(Baothanhhoa.vn) - Đến hết năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 300 chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 77,3% tổng số chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu không duy trì tốt các điều kiện bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, thì việc xây dựng chợ ATTP sẽ trở thành hình thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Duy trì tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm: Vẫn còn bỏ ngỏ

Đến hết năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 300 chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 77,3% tổng số chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu không duy trì tốt các điều kiện bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, thì việc xây dựng chợ ATTP sẽ trở thành hình thức.

Duy trì tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm: Vẫn còn bỏ ngỏ

Ban Quản lý chợ Hoằng Đức (Hoằng Hóa) thường xuyên tuyên truyền cho các tiểu thương chấp hành kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Tại chợ Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, sau khi được công nhận là chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện ATTP, huyện Hoằng Hóa và ban quản lý chợ đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng chợ; quy hoạch các khu kinh doanh riêng biệt; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh thực phẩm an toàn cho các tiểu thương... Vì vậy, hoạt động kinh doanh của chợ ngày một đi vào nền nếp.

Ông Nguyễn Minh Quân, Ban Quản lý chợ Hoằng Đức, chia sẻ: Hàng tuần chúng tôi phun thuốc khử trùng để bà con đi chợ an toàn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách về ATTP để các tiểu thương chấp hành mọi nội quy của ban quản lý, kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất sứ để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Tại huyện Vĩnh Lộc, đến nay đã có 9 chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về điều kiện ATTP. Để duy trì tiêu chí, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức khoa học về ATTP cho các nhóm đối tượng; chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng cho người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm. Kết hợp việc xây dựng, hướng dẫn xã, thị trấn đạt tiêu chí về ATTP để kiểm tra, kịp thời chỉ đạo đối với công tác duy trì chợ kinh doanh thực phẩm đã được hợp chuẩn. Chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ tiếp tục duy trì đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, ATTP; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tươi sống. Khuyến khích các đơn vị quản lý chợ tiếp tục đầu tư nâng cấp các hạng mục trong chợ.

Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh các địa phương thực hiện tốt việc duy trì các điều kiện bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ sau khi được công nhận, thì tại một số địa phương công tác này còn buông lỏng.

Cách đây gần 3 năm, chợ Thiều, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn được công nhận là chợ đạt các tiêu chí kinh doanh thực phẩm an toàn. Theo đại diện ban quản lý chợ, khi đó, chính quyền xã và ban quản lý chợ đã phải rất vất vả, quyết tâm để đạt được các tiêu chí này, bởi cái khó nhất là thay đổi nhận thức, thói quen của người kinh doanh. Tuy nhiên, gần 3 năm sau khi được công nhận, chợ Thiều hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng đã bắt đầu xuống cấp, đồng thời ý thức chấp hành các quy định về kinh doanh thực phẩm an toàn của các tiểu thương cũng không cao. Tình trạng người bán hàng không đeo găng tay khi chế biến thực phẩm đã qua sơ chế, không bảo quản thực phẩm đã chế biến trong thiết bị hợp vệ sinh... vẫn diễn ra. Riêng khu vực bán hàng ăn trong chợ thì nhếch nhác, người bán, người mua xả rác trực tiếp ra môi trường. Rõ ràng, các tiêu chí kinh doanh thực phẩm an toàn của chợ Thiều không những không được duy trì, nâng cao mà còn bị giảm sút.

Khảo sát tại một số chợ ở các địa phương trong tỉnh, vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, sàn nền của chợ bị hư hỏng, bám dính nhiều lớp chất bẩn, gạch bị bong tróc, cống rãnh nhỏ, hẹp không đáp ứng được việc thoát nước thải. Ngoài ra, việc quy hoạch, bố trí khu vực kinh doanh, phân lô, quầy kinh doanh của từng hộ tiểu thương chưa được chú trọng. Do vậy xuất hiện tình trạng các khu vực kinh doanh, quầy kinh doanh thực phẩm bố trí không hợp lý, không bảo đảm ATTP như: khu bán thủy, hải sản, khu hàng thịt gần sát khu bán thức ăn chế biến sẵn, bán thịt sống có bán kèm theo chả ăn ngay, dẫn đến dễ bị lây nhiễm chéo về vi sinh vật. Bên cạnh đó, tại một số chợ, hệ thống cấp, thoát nước chưa đến từng hộ kinh doanh dẫn đến việc vệ sinh trang thiết bị dụng cụ kinh doanh, vệ sinh khu vực quầy hàng không bảo đảm; vẫn còn một vài hộ kinh doanh thiếu ý thức trong việc vệ sinh sạch sẽ khu vực buôn bán, lối đi hay không gian xung quanh quầy hàng của mình. Việc ghi chép, lưu trữ thông tin nguồn gốc đối với sản phẩm kinh doanh tại chợ còn hạn chế, đặc biệt đối với các cửa hàng thịt, rau, củ, quả, thủy sản gây khó khăn cho công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm...

Từ thực tế hoạt động của một số chợ đã được công nhận là chợ kinh doanh thực phẩm an toàn có thể thấy, để kết quả xây dựng các tiêu chí ATTP được duy trì bền vững, ngoài trách nhiệm của ban quản lý chợ, rất cần sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Trong trường hợp chợ không duy trì được các tiêu chí, cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi quyết định công nhận chợ ATTP theo quy định. Có như vậy, việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm an toàn mới đạt hiệu quả thực chất, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Bài và ảnh: Hà Bắc


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]