70 năm cuộc trao trả tù binh Việt - Pháp: Trên đường hồi hương, tù binh Pháp ở nhà tôi
Cuối buổi chiều một ngày giữa tháng 8 năm 1954, tôi (khi ấy 7 tuổi) vừa tan cuộc chơi với mấy đứa bạn, vừa từ đình làng về nhà thì bố tôi, khi đó là trưởng thôn Phúc Tỉnh, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, Thanh Hóa, dẫn tốp hai anh bộ đội, bốn lính Tây da trắng, da đen bước vào sân nhà...
Trao trả tù binh Pháp ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu)
Lần đầu thấy lính Tây, tôi hơi sợ chạy lại đứng nép sau cây cột hè nhà. Vừa để ba lô xuống hè nhà, một lính Tây da đen nhánh giơ tay túm cánh tay tôi ôm vào lòng và xoa đầu. Tôi hoảng sợ vùng vẫy không cho người lính Tây ôm nhưng bị anh ta ôm khá chặt. Thấy vậy, anh bộ đội nói với tôi: “cháu đừng sợ, mấy lính Tây này không còn đáng sợ nữa vì họ hiện là tù binh, đang trên đường về nước đấy!”.
Quả thật, thoạt đầu tôi hoảng thật sự vì lần đầu tiên nhìn rõ và lại bị lính Tây ôm, hôn nhưng nghe hai anh bộ đội đều nói vậy nên tôi đỡ sợ.
Vừa lúc đó, mẹ tôi ngoài vườn đi vào, mẹ chào hai anh bộ đội và có lẽ lo tôi quá hoảng sợ, mẹ giơ hai tay đón tôi. Thoát khỏi tay anh lính Tây da đen, tim tôi vẫn đập thình thịch.
Bố tôi nói nhanh với mẹ tôi biết ba anh bộ đội là chỉ huy đơn vị dẫn tù binh, đêm nay mấy chục tù binh nghỉ lại làng tôi, chỉ 15 nhà có điều kiện được đón bộ đội và tù binh trọ lại qua đêm. Sáng mai sẽ hành quân đi thị xã Thanh Hóa rồi về Sầm Sơn(*) chờ ngày trao trả tù binh.
Nghe bố nói vậy, lặng một chút mẹ tôi thở dài nói với hai anh bộ đội: “Như thế là được đón lính Tây, trong khi con mình chiến đấu ở Điện Biên không biết sống, chết ra sao, chiến dịch kết thúc nay vẫn chưa có tin!”. Tôi hiểu mẹ nói về anh cả tôi, cuối năm ngoái nhập ngũ rồi cùng đơn vị lên chiến dịch Điện Biên.
Anh bộ đội hỏi mẹ tôi mượn nồi để nấu cơm. Mẹ tôi đưa cho anh cái nồi đồng thau có cả dế. Anh bộ đội hướng dẫn và giao cho một lính Tây khác bỏ gạo vào nồi ra chum nước vo gạo. Mẹ tôi dẫn anh ta vào bếp, đưa chiếc que tre hướng dẫn cời gio ở bếp ra và cách đun rơm (vì nhà khi ấy đun rơm). Anh lính đặt nồi lên bếp, bật lửa đốt vào nắm rơm và lồng vào bếp. Thấy nồi vẫn còn nằm trong chiếc dế, mẹ tôi vội vàng ra hiệu và nâng chiếc nồi rời kiềng bếp để tháo dế ra. Không yên tâm, mẹ tôi cầm nắm rơm đun cho cháy hết làm mẫu. Anh lính Tây hiểu ra cơ sự, cười tươi phô ra hai hàm răng trắng xóa trông thật hồn nhiên.
Nồi cơm cạn nước, mẹ tôi hướng dẫn người lính duy trì đốt rơm ít chung quanh hông nồi cơm. Anh ta tiếp thu khá nhanh làm đúng hướng dẫn. Mấy anh Tây khác quan sát gật gật đầu ra vẻ thú vị vì cách nấu cơm bằng rơm rạ của người dân mình.
Anh bộ đội lấy ra mấy mẩu cá khô ra hiệu cho lính Tây nướng. Mẹ tôi hỏi thức ăn của hai anh bộ đội và mấy người lính chỉ vậy và ít muối sườn.
