Chất thải rắn sinh hoạt và nguy cơ ô nhiễm môi trường
Chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng nếu không được quản lý và xử lý đúng cách có thể gây ra ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Cán bộ Phòng Môi trường, Sở NN&MT hướng dẫn người dân quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Qua khảo sát, thống kê của ngành chức năng, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 3.000 tấn/ngày/đêm. Tỷ lệ được thu gom, xử lý lượng rác thải trên đạt hơn 92% với phương pháp chủ yếu là đốt và chôn lấp thủ công. Trong khi đó, nhiều bãi chứa rác thải trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, như bãi rác thải ở phường Sầm Sơn, bãi rác thải ở phường Bỉm Sơn...
Đặc biệt, trong tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm khoảng 9%. Quá trình đốt và chôn lấp loại rác thải này gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là môi trường đất, nước và không khí.
Các nghiên cứu, phân tích đã chỉ ra rằng, nhựa PVC nguyên chất có chứa khoảng 49% clo. Đốt nhựa PVC giải phóng ra các halogen gây độc hại và chúng còn có thể liên kết, vận chuyển các chất ô nhiễm trong không khí. Đốt cháy túi nilon hay bất kỳ loại nhựa nào ngoài trời có thể tạo ra dioxin, furan và các chất độc hại khác. Đặc biệt, việc tái chế nhựa thủ công như đốt dây cáp bọc nhựa để thu kim loại có thể giải phóng hóa chất độc hại ra môi trường. Các sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy nhựa là các hạt tro bay phát thải trong không khí và tro cặn rắn (màu đen của cacbon) có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống.
Để hạn chế sự tác động của CTR đến môi trường sống, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong phân loại CTR sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn; thành lập và duy trì nhiều mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) như “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “Đổi rác lấy cây xanh, lấy đồ dùng”, “Thu gom, phân loại và tái chế rác thải thành vật dụng hữu ích”...
Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đã tích cực vào cuộc hướng dẫn, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, nilon dùng một lần. Qua đó, từng bước thay đổi ý thức, trách nhiệm của người dân trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải vận chuyển đi xử lý. Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch hành động với nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được giao cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, ban, ngành, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng trong công tác BVMT, tác hại của CTR, rác thải nhựa, túi nilon đối với cuộc sống.
Đơn cử như hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa”, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp tập huấn về phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa, ủ rác thải dễ phân hủy làm phân bón, giảm thiểu rác thải phải xử lý cho 200 hộ dân trên địa bàn xã Hoằng Cát (nay là xã Hoằng Sơn). Tại lớp tập huấn, đại diện Phòng Môi trường (Sở NN&MT) đã thông tin tới đông đảo cán bộ, người dân thực trạng phát sinh rác thải sinh hoạt, hoạt động thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh hiện nay; tác động từ rác thải nhựa đến môi trường và cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, phổ biến các kiến thức về BVMT, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày và hướng dẫn người dân quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; kỹ thuật lên men xử lý chất thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Theo Phó trưởng Phòng Môi trường Nguyễn Thị Thủy, đây là những thông tin hữu ích góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng hành động BVMT cho người dân hướng tới lối sống xanh, sạch, hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ môi trường sống cho thế hệ tương lai.
Những hoạt động thiết thực trên cho thấy sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành đối với việc thu gom, xử lý CTR sinh hoạt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của rác thải đến môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để trong hoạt động này. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng quá tải so với công suất thiết kế ban đầu ở nhiều bãi chôn lấp rác thải. Đặc biệt, theo đánh giá của Sở NN&MT, trong quá trình vận hành, nhiều bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh. Vẫn còn tình trạng rác thu gom về bãi không được đổ đúng vị trí, không san gạt, đầm nén và phủ đất lên bề mặt; không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ thải dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều ruồi muỗi và mùi hôi thối tại khu vực bãi rác, ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực lân cận... Điều này cũng đồng nghĩa, nếu không có biện pháp xử lý và giảm thiểu lượng phát sinh CTR hằng ngày thì nguy cơ ô nhiễm môi trường trong diện rộng là khó tránh khỏi.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-07-06 18:50:00
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa
-
2025-07-06 08:15:00
Bão số 2 di chuyển chậm, gây gió mạnh, sóng lớn trên biển
-
2025-07-05 14:47:00
Phường Nam Sầm Sơn đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường biển
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão
Vùng áp thấp khu vực Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
Tháng 7/2025, miền Bắc và Bắc Trung Bộ mưa nhiều hơn hàng năm
Dự báo thời tiết 30/6: Miền Bắc sẽ có mưa lớn kéo dài đến ngày 2/7
Dự báo thời tiết 29/6: Nhiều khu vực mưa dông, cảnh báo lốc, sét và gió mạnh
Dự báo thời tiết 28/6: Khu vực Bắc Bộ đón đợt mưa to đến rất to
Lượng khí thải CO2 từ ngành năng lượng năm 2024 cao kỷ lục