(Baothanhhoa.vn) - Trà đá từ lâu đã trở thành thứ đồ uống dân dã, rất đỗi quen thuộc với nhiều người. Trên vỉa hè các tuyến phố; trong công viên; trước cổng cơ quan, trường học, bến xe hoặc cạnh các quán ăn... đâu đâu cũng thấy quán bán trà đá. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng, việc sử dụng nguyên liệu trà và quy trình pha chế không hợp vệ sinh có thể là mầm mống gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy cơ nhiễm bệnh từ các quán trà đá vỉa hè

Trà đá từ lâu đã trở thành thứ đồ uống dân dã, rất đỗi quen thuộc với nhiều người. Trên vỉa hè các tuyến phố; trong công viên; trước cổng cơ quan, trường học, bến xe hoặc cạnh các quán ăn... đâu đâu cũng thấy quán bán trà đá. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng, việc sử dụng nguyên liệu trà và quy trình pha chế không hợp vệ sinh có thể là mầm mống gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ các quán trà đá vỉa hè

Chủ quán trà đá trên đường Bà Triệu dùng tay không bốc đá cho khách.

Chè cặn, nước lã

4h chiều, các quán nước ở xung quanh khu vực Công viên Hội An, phía đường Trần Oanh, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) bắt đầu đông dần. Thấy khách vào, bà H., chủ quán trà đá, bỏ vội miếng bánh mì đang ăn xuống, tay cầm cốc, tay còn lại - bàn tay vừa bẻ bánh mì vục xuống thùng, bốc đá bỏ vào cốc, rót trà pha sẵn trong chiếc ca nhựa cũ kỹ đã đen kịt cả phần đáy rồi bưng đến cho khách. Phục vụ xong, bà chủ quán lại bẻ bánh ăn ngon lành. Thậm chí, sau mỗi lần dọn dẹp, lau chùi bàn ghế; nhận, trả lại tiền thừa cho khách thì chính đôi bàn tay ấy lại được chủ quán “tận dụng” thọc vào thùng lấy đá, pha nước phục vụ các khách hàng tiếp theo. Được biết, khách quen của quán là người dân đi tập thể dục ở công viên và những người chơi đá bóng ở sân bóng trong khuôn viên của Công viên Hội An.

Hơn 5h chiều, các cầu thủ mồ hôi nhễ nhại chạy ra ngoài múc “trà đá” từ chiếc xô nhựa đỏ uống ừng ực. Chiếc xô đựng khoảng 5 lít gồm cả nước và đá, màu vàng nhàn nhạt, lỏng bỏng vài xác lá trà. “Tôi nghĩ trà đá ở đây 90% là nước lã chưa đun nấu gì cả, nhưng uống nhiều lần rồi không thấy bị đau bụng hay triệu chứng gì, chắc đá bóng ra mồ hôi nhiều nước bẩn cũng theo đó mà ra hết” - một cầu thủ hài hước nói.

Tại quán trà đá nằm trên đường Bà Triệu, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), gần bến xe buýt, nước trà được pha sẵn chứa trong chiếc can 5 lít đục ngầu như màu đất. Có khách gọi, chủ quán lấy chiếc cốc nhựa cũ kỹ thả một viên đá lạnh rồi hứng nước dưới can. Trong tích tắc, một cốc trà đá trao tận tay cho khách, chủ quán thu về 3.000 đồng. Những chiếc cốc khách vừa uống xong được vứt vào một can nước 5 lít đã cắt đầu, đen kịt. Người đàn ông bán nước vừa trò chuyện với khách, vừa rửa cốc. Gọi là rửa cốc nhưng kỳ thực là nhúng qua nước. Từ sáng đến chiều, tất cả cốc đều được rửa trong can nước này. Cốc tráng xong lại tiếp tục bán nước cho những người tiếp theo.

Ngồi “chém gió” với ông chủ quán, tôi được ông V., vui vẻ cho biết: “Nhà tôi bán chè 70.000 đồng/1 kg chứ không như các cửa hàng khác chỉ bán loại chè vụn 30.000 đồng/1 kg. Chè vụn tuy rẻ, ngấm nhanh, “đượm” vị nhưng nước chè lại có màu đỏ vàng, nổi váng; mỗi khi rót cho khách phải đổ nước qua một màng lọc để loại bỏ cặn bã chè vừa không đẹp mắt lại tốn thời gian. Vì thế, tôi phải mua chè “xịn” khi pha cho nước màu xanh nhạt, trong, dậy vị thơm”.

Thấy tôi băn khoăn về chất lượng nước đá, ông V. bảo: “Đá thì tôi không rành lắm. Thấy mọi người đều dùng cả, họ nói là đá sạch thì cũng tin vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ một túi đá (loại 5 kg – PV) bán 7.000 – 8.000 đồng thì làm sao có nước tinh khiết, nước lã thôi, nhưng là nước máy. Tôi bán suốt chưa thấy ai kêu đau bụng”.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ các quán trà đá vỉa hè

Cốc trà đá có giá 3.000 đồng được nhiều người ưa chuộng vì rẻ.

