Các địa phương chủ động phòng, chữa cháy rừng trước tình trạng nắng nóng gay gắt
Biển báo cháy rừng tại Tây Ninh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định vào tháng 4-6/2024, nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ, sau đó mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5/2024, nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây.
Do nắng nóng gay gắt, nhiều địa phương cháy rừng xảy ra liên tiếp và dự báo cháy rừng luôn ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 31/CĐ-TTg, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả
Tối 4/4, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Điện Biên cho biết, với sự vào cuộc kịp thời, sự nỗ lực dập lửa cứu rừng của 863 người từ các lực lượng gồm Công an, Quân đội, dân quân xã, thanh niên, nhân dân trên địa bàn và lực lượng Kiểm Lâm Điện Biên, đến 17 giờ cùng ngày, vụ cháy rừng xảy ra tại tiểu khu 562A thuộc địa phận xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đã cơ bản được khống chế.
Theo thống kê nhanh, diện tích rừng bị cháy khoảng 42,17ha, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và một ít diện tích rừng trồng lâu năm. Trong đó, diện tích bị cháy thiệt hại cây rừng khoảng 0,97ha, còn lại là cháy dưới tán không ảnh hưởng đến tầng cây chính của rừng.
Hiện đám cháy đã được khống chế, tuy nhiên địa bàn vẫn trong tình trạng nắng nóng, gió to, tiềm ẩn nguy cơ lửa bùng phát.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân huyện Tủa Chùa, bố trí lực lượng canh phòng điểm cháy bùng phát; đồng thời yêu cầu các thôn, bản tuyên truyền trên loa truyền thanh yêu cầu nhân dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống cháy rừng; sẵn sàng tham gia chữa cháy khi cháy xảy ra.
Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Mường La (Sơn La), khoảng 9 giờ ngày 1/4, xảy ra đám cháy rừng tại bản Lướt, xã Ngọc Chiến thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, tổng diện tích đám cháy 2,5ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân cháy do người dân đốt thực bì làm nương để cháy lan vào rừng.
Ngay khi phát hiện xảy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo, huy động hơn 200 người thuộc các lực lượng và nhân dân trên địa bàn xã Ngọc Chiến tham gia chữa cháy.
Đến 12 giờ 15 phút cùng ngày đám cháy được khống chế và tắt hoàn toàn. Tiếp đó, vào khoảng 15 giờ, ngày 2/4, tại Khu rừng phòng hộ thuộc xã Nặm Păm xảy ra đám cháy rừng tại bản Huổi Hốc.
Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích đám cháy 1,9ha; trong đó, 0,9ha là rừng núi đá chưa có trữ lượng và 1ha cỏ gianh, lau lách, không thiệt hại cây lâm nghiệp.
Hơn 350 người gồm các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và nhân dân bản Huổi Hốc đã tham gia chữa cháy.
Đến 7 giờ 50 phút ngày 3/4 đám cháy được khống chế và dập tắt.Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 2 khu vực đang có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan nhanh là Khu vực rừng của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 thuộc huyện Tân Hồng và Khu vực rừng Trại Động Cát ở huyện Tháp Mười.
Đây là hai khu vực rừng đang phải chịu nắng nóng hơn 37 độ C, có nhiều vật liệu khô dưới chân tán rừng rất dễ cháy, nếu xảy ra cháy cực kỳ nguy hiểm khó dập tắt lửa.
Ngoài ra, tại tỉnh còn có 3 khu vực dự báo có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp IV cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở Khu A1, A3, A4, A5 Vườn quốc gia Tràm Chim; Khu Di tích Gò Tháp (Khu vực sau đền thờ, khu kêu gọi đầu tư) và Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, huyện Tháp Mười, Khu vực cặp lộ kênh Hội kỳ nhất.
