(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới được áp dụng và mở rộng trong Nhân dân. Trong thành quả chung của ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng của công tác khuyến nông, nhất là trong xây dựng các mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.

Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông cơ sở

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới được áp dụng và mở rộng trong Nhân dân. Trong thành quả chung của ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng của công tác khuyến nông, nhất là trong xây dựng các mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.

Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông cơ sởCán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn và khuyến nông viên cơ sở xã Thọ Tiến (Triệu Sơn) hướng dẫn người dân chăm sóc đàn lợn.

Thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngày càng nhiều mô hình sản xuất được triển khai hiệu quả từ mô hình khuyến nông. Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan và các địa phương, như: Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống, Hà Trung... triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bảo đảm an toàn thực phẩm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn quy định cho người dân các địa phương. Đồng thời, triển khai một số giải pháp trong phòng trừ dịch hại đối với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm... Theo đó, toàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình lúa - cá tại huyện Hà Trung 200ha, mô hình lúa - rươi tại huyện Quảng Xương 100ha và Nông Cống 13ha... Nhờ được đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất nên sản xuất lúa hữu cơ đạt năng suất cao hơn 10 - 12% so với sản xuất đại trà, sản phẩm gạo chất lượng cao, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất lúa và thay đổi nhận thức, trình độ sản xuất của người dân.

Tại Ngọc Lặc, công tác khuyến nông được chú trọng, triển khai khá hiệu quả, đồng bộ. Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa và rau màu cho 1.402 lượt người tham gia. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ tại các xã Thạch Lập, Vân Am, 1 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất dứa và xây dựng mã số vùng trồng dứa xuất khẩu tại xã Cao Thịnh; thực hiện mô hình giống sắn kháng vi rút khảm lá sắn tại xã Nguyệt Ấn; triển khai sản xuất được 5,9ha giống lúa ST25; khôi phục, sản xuất thử nghiệm 1,6ha lúa nếp Râu bản địa tại xã Đồng Thịnh...

Ông Nguyễn Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, cho biết: Là đơn vị khuyến nông cơ sở, mặc dù có nguồn nhân lực mỏng, song trung tâm luôn chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ khuyến nông, góp phần đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, hằng vụ, cán bộ khuyến nông cơ sở thường tổ chức tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền đến người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa, cây trồng, vật nuôi. Tại mỗi xã, thị trấn đều xây dựng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả để người dân tham quan, học hỏi nhân rộng. Từ đó thay đổi thói quen, nâng cao trình độ sản xuất của người dân.

Tại 34 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã và đang duy trì được đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở hoạt động có hiệu quả. Cán bộ khuyến nông trực tiếp tham gia, phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp triển khai các mô hình trồng trọt, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Tiêu biểu trong tháng 12/2023, đàn lợn thuộc Dự án “Chăn nuôi lợn nái sinh sản theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại xã Thọ Tiến bị ốm, chết, thế nhưng nhờ cán bộ khuyến nông cơ sở làm tốt công tác nắm bắt, dự báo và hướng dẫn người dân chăm sóc nên sớm ổn định được tình hình. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ khuyến nông xã Thọ Tiến, cho biết: "Sau khi nhận tin báo của người dân về hiện tượng lợn mới được dự án cấp bị ốm, chết, chúng tôi trực tiếp đến kiểm tra, phân tích biểu hiện và các điều kiện khách quan khác, từ đó xác định nguyên nhân. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, nuôi dưỡng lợn bị bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn lợn tại địa phương. Nhờ đó, trong tổng số 42 con lợn bị nhiễm bệnh tại xã Thọ Tiến (26 con lợn dự án cấp và 16 con nuôi trong dân) chỉ có 26 con phải tiêu hủy theo đúng quy trình. Số lợn nhiễm bệnh còn lại đã được chữa khỏi".

Thực tế cho thấy, công tác khuyến nông có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới đồng bộ vào sản xuất. Ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thực hiện phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, toàn tỉnh đã thành lập 124 tổ, với 1.091 cán bộ khuyến nông viên, nhằm hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số... cho lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề... Từ đó, góp phần nâng cao năng lực, trình độ toàn diện cho hệ thống khuyến nông của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]