Bộ mặt khác của lễ hội
Dịp đầu xuân này những bức xúc liên quan đến lễ hội không còn “phủ sóng” trên mạng xã hội nữa. Tính đến rằm tháng Giêng, cơ bản các lễ hội lớn trong mùa xuân đã diễn ra. Người đi lễ thì vẫn đông, nhiều thời điểm chen chúc, nhưng không có nhiều người chen lấn, bỏ qua quy định của ban quản lý di tích để thực hành tín ngưỡng một cách bất chấp.
Ảnh minh họa.
Những cảnh tượng phản cảm không còn bị đề cập đến nhiều, nhất là trên mạng xã hội. Một tệ nạn được xem là nhức nhối ở các lễ hội những năm trước là trộm cắp, ăn xin được kiểm soát tốt. Tình trạng mê tín dị đoan được hạn chế. Câu chuyện nhanh chóng vào cuộc xử lý nhóm người ăn xin tại Phủ Na (Như Thanh) là điển hình về việc lập lại trật tự, xây dựng nét đẹp văn hóa lễ hội. Tại đây, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh về tình trạng xuất hiện một số người ăn xin trước cổng phủ, Công an huyện Như Thanh, xã Xuân Du và Ban Quản lý khu di tích đã vào cuộc xác minh, xử lý kịp thời. Sau đó, cả 8 người ăn xin ở cổng di tích đã được hỗ trợ tiền và gạo, liên hệ bàn giao cho gia đình và địa phương quản lý, người đi lễ không còn bị làm phiền.
Trên bình diện cả nước, những câu chuyện không đẹp kiểu như tranh cướp phết Hiền Quan ở Phú Thọ, cướp lễ ở Hội Gióng, tranh lộc ở chùa Hương (Hà Nội), vứt tiền vào thuyền liền anh, liền chị ở Hội Lim (Bắc Ninh), giành ấn ở nhiều nơi tổ chức phát ấn Đền Trần... cũng không thấy đề cập nữa. Người đi lễ đã có một sự thay đổi rất lớn về nhận thức. Trong bức tranh đẹp ấy, các ban quản lý di tích đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, tuyên truyền, giám sát, phối hợp xử lý vi phạm.
Lễ hội xuân này là năm đầu tiên cả nước bắt đầu thực hiện Bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Đây được xem là công cụ đánh giá, thước đo năng lực công tác quản lý Nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Và với những gì diễn ra tính đến thời điểm này, ít nhiều cho thấy bộ tiêu chí đã bước đầu phát huy tác dụng trong việc kích thích năng lực quản lý chủ động của các địa phương có di tích, lễ hội.
Đã qua rồi thời kỳ mà tín ngưỡng được thực hành một cách tùy tiện, gần như mạnh ai nấy làm, trong khi vai trò của chính quyền địa phương nơi có di tích, lễ hội và cơ quan quản lý nơi thì được xem là thỏa hiệp, nơi thì được mô tả là mờ nhạt, thậm chí bó tay. Quan sát hình ảnh về lễ hội trong dịp đầu xuân này, có người nói giá như các địa phương chủ động sớm hơn, thì nhiều lễ hội đâu bị biến tướng, trở nên thực dụng và làm giảm đi tính linh thiêng, bị đưa ra bàn tán, lên án như thời gian qua. Mong là Bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống sẽ được các địa phương có di tích, lễ hội và những khách lễ tôn trọng, tiếp tục thực hiện nghiêm, để lễ hội truyền thống không “trật đường ray” trong hành trình sắp tới.
Hạnh Nhiên
- 2024-11-08 19:00:00
[E-Magazine] – Ký ức mùi khói
- 2024-11-08 14:40:00
Thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc đến với Thanh Hóa bằng lợi thế và sự khác biệt
- 2024-02-24 12:50:00
Ngày thơ Việt Nam tại Thanh Hóa lần thứ XXII: “Bản hòa âm đất nước”
Núi Bà Đen, Tây Ninh: Hàng trăm ngàn hoa đăng được thắp sáng tại đại lễ dâng đăng Rằm Tháng Giêng
Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao đặc sắc tại lễ hội làng Đông Môn
Để hành trình “lên rừng, xuống biển” đầu năm thêm ý nghĩa
[E-Magazine] – Phấp phới mưa xuân
Tết Nguyên tiêu Đền thờ Trần Nhật Duật xuân Giáp Thìn 2024
Du xuân qua miền di sản
“Chất keo” gắn kết cộng đồng
[Podcast] - Tản văn: Nhãn tự mùa xuân
Gợi ý lịch trình khám phá Phú Quốc độc, lạ chỉ từ 1,5 triệu đồng