(Baothanhhoa.vn) - Thanh niên Đỗ Đồng Tâm ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) đã thành công trong việc tác động kỹ thuật cho đồi nhãn ra hoa sớm 2 - 3 tháng so với chính vụ, trở thành một trong số ít những mô hình ở miền Bắc làm được điều này. Nhãn trái vụ đưa ra thị trường vừa dễ tiêu thụ, lại có giá cao hơn nhiều lần so với đại trà.

“Bắt” nhãn ra trái vụ, thu lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm

Thanh niên Đỗ Đồng Tâm ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) đã thành công trong việc tác động kỹ thuật cho đồi nhãn ra hoa sớm 2 - 3 tháng so với chính vụ, trở thành một trong số ít những mô hình ở miền Bắc làm được điều này. Nhãn trái vụ đưa ra thị trường vừa dễ tiêu thụ, lại có giá cao hơn nhiều lần so với đại trà.

“Bắt” nhãn ra trái vụ, thu lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi nămĐồi nhãn được tác động ra trái vụ của anh Đỗ Đồng Tâm.

Theo mùa vụ, thường thì từ cuối tháng 8 đến tháng 10 hàng năm mới là dịp thu hoạch nhãn đại trà trên cả nước. Nhưng từ ngày 25/5 đến nay, đồi nhãn ở thôn Minh Lâm, xã Ngọc Trung đã được anh Đỗ Đồng Tâm tổ chức thu hái lần thứ 2. Năm nay nhãn trái vụ tiếp tục được mùa, dự kiến sau khi thu hoạch hết vườn vào đợt thứ 3 tới, sẽ cho tổng sản lượng 65 tấn quả.

Trên khu đồi thấp rộng hơn 2ha này, nhộn nhịp cảnh hàng chục nhân công được thuê hái và đóng thùng xốp, cho thấy thêm một vụ nhãn thành công của ông chủ trẻ. Mỗi ngày thu hái đều có những xe tải thùng chuyên dụng về nhãn đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và các thị trường trong và ngoài tỉnh. Với gần 500 gốc nhãn cổ thụ nhưng đều lúc lỉu những chùm quả trĩu cành nhờ thực hiện thành công các giải pháp kỹ thuật. Trái nhãn ở đây to tròn và rất ngọt.

Ngoài năng động học hỏi, thì chủ vườn sinh 1988 còn coi đây là cơ duyên. Bởi đồi nhãn trồng từ những năm 2003, 2004 của gia đình cũng ra hoa kết trái đúng vụ như những vườn khác trong vùng, nhưng do chăm sóc tốt nên có năng suất cao hơn. Năm 2018, mô hình được phóng viên Kênh VTC16 về làm phóng sự, rồi kết nối để tiến sỹ Đinh Văn Thành - chuyên gia nông nghiệp của kênh VTC16 nhiều lần về tận nơi hỗ trợ kỹ thuật, tác động cho nhãn ra trái vụ.

“Ban đầu tôi cũng lo thất bại, nhưng có sự đồng hành rất nhiệt tình của chuyên gia nên tôi yên tâm. Suốt quá trình từ khi tác động kỹ thuật và bón các loại phân chuyên dụng kích thích ra hoa, đậu trái đến quá trình nuôi dưỡng quả, đều phải theo dõi sát sao để xử lý kỹ thuật. Ví dụ có đợt rét đậm sau tết âm lịch thì phải có các giải pháp chăm sóc riêng. Đợt mưa liên tục phải dùng thêm phân bón lá, điều chỉnh phân vi lượng cho khỏi rụng quả. Thế rồi ngay lần đầu áp dụng vào năm 2019, vườn nhãn đã cho kết quả không ngờ. Từ đó đến nay, năm nào cũng cho năng suất cao, lại được giá”, anh Đỗ Đồng Tâm chia sẻ.

Cũng theo anh Tâm, nhãn tuy trái vụ nhưng trái vẫn tròn đều, vỏ nhẵn, khi bóc ra, cùi khô, độ đường cao. Trái hầu như không sâu bệnh và độ ngọt rất đạt yêu cầu. Trong canh tác, anh đã theo hẳn quy trình hữu cơ, bón bằng phân chuồng, ủ ngô, đậu tương, cá, để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Từ năm 2022, sản phẩm nhãn ở đây đã đạt chứng nhận VietGAP. Riêng vụ 2024 này, giá nhãn tại vườn duy trì 35 đến 40 nghìn đồng/kg và không đủ để bán cho các thương lái, công ty đối tác. Trung bình, mỗi cây cho 1,9 đến 3 tạ quả, giá trị gần 10 triệu đồng. Tổng thu nhập cả đồi gần 2,5 tỷ đồng, trừ các chi phí vẫn còn lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.

“Bắt” nhãn ra trái vụ, thu lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi nămThu hoạch nhãn trái vụ vào tháng 5/2024 ở xã Ngọc Trung.

Để cùng đồng hành và có đầu ra đủ lớn nhằm ký hợp đồng với các doanh nghiệp, năm 2022 anh Đỗ Đồng Tâm đã liên kết với 12 hộ trồng nhãn trong vùng thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm do mình làm giám đốc. Anh trực tiếp chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nhãn ra trái vụ giúp bà con. Đến nay, các mô hình cũng đã thành công, tạo thành vùng liên kết sản xuất - tiêu thụ rộng lớn. Cũng từ chất lượng tốt và thu hoạch sớm nên trong 3 vụ nhãn vừa qua một số doanh nghiệp tại Hà Nội là Công ty CP Tập đoàn Hải Tàu và Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch (AFT) đã ký hợp đồng thu mua phần lớn sản phẩm tại đây.

Thành công với nông nghiệp nhờ sự năng động và dám đổi mới, nhưng anh Tâm lại là một kỹ sư xây dựng. Khi tốt nghiệp Khoa Xây dựng Công trình của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vào năm 2014, chàng kỹ sư trẻ từng bôn ba làm thuê cho các công ty tại Hà Nội và Thanh Hóa. Nhận thấy đất đai ở quê nhà rộng lớn, nhiều tiềm năng, nên năm 2018 anh quyết định về quê khởi nghiệp để ổn định. “Vốn liếng” ban đầu là đồi cây ăn quả do gia đình để lại, còn kiến thức thì anh tự mày mò học tập.

Nhìn lại hành trình của một kỹ sư xây dựng nhưng chuyển “tay ngang” gắn bó với nông nghiệp, anh còn chưa dám tin: “Thu về lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng mỗi năm là con số mà trước kia tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Bởi vườn nhãn để chính vụ tự nhiên như trước kia lợi nhuận chỉ đạt vài ba trăm triệu đồng mỗi năm”.

Thành công của Giám đốc Đỗ Đồng Tâm không chỉ mang lại thu nhập đột phá cho người trồng nhãn địa phương, mà đang góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất hiện đại, thích ứng tốt với thị trường tiêu thụ cho nhiều người trồng cây ăn quả trong tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]