(Baothanhhoa.vn) - Tại những hội nghị cấp tỉnh về đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP gần đây, nhiều sản phẩm không đạt bởi một vài nguyên nhân không đáng có. Có những sản phẩm khá nổi tiếng, thậm chí hội tụ tương đối đầy đủ các tiêu chí để trở thành sản phẩm OCOP nhưng chỉ vì những sơ suất trong khâu in tem nhãn, thiếu một vài tiểu tiết hoặc chứng nhận cần thiết nên bị loại khá đáng tiếc. Chỉ rõ những thiếu sót đã được vạch ra sẽ giúp các chủ thể sản xuất và các địa phương “đi đúng hướng”.

Những khuyến cáo khi xây dựng sản phẩm OCOP

Tại những hội nghị cấp tỉnh về đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP gần đây, nhiều sản phẩm không đạt bởi một vài nguyên nhân không đáng có. Có những sản phẩm khá nổi tiếng, thậm chí hội tụ tương đối đầy đủ các tiêu chí để trở thành sản phẩm OCOP nhưng chỉ vì những sơ suất trong khâu in tem nhãn, thiếu một vài tiểu tiết hoặc chứng nhận cần thiết nên bị loại khá đáng tiếc. Chỉ rõ những thiếu sót đã được vạch ra sẽ giúp các chủ thể sản xuất và các địa phương “đi đúng hướng”.

Những khuyến cáo khi xây dựng sản phẩm OCOPNhãn mác sản phẩm là yếu tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm OCOP.

Cách đây chưa lâu, khi bảo vệ sản phẩm trà xanh túi lọc của mình, chủ thể sản xuất là HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) đã in nhãn mác sản phẩm là “Trà xanh thanh nhiệt - tỉnh táo”. Chính cách đặt tên gọi này khiến sản phẩm bị loại, bởi lẽ nó không chuyển tải được địa điểm vùng miền có sản phẩm đặc trưng của cây chè là vùng núi xã 135 Bình Sơn - yếu tố quan trọng mà Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hướng tới. Hơn nữa, hầu hết các loại trà uống đều làm cho con người “tỉnh táo”, đây là tính chất của sản phẩm, không nên đưa vào tên gọi. Sau khi được góp ý sửa chữa, khoảng 6 tháng sau, sản phẩm này đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thời điểm giữa năm 2021, HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm cùng UBND huyện Như Xuân có đề xuất công nhận sản phẩm “Măng khô Thanh Lâm” thành sản phẩm OCOP. Sau khi được yêu cầu bổ sung nhiều tiêu chí của sản phẩm, chất lượng và mẫu mã đã đạt yêu cầu, nhưng sản phẩm chưa đủ yếu tố được công nhận đạt chuẩn OCOP. Nguyên nhân mà cả chính quyền địa phương và HTX sản xuất trước đó không hề hay biết, là trụ sở của chủ thể sản xuất phải kiên cố khang trang, địa chỉ rõ ràng, tại trụ sở phải có biển hiệu nhận biết. Trong khi trước đó, đơn vị này chủ yếu hoạt động ở gia đình cán bộ HTX, nhập măng khô từ các hộ dân mà ít tổ chức sản xuất tập trung bài bản. Sau khi được yêu cầu bổ sung, UBND huyện Như Xuân đã chỉ đạo xã Thanh Lâm tạo điều kiện, bố trí cho HTX một khu nhà cấp 4 kiên cố ngay cạnh UBND xã làm trụ sở, được sơn sửa lại, có treo biển “định danh” HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm cùng địa chỉ cụ thể. Khi khu trụ sở được thẩm định đạt yêu cầu, được tổ chức sơ chế, phân loại và đóng gói sản phẩm ngay tại đây, “Măng khô Thanh Lâm” đã được công nhận sản phẩm OCOP vào tháng 6-2021.

Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương và chủ thể sản xuất trong tỉnh đã gửi hồ sơ đề xuất đánh giá, xếp hạng và công nhận 65 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đã có 14 sản phẩm trong số đó không được xét để yêu cầu khắc phục những hạn chế. Sản phẩm “Chổi đót Nông Phú” của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phú, ở xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc), khi thẩm định ban đầu đã đủ các điều kiện. Tuy nhiên, bao bì đựng sản phẩm chổi lại in “Túi xách Nông Phú”. Theo lý giải có phần “đơn giản” của chủ cơ sở sản xuất, chỉ cần một loại bao bì cho nhiều sản phẩm để tiết kiệm và thuận lợi cho khâu sản xuất. Tuy nhiên, điều này không phù hợp, bởi sản phẩm khi đã đạt chuẩn OCOP, có nghĩa là đã được thừa nhận như là một dạng nhãn hiệu độc quyền. Bao bì và sản phẩm kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không những gây khó cho khách hàng trong khâu lựa chọn, mà còn không đúng với các quy định về thương mại.

Công ty TNHH Fuwa Biotech, ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) cũng có hồ sơ đề nghị sản phẩm “Nước lau sàn Fuwa3e”. Đây là sản phẩm hoàn toàn thiên nhiên, được ngâm ủ từ dứa gai, chiết xuất thành nước rửa. Qua kiểm tra chất lượng và các điều kiện liên quan của các cơ quan chuyên môn, sản phẩm này đều đạt và được đánh giá cao vì thân thiện môi trường, ít khả năng độc hại. Sẽ chẳng có gì đáng nói khi trên bao bì sản phẩm không “khẳng định” rằng, đây là loại chất tẩy rửa “an toàn cho trẻ em”. Khi được yêu cầu chứng minh, đại diện doanh nghiệp sản xuất chưa đưa ra được các luận cứ khoa học. Có ý kiến phản biện rằng, giả sử có em bé uống phải chai nước lau sàn này thì có an toàn không (?!). Đây chính là bài học kinh nghiệm cho nhiều chủ thể sản xuất sau này: Khi chưa có cơ sở chứng minh thì không nên nói quá công dụng của sản phẩm. Khi chủ cơ sở sản xuất bỏ dòng chữ này trên nhãn mác, sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Sự hiện đại “nửa vời” đôi khi cũng trở thành lực cản cho hành trình đưa các sản vật địa phương trở thành sản phẩm OCOP. Gần đây, 2 sản phẩm mắm tôm và mắm tép của Công ty TNHH Khuê Các, ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) được trình hội đồng đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Khác biệt so với nhiều sản phẩm OCOP đã được công nhận thời gian qua, 2 sản phẩm nói trên được đóng chai với nhãn mác thẩm mỹ, ban đầu được đánh giá cao. Đáng nói, doanh nghiệp sản xuất đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc bằng cách gắn mã QR Code trên nhãn mác sản phẩm - một xu thế của sản xuất hiện đại. Nhưng khi dùng điện thoại thông minh để truy xuất, thì những thông tin hiển thị lại chủ yếu là giới thiệu nước mắm Bà Hoan chứ không phải 2 sản phẩm mắm tôm và mắm tép. Có thể đó là sự nhầm lẫn hoặc cẩu thả, nhưng 2 sản phẩm đề xuất đều phải dừng lại để chủ cơ sở sửa chữa các thông tin.

Có thể dẫn chứng hàng chục trường hợp khác, đồng thời cũng là kinh nghiệm rút ra để khuyến cáo các cơ sở sản xuất cũng như các địa phương đang triển khai các sản phẩm OCOP. Được biết, đến giữa tháng 8 này, tỉnh Thanh Hóa đã có 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm cấp quốc gia. Với hàng trăm làng nghề và nghề truyền thống, hiện toàn tỉnh còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng, hoàn toàn có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP nếu biết triển khai các khâu thủ tục cũng như nâng cấp sản phẩm theo đúng các quy chuẩn.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]