(Baothanhhoa.vn) - Cả một sân trường láng bê tông chang chang nắng mà thiếu đi khuôn viên trồng cây xanh; những bờ cây tỏa bóng bị phá đi để xây tường bao ngay tại vị trí cũ; từng hàng chậu bê tông trồng cây cảnh đặt ra tận lòng đường gây mất an toàn giao thông... Trong quá trình XDNTM, nhiều người, nhiều nơi vẫn còn quan niệm phải kiên cố tất cả các công trình theo hướng bền vững. Từ đó, cái gì cũng xây gạch, đổ bê tông, lạm dụng bê tông hóa theo tư duy “khô cứng”, máy móc...

Bê tông hóa tất cả - cách làm NTM “khô cứng” cần nhìn lại

Cả một sân trường láng bê tông chang chang nắng mà thiếu đi khuôn viên trồng cây xanh; những bờ cây tỏa bóng bị phá đi để xây tường bao ngay tại vị trí cũ; từng hàng chậu bê tông trồng cây cảnh đặt ra tận lòng đường gây mất an toàn giao thông... Trong quá trình XDNTM, nhiều người, nhiều nơi vẫn còn quan niệm phải kiên cố tất cả các công trình theo hướng bền vững. Từ đó, cái gì cũng xây gạch, đổ bê tông, lạm dụng bê tông hóa theo tư duy “khô cứng”, máy móc...

Bê tông hóa tất cả - cách làm NTM “khô cứng” cần nhìn lạiTrường Tiểu học Thiệu Long (Thiệu Hóa) dành đất bố trí các khuôn viên cây xanh trong sân trường.

Hơn thập kỷ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, tiêu chí thay đổi rõ nét nhất ở Thanh Hóa có lẽ là hệ thống giao thông. Hàng chục nghìn tuyến đường lớn nhỏ và ngõ xóm đã được kêu gọi hiến đất để mở rộng nhằm phá vỡ sự nhỏ hẹp, tù túng. Đa phần trong số đó sau khi được giải phóng mặt bằng mở rộng, người dân xây ngay những bức tường bao kiên cố để “định vị” phần đất còn lại của gia đình. Những hệ thống tường bao khô cứng san sát, che chắn gió và sự thông thoáng vào những không gian sống. Thậm chí ở những đoạn đường nhỏ hoặc cong, những bức tường lại là vật cản trở xe ô tô, xe cơ giới phục vụ sản xuất và phát triển lưu thông.

Tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa), cổng của gia đình ông Lê Văn Oanh cách đường trục chính của thôn chừng 20m qua một ngõ xóm rộng gần 3m. Từ hàng chục năm qua, hai bên ngõ xóm này là bờ cây xanh loại nhỏ, cao chừng mét rưỡi và xanh mướt quanh năm, thỉnh thoảng vẫn được gia chủ cắt tỉa khá thẳng và đẹp mắt. Bờ chủ yếu là cây lộc nhòn, được người dân địa phương thường xuyên đến hái lá để ăn kèm gỏi hải sản theo cách ẩm thực của đồng bào vùng biển. Tuy nhiên, khi thôn làm NTM kiểu mẫu, cán bộ địa phương đã đến vận động phá bỏ bờ cây, hỗ trợ một phần xi măng để xây bức tường bao bằng gạch xi màu xám xịt. Phía đối diện con ngõ là bờ cây của một gia đình khác cũng phải phá đi để xây tường.

Điều đáng nói, hai bức tường hai bên con ngõ nhỏ mới được xây lên đúng vị trí của bờ cây trước đó, không hề mở rộng hơn vì dọc đó là các ao cá của gia đình. Cũng từ khi được xây tường thay thế bờ cây xanh, ô tô con của con cháu các gia chủ nói trên không thể vào sân nhà vì khi cua vướng các bờ tường. Nguyên nhân là trước kia khi cua vào ngõ, phần đuôi xe có thể vướng vào lá cây, thậm chí cả bờ cây cũng không xây xước, nhưng thay vào đó là tường gạch thì ngược lại... Việc vận chuyển nông sản khi thu hoạch mùa vụ của những gia đình phía trong ngõ vì thế cũng không thể thuận lợi như trước.

