(Baothanhhoa.vn) - Xã Hợp Lý (Triệu Sơn) vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong lộ trình để có được kết quả ấy, địa phương được đánh giá nổi trội nhất với tiêu chí số 13 về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” và tiêu chí số 10 về “Thu nhập” cho Nhân dân.

Chọn thế mạnh để xây dựng NTM nâng cao

Xã Hợp Lý (Triệu Sơn) vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong lộ trình để có được kết quả ấy, địa phương được đánh giá nổi trội nhất với tiêu chí số 13 về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” và tiêu chí số 10 về “Thu nhập” cho Nhân dân.

Chọn thế mạnh để xây dựng NTM nâng caoVườn phát triển cây cảnh kinh doanh của gia đình ông Đào Duy Lộc, xã Hợp Lý (Triệu Sơn).

Từ hàng chục năm qua, Nhân dân xã Hợp Lý phát triển mạnh hoạt động trồng hoa, cây cảnh. Nơi đây chính là “thủ phủ” cây quất, cây đào của tỉnh Thanh Hóa với hoạt động buôn bán, trao đổi và sản xuất cây cảnh quanh năm. Đây chính là tiền đề để xã lấy nghề này làm trọng tâm trong phát triển sản xuất của địa phương.

Ở Hợp Lý, không chỉ vườn nhà, ven đường, các loại cây cảnh, rồi đào, quất được phát triển ra tận những thân ruộng, trải màu xanh khắp các cánh đồng, nhiều gia đình phát triển cây cảnh có lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm. Điển hình trong số đó phải kể đến ông Đào Duy Lộc ở thôn Nội Sơn. Với 2.500m2 diện tích vườn nhà, ông đã dày công phát triển vườn cây như một khu tiểu sinh thái làng quê ngay ven tuyến đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn. Nhiều năm miệt mài ươm trồng rồi uốn tỉa, tạo tác, hàng nghìn cây cảnh của ông đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật, được đông đảo người chơi cây cả nước trao đổi, bán mua. Những năm gần đây, tuy thị trường cây cảnh trong nước có phần trầm lắng, nhưng theo ông, lợi nhuận mỗi năm vẫn duy trì từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, chưa kể trong vườn gia đình còn nhiều cây có giá trị tiền tỷ.

Tại thôn Đông Thành, ông Trần Sỹ Toàn được mệnh danh là “Vua cây cảnh” khi tự dồn đổi, tích tụ những khu ruộng nhiều ha để trồng đào và quất theo hướng áp dụng kỹ thuật cao. Những năm qua, gia đình ông duy trì 30.000m2 phát triển cây cảnh, trong đó gần 10.000m2 vườn và đất thuê sát nhà để ươm trồng và chăm sóc cây cảnh nghệ thuật như tùng la hán, chay giống, ngọc lan và nhiều loại cây công trình, cây bóng mát. 20.000m2 đất ruộng tích tụ ngoài đồng, những lao động trong gia đình cùng công nhân kỹ thuật thuê từ Nam Định, Hưng Yên vào chăm sóc những vườn đào, quất xuất bán dịp tết. Mỗi năm, ông xuất bán cây đạt giá trị 1,5 đến 2 tỷ đồng, cho lợi nhuận khoảng từ 800 đến 1 tỷ đồng.

Hiện toàn xã Hợp Lý có 476,2ha đất sản xuất nông nghiệp, 302ha đất phi nông nghiệp. Ở cả 6 thôn trong xã, hầu như gia đình nào có ruộng, có vườn là có hoạt động trồng cây cảnh để phát triển kinh tế, nhất là cây đào. “Cây cảnh” cũng chính là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của địa phương.

Với quan điểm XDNTM nâng cao phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, từ đó “lấy sức dân để lo cho dân”, xã Hợp Lý đã ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình sản xuất được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng người dân, lấy phát triển sản xuất là gốc để nâng cao giá trị sản xuất và thế mạnh địa phương, nhờ đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, xóa bỏ dần các thói quen sản xuất lạc hậu.

Ngoài nông nghiệp, xã cũng quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Đến nay toàn xã có 4 công ty TNHH kinh doanh trên các lĩnh vực như sản xuất bao bì, thương mại dịch vụ, may mặc, 2 doanh nghiệp về kinh doanh vật liệu xây dựng và nông sản. Nhân dân trong xã cũng đã đầu tư 47 xe ô tô các loại, 72 máy cày bừa, 4 máy gặt đập liên hợp, 2 cơ sở sản xuất mạ khay, 10 máy cấy để làm dịch vụ trong vùng. 407 người xuất khẩu lao động sang các nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... gửi nguồn ngoại tệ lớn về xây dựng quê hương, đầu tư sản xuất.

Từ sự phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của xã liên tục tăng. Tính từ năm 2020 khi bắt đầu XDNTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47,83 triệu/người/năm. Đến năm 2021 đạt 53 triệu/người, năm 2022 đạt 58 triệu/người, năm 2024 dự kiến đạt 63,27 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện chỉ còn dưới 1%.

Kinh tế phát triển là điều kiện để Hợp Lý hoàn thiện hệ thống hạ tầng khang trang. Thông tin từ UBND xã Hợp Lý, những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của xã luôn đạt trên 12%. Với những mô hình sản xuất khá bền vững, xã lại coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, dư địa phát triển của Hợp Lý còn lớn, từ đó xã đặt kế hoạch tiếp tục phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]