(Baothanhhoa.vn) - Xác định chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, là cơ hội để ngành ngân hàng bứt phá, phát triển, tại Thanh Hóa, các ngân hàng đang định hình chiến lược kinh doanh, tập trung triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích, gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

Chuyển đổi số - cơ hội để ngân hàng bứt phá

Xác định chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, là cơ hội để ngành ngân hàng bứt phá, phát triển, tại Thanh Hóa, các ngân hàng đang định hình chiến lược kinh doanh, tập trung triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích, gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

Chuyển đổi số - cơ hội để ngân hàng bứt pháNhân viên Ngân hàng TPBank giới thiệu các sản phẩm dịch vụ tiện ích tới khách hàng.

LiveBank là tên gọi của mô hình ngân hàng tự động được Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong (TPBank) đưa vào thị trường từ cuối năm 2016. Cho đến nay, đây vẫn là mô hình tự động hiện đại nhất có thể phục vụ khách hàng 24/7. LiveBank được coi là ngân hàng “không ngủ” trong chiến lược số hóa của TPBank. Với khả năng nhận diện khuôn mặt trong 3 giây và xác nhận thêm vân tay là 2 bước giúp khách hàng hoàn thành đăng nhập để thực hiện mọi giao dịch tại ngân hàng tự động LiveBank. Với nền tảng công nghệ số hiện đại, LiveBank có thể đáp ứng đến 2/3 giao dịch như một quầy truyền thống từ rút tiền, nộp tiền vào tài khoản, chuyển khoản liên ngân hàng, thanh toán hóa đơn, cho đến việc mở sổ tiết kiệm lãi suất cao hơn tại quầy hay mở tài khoản và thẻ lấy ngay. Thêm vào đó, thời gian giao dịch được rút ngắn, hạn chế việc phải chờ đợi lâu. Hệ thống LiveBank có thể đếm 100 triệu đồng chỉ trong trong 25 giây, giúp những thao tác đơn giản như nộp tiền, rút tiền chỉ trong 1 phút. Đối với những giao dịch phức tạp hơn, khách hàng có thể kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch viên từ xa để nhận được sự trợ giúp bất cứ thời điểm nào.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Triển khai LiveBank tại địa bàn Thanh Hóa, số lượng khách hàng tăng lên từng ngày, giải phóng sức lao động cho ngân hàng rất nhiều, có thể tiết kiệm 60% thời gian giải ngân khoản vay, 30 - 60% thời gian giao dịch tại quầy. Lượng người dùng dịch vụ ngân hàng số của TPBank đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua, trung bình hơn 30% mỗi năm. Tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch của TPBank - Chi nhánh Thanh Hóa đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên trên 85% ở thời điểm hiện tại.

Cũng nhập cuộc chuyển đổi số từ rất sớm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa đã tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, mở rộng tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ E-Banking, cụ thể: Triển khai sản phẩm tiền gửi trực tuyến trên ứng dụng Agribank E-Mobile banking đáp ứng nhu cầu gửi tiền trực tuyến, giảm tải giao dịch tại quầy, cập nhật, bổ sung tiện ích và một số nội dung quy định sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, bổ sung tính năng tiện ích, đa dạng hóa đối tác, loại hình thanh toán dịch vụ E-Banking đáp ứng nhu cầu khách hàng theo xu hướng thị trường. Tuân thủ quy định Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã triển khai các giải pháp xác thực giao dịch trong đó áp dụng các phương thức giao dịch nâng cao, đảm bảo tính bảo mật và hạn mức phù hợp.

Ông Nguyễn Thái Triệu, Giám đốc Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa, chia sẻ: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng. Với vị thế là ngân hàng thương mại hàng đầu về mạng lưới và cơ sở khách hàng trên địa bàn, đây là nền tảng vững chắc cho việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, Agribank Bắc Thanh Hóa đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có, triển khai các chức năng, tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số, nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, qua đó ngày càng đáp ứng hơn nữa nhu cầu của khách hàng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Nhằm bắt kịp với xu hướng giao dịch điện tử tăng mạnh và nâng cao trải nghiệm của người dùng, các ngân hàng đã và đang tăng tốc khiến cuộc đua ngân hàng số trở nên sôi động hơn khi hàng loạt ngân hàng với quy mô từ lớn đến nhỏ đều tăng mức đầu tư về công nghệ để chuyển đổi số. Trong khi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ứng dụng dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát động chiến dịch chuyển đổi số trên nền khách hàng “BIDV Digi Up”, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với kế hoạch xây dựng ứng dụng “chatbot” (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) “đa nhiệm” hơn... thì chiến lược chuyển đổi số của Ngân hàng Quân đội (MBBank) tiếp tục được đẩy mạnh với các ứng dụng ngân hàng số App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp) được cải tiến không ngừng... Làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng đang tạo ra các dịch vụ mới, xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ trong chuyển đổi số, như: hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao, hệ thống bảo mật thông tin khách hàng... Thậm chí cả thách thức lớn về thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.

Ông Nhữ Ngọc Tuấn, Giám đốc Agribank huyện Hậu Lộc thuộc Agribank Bắc Thanh Hóa, chia sẻ: Trước thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, Agribank huyện Hậu Lộc đã thông tin đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm và cách phòng tránh, khuyến cáo khách hàng cách bảo mật thông tin... Trước những thách thức trong cuộc chuyển đổi số, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước sớm xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Bởi chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện cho người dân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng cũng như tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số...

Cuộc cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng của thế giới mà còn thúc đẩy các ngân hàng không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiến tạo giá trị mới để đứng vững trên thị trường và thu hút khách hàng.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]