Trên thực tế, bộ tiêu chí NTM quốc gia không quy định công trình hạ tầng nào cũng phải bê tông hóa, miễn là đủ kích thước, các tiêu chuẩn an toàn cũng như thẩm mỹ. Dường như những năm gần đây, bất cập từ cách bê tông hóa tất cả đã được một số nơi nhận ra. Trong buổi thẩm định các tiêu chí NTM ở thôn Ngọ Thượng, xã Thăng Bình (Nông Cống) cách đây chưa lâu, một nhà văn hóa khang trang trị giá tới hơn 1 tỷ đồng được xây dựng trên khu đất thoáng đãng. Lãnh đạo thôn báo cáo hoàn thiện công trình, nhưng chưa đủ kinh phí nên sẽ xây dựng hệ thống tường bao sau. Nhận thấy không cần thiết, lãnh đạo Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh định hướng địa phương không cần mất thêm kinh phí xây dựng tường bao mà phát động trồng thành hàng rào cây xanh.

Cách đây chưa lâu, khi kiểm tra việc XDNTM ở huyện miền núi Ngọc Lặc, đến các xã, Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh Cao Văn Cường đều nhấn mạnh phải chú ý đến tiêu chí Môi trường xanh – sạch – đẹp. Đến nay, huyện trở thành điển hình của tỉnh trong phát triển hàng rào xanh bằng chè mạn, cây mắt ngọc hoặc râm bụt. Quanh những khu vườn hộ, dọc hàng nghìn tuyến đường là hàng trăm km hàng rào xanh, cây cảnh làm “mềm hóa” các làng quê trong huyện, mà không mất nhiều kinh phí như xây tường.

Thiệu Long là một trong những xã đạt chuẩn NTM sớm của huyện Thiệu Hóa, đến năm 2023 xã tiếp tục được công nhận xã NTM nâng cao. Trong quá trình hoàn thiện các công trình công cộng theo các tiêu chí, xã cũng dần nhận ra phải “xanh hóa”, làm “mềm hóa” nông thôn. Từ đó, tư duy bê tông hóa tất cả các công trình được nhìn nhận lại. Do vậy, sau khi về đích NTM nâng cao, xã không tự mãn mà tiếp tục triển khai tiêu chí môi trường với hệ thống cây xanh, đường hoa và làm sạch đường làng ngõ xóm. Ông Lê Văn Hai, Chủ tịch UBND xã Thiệu Long, cho biết: “Xã vẫn khuyến khích người dân và các thôn trồng thêm hệ thống cây xanh. Do nhu cầu, nhiều hộ gia đình muốn xây dựng tường rào, các thôn vận động xây thụt vào, vẫn trồng hàng rào xanh, cây cảnh phía ngoài. Hơn 1 năm qua, các đoàn thể trong xã đã trồng thêm 3km cây chuỗi ngọc dọc các tuyến đường, nâng tổng số đường có hàng rào xanh chạy dọc toàn xã lên gần 6km. Riêng 8 tháng năm 2024, đã có hàng nghìn cây bóng mát được trồng dọc các tuyến đường lớn nhỏ”.

Cũng theo ông Lê Văn Hai, những nhà văn hóa thôn lỡ xây dựng tường bao kiên cố ra sát đường giao thông, sẽ dần được thay đổi. Gần đây, ở nhà văn hóa thôn Minh Đức, tường rào “cứng” đã được thay bằng hàng rào cây xanh cùng các bồn trồng cây cảnh. Những ngày này, đi trên địa bàn xã, có thể thấy nhiều tuyến đường có cây xanh che mát. Sân trường trong xã được bố trí các khoảng chạy dọc là bồn cây bóng mát, tạo nên không gian xanh trong môi trường giáo dục.

Còn một thực trạng đáng phê phán khác là rất nhiều thôn làng trên địa bàn tỉnh, khi XDNTM kiểu mẫu, vì cho đủ chỉ tiêu có cây xanh, cây cảnh ven đường một cách nhanh nhất, đã vận động Nhân dân đóng góp mua hệ thống chậu cảnh bê tông, chủ yếu trồng hoa giấy để đặt dọc đường thôn. Lẽ ra, đây phải là hệ thống cây xanh, cây cảnh được trồng dưới đất để phát triển bền vững, có uốn tỉa, cắt gọt thường xuyên. Còn những chậu hoa giấy mới được đặt vào cả bầu, một vài tháng sau khi được thẩm định đạt chuẩn thì trơ trọi, héo úa, thậm chí chết khô vì không được chăm sóc, tưới nước hàng ngày. Những chậu bê tông ở nhiều nơi còn được đặt ngay dưới lòng đường, làm hẹp các tuyến giao thông, trở thành vật cản nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tư duy làm NTM kiểu “máy móc”, “hình thức” ấy cần nhìn nhận lại!.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]