Rất nhanh, mẹ tôi chạy ra vườn buộc chiếc liềm vào đầu cây sào giật mấy quả mướp. Xong, mẹ vào rương gỗ, mở nắp lấy ống tre dốc hết số lạc nhân còn lại gần 2 đấu, mẹ còn lấy thêm vừng đưa cho anh bộ đội nói để anh em rang muối. Lúc này chị gái tôi xuất hiện bên mẹ, chị nói: “dân làng vẫn nói Tây sang ta bắn giết dân mình, sao mẹ cho hết mình lấy gì ăn?”. Mẹ bảo đúng là Tây ác là khi còn cầm súng ở trong đồn, giờ bị bộ đội ta bắt làm tù binh, họ không ác nữa mà rất muốn nhanh về quê với bố mẹ, vợ con đấy!”. Mẹ còn nói chuyện với hai anh bộ đội chính nhà tôi cũng có anh con trai cả cuối năm ngoái nhập ngũ đi chiến dịch Điện Biên đến nay chưa có tin tức gì không biết sống chết ra sao. Nghe mẹ tôi kể, anh bộ đội nói lại bằng tiếng Pháp với mấy anh lính. Có lẽ đã hiểu chuyện nhà tôi cũng có người là bộ đội chiến đấu ở Điện Biên Phủ, mấy anh lính Tây lặng lẽ nhìn bố, mẹ tôi với thái độ trân trọng.
Sáng hôm sau các anh bộ đội và mấy người lính chào bố mẹ tôi ra sân đình tập trung để tiếp chặng hành quân về hướng Sầm Sơn nơi sẽ trao trả tù binh.
Sau khi đoàn tù binh được các anh bộ đội dẫn giải rời làng, tôi được biết các gia đình khác ai có thức ăn gì cũng đưa cho mấy anh bộ đội và tù binh như cho lạc, vừng, rau, bí, mướp...
Câu chuyện chỉ vậy thôi, đã 70 năm trôi qua nhưng những chi tiết như tôi kể vẫn in sâu trong ký ức tôi.
Sau này lớn lên, nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu, rồi ra Bắc học trở thành sĩ quan, cơ duyên tôi được về công tác ở Tổng Cục Chính trị, được về Cục Dân vận – Tuyên truyền đặc biệt mà trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ là Cục Địch vận. Được làm việc với cán bộ lãnh đạo mà trực tiếp là Thiếu tướng Phạm Đình Thức, Phó Cục trưởng Cục Địch vận, khi ấy từng chỉ huy đơn vị bộ đội dẫn giải tù binh Pháp từ Thái Nguyên, Hòa Bình vào Sầm Sơn, Thanh Hóa tiến hành trao trả, tôi mới biết trên đường đi, người dân các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa... đã có nhiều gia đình được đón lính Tây nghỉ lại và nhiệt tình giúp đỡ bộ đội và họ như bố mẹ, nhân dân làng tôi - làng có truyền thống cách mạng của Thanh Hóa.
Chính quyền và nhân dân các nơi đoàn tù binh đi qua đều sẵn lòng giúp đỡ bộ đội, tù binh, thể hiện sự bao dung, để lại ấn tượng tốt với họ về đất nước của Hồ Chí Minh, Quân đội và Nhân dân VIệt Nam.
Còn anh cả tôi, Trịnh Thanh Vân, đến năm 1957 khi ấy là lính ở Cục Không quân đóng ở Sân bay Gia Lâm mới có dịp về thăm nhà. Sau này anh là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu Thủ đô.
Dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đến thăm anh, tôi kể câu chuyện này, anh cho biết sau Điện Biên Phủ, đơn vị anh được nhận nhiệm vụ đi dựng lán để phục vụ cuộc trao trả tù binh ở Việt Trì, Phú Thọ cùng với trao trả ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Giờ đây, nhìn tấm ảnh tư liệu trao trả tù binh ở biển Sầm Sơn quê hương tuyệt đối an toàn ngày 19/8/1954 cách đây 70 năm trước, tôi man mác nhớ về kỷ niệm này, trong số tù binh Âu – Phi hồi hương, có những người lính đã được gia đình tôi đón, giúp đỡ, dù sự giúp đỡ đó rất nhỏ nhoi... nhưng rất đáng trân trọng.
Trịnh Thanh Phi (CTV)
-----------------------------
(*) Tại Sầm Sơn, ngày 19 và 20/8, ta trao trả 460 tù binh, trong đó có 372 lính Âu-Phi , 80 lính Bảo Đại, 8 lính dân tộc khác. Trong 2 ngày, Pháp trao trả ta 1.942 người, phần nhiều là thường dân, 90% bị bắt năm 1953-1954. (Theo Báo Nhân dân số 219, ngày 31/8/1954).
{name} - {time}
-
2024-12-13 16:51:00
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp toàn diện
-
2024-12-13 16:00:00
Cho ý kiến về việc xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối cơ quan TW
-
2024-08-19 06:24:00
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Cội nguồn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám trên quê hương Hậu Lộc
Thọ Xuân quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới
Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa - thắng lợi của tinh thần chủ động và sáng tạo
Quảng Cư nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế
Quan Hóa phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số
Mường Chanh chú trọng công tác dân vận chính quyền
Hội Cựu Công an Nhân dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở
HĐND huyện Triệu Sơn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động