Giá trà đá hiện nay được bán trung bình từ 2.000 - 4.000 đồng/cốc. Nghe thì rẻ nhưng nếu biết chi phí để “sản xuất” một cốc trà đá, nhiều người sẽ phải giật mình bởi mức lợi nhuận của sản phẩm này. Theo những gì ông V. chia sẻ thì một cốc trà đá bao gồm chè và đá chỉ tốn khoảng 300 đồng tiền vốn. Vì là quán nhỏ, khách hàng chủ yếu là những người đi xe buýt tuyến 03, 07, 11... và khách vãng lai nên ông chỉ bán giá 3.000 đồng/cốc. Thời gian bán hàng từ 7h sáng - 6h chiều mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày, ông bán khoảng 50 cốc trà, thu trên dưới 120.000 đồng, chưa kể hướng dương, thuốc lá và nhiều thứ lặt vặt khác.

Một quán trà đá khác bên hông chợ Tây Thành, đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), khách ngồi quây kín. Khi trà đá hết, chủ quán nhanh tay dồn cốc nước mà khách cũ để lại “làm mới” phục vụ lượt khách tiếp theo. Bức xúc vì cách làm việc không có tâm của chủ quán, một vị khách lên tiếng: “Trà đá người ta uống rồi sao lại dồn như thế?”. “Tôi có dồn đâu” – người phụ nữ cãi trắng trợn. “Bao nhiêu người chứng kiến còn cãi được?” – vị khách nói rồi đứng dậy đi thẳng. Như để vớt vát lại tí sĩ diện, bà chủ quán nói với theo: “Uống thì uống, không uống đi chỗ khác. Đây chẳng thèm”.

Điểm bán trà đá trước cổng Bệnh viện Phổi Thanh Hóa được liệt vào loại nguy hiểm. Bởi, ngoài những đặc điểm chung của tất cả các quán trà đá khác như: Trà không rõ nguồn gốc, nước không biết được đun sôi hay không, đá không biết lấy ở địa chỉ nào... thì những chi tiết khác cũng rất đáng để lưu tâm. Theo quan sát của chúng tôi, đại đa số những người bán hàng ở đây đều dùng một xô nước rửa cốc cho cả một buổi bán hàng. Không chỉ có vậy, những khi đông khách họ còn không tráng cốc mà chỉ đổ nước thừa và rót ngay nước mới cho khách nếu người uống không để ý, còn nếu có tráng thì cũng chỉ tráng qua, chứ không hề rửa.

Người bán đã vậy còn người uống thậm chí còn vô tư hơn. Ông Đáng, 55 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, đang chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa chia sẻ: “Ở trong viện chăm người ốm lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mít, bức bách, khó chịu nên khi người nhà ngủ tôi tranh thủ ra ngoài một lát cho dễ chịu. Vẫn biết là uống nước trước cổng bệnh viện chẳng sạch sẽ gì, nguy cơ lây bệnh cao nhưng có phải uống cả tháng, cả năm đâu mà sợ. Với lại chúng tôi ở quê ra, chắc chỉ có trà đá ở đây là rẻ nhất, chứ chúng tôi lấy đâu ra tiền mà cà phê với lại sinh tố”.

Mặc dù biết trà đá chưa chắc đã sạch, thậm chí bẩn nhưng họ vẫn uống. Lý do chủ yếu họ đưa ra là “khuất mắt trông coi ấy mà” hay “trời nóng thỉnh thoảng uống 1 cốc chắc không sao”.

Đủ thứ bệnh từ trà đá vỉa hè

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, hầu hết các quán trà đá đều không đảm bảo được điều kiện an toàn vệ sinh ở cả khâu nguyên liệu lẫn dịch vụ. Cụ thể, trà được các chủ quán pha bán cho khách đa phần là loại rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trà bẩn, trà dư lượng thuốc trừ sâu. Hơn thế, các “quán cóc” vỉa hè thường xuyên tiếp xúc với các loại bụi bẩn, tạp chất từ môi trường và các phương tiện giao thông nên chắc chắn không thể đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng do bán tạm bợ trên hè phố, điều kiện vệ sinh, như: Nước pha trà, nước rửa cốc chén... đều không có.

Chưa kể, nhiều quán trà đá không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào hộp xốp bảo quản. Theo quy định những loại đá cây này chỉ được dùng để ướp thực phẩm. Đây chính là nguyên liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh và gây bệnh lớn nhất. “Uống trà đá không gây nguy hiểm ngay nhưng các chất độc sẽ hấp thu dần vào cơ thể có thể đến hàng chục năm mới phát tác” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Để đảm bảo sức khỏe, mùa hè mọi người nên hạn chế uống trà đá mà thay bằng uống nước lọc thông thường. Đừng nên quá dễ dãi trong việc lựa chọn đồ uống vỉa hè vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Trong thời điểm nắng nóng oi bức, tốt nhất nên lựa chọn cho mình cách giải nhiệt an toàn, chẳng hạn chuẩn bị sẵn một bình nước mơ muối, chanh muối... Các loại đồ uống này không chỉ giúp giải khát trong những ngày nắng nóng mà còn bổ sung lượng muối đã mất do ra nhiều mồ hôi, rất tốt cho cơ thể.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]