Từ đầu năm đến nay, 10 đơn vị, chủ rừng trong tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm nhập rừng khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các chủ rừng triển khai theo kế hoạch. Phương tiện, thiết bị... phục vụ chữa cháy rừng được trang bị đầy đủ đảm bảo công tác chữa cháy rừng được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Trước đó, ngày 22/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau nhận được tin báo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh An phát hiện vụ cháy rừng xảy ra tại thửa đất của hộ gia đình, cá nhân (được giao đất theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP), thuộc ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh.
Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện U Minh khẩn trương điều động 1 tổ máy bơm và 9 lực lượng chữa cháy, sau 20 phút đã có mặt tại hiện trường để tham gia cùng với lực lượng tại chỗ của Ủy ban Nhân dân xã Khánh An thực hiện chữa cháy rừng. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, các lực lượng chữa cháy đã khoanh được đám cháy và dập tắt lửa hoàn toàn trên toàn diện tích các đám cháy.
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Tại Thừa Thiên-Huế, dù mới bắt đầu mùa nắng nóng, nhưng nỗi lo cháy rừng đã hiện hữu đối với các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng. Với phương châm “phòng là chính,” Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các ban, ngành triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy rừng.
Cụ thể, tuần tra, giám sát tại các cánh rừng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để sớm ngăn chặn và xử lý nhanh gọn đám cháy khi vừa mới phát hiện.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Nam Bộ nắng nóng liên tục nhiều ngày. Thời tiết tỉnh Đồng Tháp trong 15 ngày tới tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35 độ C đến 37 độ C.
Ông Nguyễn Phước Thành, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy, Chi cục đề nghị các chủ rừng đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần; phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát.
Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, phát hiện cháy sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng.
Vào mùa nắng nóng hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024. Công tác kiểm tra tập trung vào phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy của chủ rừng; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và quy định hiệu lệnh khi có cháy xảy ra; tuyên truyền, gắn các bảng cấm lửa, cấm xâm nhập rừng; làm sạch thực bì để cản lửa; tổ chức tuần tra theo dõi ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; công tác trực phòng cháy chữa cháy 24/24 giờ của các chủ rừng trong mùa khô ...
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 35.600ha trong tổng số 45.679ha rừng (chiếm 78%) đang bị khô hạn, nguy cơ cháy cao. Hiện tỉnh ghi nhận có hơn 15.460ha rừng ở mức báo động cấp cháy nguy hiểm (cấp IV), hơn 12.500ha rừng ở mức báo động cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V).
Diện tích rừng bị khô hạn, có nguy cơ cháy cao tập trung phần lớn tại khu vực rừng của Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hạt Kiểm lâm Rừng cụm đảo Hòn Khoai và các địa phương có rừng trên địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
Đề phòng, ngăn chặn xảy ra cháy rừng gây thiệt hại lớn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng túc trực, sẵn sàng ứng phó, chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài.
Các đơn vị, chủ rừng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và có ý thức chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng từ nay đến kết thúc mùa khô; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các hộ dân. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.500 hộ dân đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các chủ rừng tăng cường phối hợp giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân trong việc theo dõi cảnh báo cháy rừng; kịp thời xử lý tình huống cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan; công bố đường dây nóng để người dân báo tình hình, diễn biến khô hạn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023.
Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các địa phương có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng ở phía Bắc bị ảnh hưởng do đợt rét đậm, rét hại vừa qua, tạo ra lớp vật liệu cháy lớn trong rừng.
Ủy ban Nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước./.
Theo TTXVN
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-04-05 11:47:00
Manh nha những mô hình du lịch nông nghiệp
Mạnh tay với các hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản không đảm bảo quy định
Nhiệt độ mặt đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn lên tới 63 độ C khiến 12 xe bị vỡ lốp
Để Đền Hùng trở thành công viên
Trước pháp luật không có chỗ để cùn!
Hướng dẫn tích hợp, khai thác kết quả số hóa hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính
Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Chuyện những “bố nuôi quân hàm xanh” nơi miền biên viễn
Nhìn từ công tác tái hòa nhập cộng đồng
Tấm lòng dành cho trẻ tự kỷ