thiết bị cảm ứng nhiệt sẽ tự động điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp như dưa Taki, dưa chuột Baby... của công ty đạt sản phẩm OCOP 4 sao, được bán trực tiếp vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, dự kiến sẽ có thêm 5 sản phẩm chế biến từ cây rau má của công ty đạt OCOP 4 sao trở lên.

Ngoài việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, các thiết bị nông nghiệp thông minh vào sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu nhân công lao động, nâng cao giá trị, sản lượng sản phẩm... Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã CĐS triệt để cả trong khâu quản lý nhân sự, bán hàng... để có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng, công ty đã áp dụng việc phân phối, bán hàng, ký gửi hàng hóa trên các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, shopee, amazon, alibaba... để tiếp cận khách hàng nhanh nhất mà không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng.

Cũng theo ông Tân, nông nghiệp là lĩnh vực vô cùng quan trọng, đặc biệt khi đối mặt với dịch bệnh COVID-19 mới thấy, nông nghiệp là ngành sản xuất “xương sống” chứ không phải là “bà đỡ” cho các ngành khác.

CĐS trong nông nghiệp là một hành trình dài

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, CĐS trong nông nghiệp đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất, chế biến: nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, cục bộ, chủ yếu là CĐS trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trình độ của đa phần bộ phận người nông dân chưa tiệm cận với công nghệ số. Đây là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp tỉnh ta.

Thừa nhận sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn đang ở mức sản xuất nông nghiệp thuần túy, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới manh nha được khoảng 13 ha... Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng Phòng NN&PTTN huyện Nga Sơn chia sẻ: Ngành nông nghiệp của địa phương hiện nay còn chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố thời tiết, đầu ra của sản phẩm bấp bênh; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều, chưa đủ mạnh; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích thấp; tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao còn manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế... Hiện nay, phòng NN&PTNT đang tham mưu với UBND huyện Nga Sơn một số giải pháp để đầu tư hạ tầng, tích tụ đất đai, quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nông dân... Thực tế, huyện Nga Sơn đã có định hướng trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nhiệp công nghệ cao, quy mô lớn từ rất sớm, tuy nhiên số hóa ngành nông nghiệp là cả một quá trình, quá trình này đòi hỏi thời gian và định hướng, dẫn dắt từ cơ quan quản lý, nhà chuyên môn, nhà khoa học...

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Ngày 18-6-2021, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về CĐS trong lĩnh vực NN&PTNT. Đây được xem là “tiếng trống” chính thức phát động ngành nông nghiệp toàn quốc hòa nhịp CĐS. Tại Thanh Hóa, xác định phát triển nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu, Sở NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện đề án CĐS của ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Toàn ngành sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất chế biến nông nghiệp và người nông dân về CĐS. Mục tiêu của CĐS trong nông nghiệp là hướng đến nông nghiệp và người dân, trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp là đầu tàu, người nông dân là trung tâm.

Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh ta, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chính là do: Cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp; nguồn nhân lực hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ quen với việc sản xuất nông nghiệp thuần túy, truyền thống... Để thực hiện thành công CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách, công nghệ và trình độ dân trí, cần những quyết sách mang tính chiến lược, căn cơ từ các cấp, ngành chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để dẫn dắt quá trình CĐS trong nông nghiệp tỉnh ta đi đúng hướng.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]