(Baothanhhoa.vn) - Mùa nắng nóng gay gắt kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm đã và đang đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tại miền Bắc lên mức kỷ lục, đặt hệ thống lưới điện trước những thách thức không nhỏ về quá tải, nguy cơ sự cố và gián đoạn cung cấp. Các đơn vị truyền tải và phân phối điện trên địa bàn Thanh Hóa đã và đang chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành để duy trì dòng điện an toàn, liên tục.

Chuyển đổi số “giữ tải” lưới điện mùa cao điểm

Mùa nắng nóng gay gắt kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm đã và đang đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tại miền Bắc lên mức kỷ lục, đặt hệ thống lưới điện trước những thách thức không nhỏ về quá tải, nguy cơ sự cố và gián đoạn cung cấp. Các đơn vị truyền tải và phân phối điện trên địa bàn Thanh Hóa đã và đang chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành để duy trì dòng điện an toàn, liên tục.

Chuyển đổi số “giữ tải” lưới điện mùa cao điểm

Theo dõi thông số truyền tải tại Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa.

Đội Truyền tải điện Thanh Hóa hiện đang quản lý 2 trạm biến áp 500kV, 5 trạm 220kV và hơn 1.100km đường dây 220-500kV. Tất cả các trạm đều đã được phủ sóng wi-fi, đồng bộ với các thiết bị thông minh, cho phép giám sát và điều khiển từ xa. Với hệ thống đường dây, đơn vị sử dụng flycam gắn cảm biến nhiệt để kiểm tra tình trạng thiết bị trên cao, giúp phát hiện sớm những bất thường, giảm nguy cơ sự cố và bảo đảm an toàn lao động.

“Ứng dụng công nghệ số đã giúp đơn giản hóa quy trình vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm đáng kể nhân lực trực tiếp tại trạm. Hiện nay, mỗi trạm 220kV chỉ còn khoảng 5 nhân viên vận hành, thay vì 12 người như trước đây nhờ chuyển đổi sang chế độ trạm biến áp tự động. Đặc biệt, việc tích hợp các phần mềm quản lý thiết bị, quản lý công việc đã nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong công tác kỹ thuật”, Đội phó Đội Truyền tải điện Thanh Hóa Phạm Ngọc Thắng chia sẻ.

Điển hình như Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa, đây là một trong những điểm nút trọng yếu của lưới điện truyền tải Bắc- Trung và được ví như trạm mẫu của hệ thống trạm 500kV trên cả nước. Trạm được trang bị nhiều thiết bị công nghệ tiên tiến như hệ thống giám sát ắc quy, giám sát tiếp địa, giám sát dầu và nhiệt độ, sử dụng camera hồng ngoại để theo dõi tình trạng vận hành thiết bị. Tất cả đều được số hóa, giúp nhân viên vận hành giám sát các thông số một cách chính xác và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Với hệ thống giám sát dầu

online, các chỉ số về chất lượng dầu được theo dõi liên tục, nhân viên không cần trực tiếp ra hiện trường kiểm tra thủ công như trước đây. Nhờ đó, thời gian tiếp xúc của nhân viên với các thiết bị điện giảm đáng kể, đồng thời nâng cao mức độ an toàn và giảm rủi ro, độc hại trong các ca trực.

Còn tại Trạm biến áp 220kV Ba Chè, mô hình thao tác xa được áp dụng từ cuối năm 2023, giúp tối ưu hóa việc giám sát và điều khiển từ xa. Tất cả các thiết bị được gắn mã QR để nhân viên vận hành quét bằng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, dữ liệu được tự động cập nhật lên phần mềm quản lý phục vụ điều hành, giúp giảm thiểu sai sót và loại bỏ hoàn toàn việc ghi chép thủ công.

Anh Trịnh Khắc Hưng, nhân viên trực vận hành chia sẻ: “Nhờ ứng dụng công nghệ số, việc kiểm soát thiết bị trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. Các dữ liệu được cập nhật liên tục, hiệu quả hơn cho mô hình thao tác xa; đồng thời giảm nhiều khối lượng công việc giấy tờ và hạn chế sai sót”.

Chuyển đổi số “giữ tải” lưới điện mùa cao điểm

Nhân viên Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa theo dõi mức độ tin cậy của thiết bị trên ứng dụng di động.

Ở cấp lưới điện dưới 100kV, Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành. Các hệ thống SCADA, điều khiển từ xa, trạm biến áp không người trực và công nghệ sửa chữa nóng hotline được triển khai đồng bộ. Hạ tầng viễn thông được nâng cấp mạnh mẽ với hơn 1.969km cáp quang kết nối các trạm và điểm phân phối, cùng với việc áp dụng các phần mềm quản lý kỹ thuật qua PMIS, GIS, giúp tích hợp dữ liệu lịch sử và cảnh báo CBM (phương pháp bảo trì dựa trên tình trạng của thiết bị, hay còn gọi là bảo trì dự đoán). Đặc biệt, công nghệ hotline giúp đơn vị xử lý sự cố trên lưới 22kV mà không cần cắt điện, bảo đảm duy trì cung cấp điện liên tục trong mùa nắng nóng. Ngoài ra, việc sử dụng drone, camera thông minh và các thuật toán AI trong kiểm tra, bảo dưỡng và phát hiện vi phạm hành lang lưới điện đã giúp nâng cao năng suất, giảm nguy cơ tai nạn lao động. Công tơ điện tử đo xa cho phép khách hàng theo dõi sản lượng tiêu thụ hằng ngày, minh bạch hóa hóa đơn tiền điện và góp phần tiết kiệm nguồn lực quản lý.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh với các tính năng tự động đóng cắt và xử lý sự cố, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng AI, IoT trong phân tích phụ tải và dự báo sự cố, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Hoàng Đức Hậu cho biết.

Theo số liệu từ Đội Truyền tải điện Thanh Hóa, sản lượng điện truyền tải qua hệ thống trong 6 tháng đạt 29,07 tỷ kWh, trong đó sản lượng phân phối cho Công ty Điện lực Thanh Hóa là 3,91 tỷ kWh. Riêng tháng 6, sản lượng điện thương phẩm của Thanh Hóa đạt 866,179 triệu kWh, tăng 15,1% so với cùng kỳ, công suất đỉnh đạt 1.597,5 MW - mức cao nhất từ trước đến nay tại tỉnh. Cùng thời điểm, hệ thống điện miền Bắc cũng ghi nhận mức tiêu thụ kỷ lục với công suất cực đại đạt 26.998 MW vào ngày 18/7, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nhu cầu điện liên tục lập đỉnh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý, vận hành hệ thống đã giúp ngành điện khu vực Thanh Hóa không chỉ bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục trên địa bàn, mà còn góp phần quan trọng giữ vững mạch truyền tải cho cả khu vực miền Bắc.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]