(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện xét nghiệm HIV sớm đối với người có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, gái mại dâm... sẽ giúp họ sớm biết được tình trạng nhiễm của mình, từ đó kết nối họ vào các dịch vụ điều trị sớm nhất nhằm đưa lại hiệu quả cao, tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xét nghiệm HIV sớm, tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

Thực hiện xét nghiệm HIV sớm đối với người có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, gái mại dâm... sẽ giúp họ sớm biết được tình trạng nhiễm của mình, từ đó kết nối họ vào các dịch vụ điều trị sớm nhất nhằm đưa lại hiệu quả cao, tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Xét nghiệm HIV sớm, tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

Cán bộ Trạm Y tế phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) lấy mẫu xét nghiệm lây truyền mẹ con cho phụ nữ mang thai.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 11-1995 ở huyện Đông Sơn, đến 30-6-2020 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 8.513 người, trong đó số người còn sống và quản lý được là 4.233 (3.678 người Thanh Hóa và 555 người ở trại giam) và hơn 2.500 người nhiễm đã tử vong. HIV có mặt tại 100% huyện, thị xã, thành phố; 94% (528/559) xã/phường. Những con số này cho thấy, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Nhận thức được nguy cơ đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực góp phần kiểm soát và khống chế dịch HIV/AIDS trên địa bàn. Trong đó, ngành y tế đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dự phòng, mở rộng các dịch vụ tiếp cận, đặc biệt là tư vấn, xét nghiệm HIV sớm tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 12/27 huyện, thị xã, thành phố có phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính, trong đó có 11 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính tuyến huyện (Mường Lát, Quan Hóa, Quảng Xương, thị xã Bỉm Sơn, Ngọc Lặc, Thường Xuân, thị xã Nghi Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Đông Sơn) và 1 phòng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; có 29 cơ sở triển khai xét nghiệm HIV, bao gồm 23 huyện (trừ Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Như Thanh và Như Xuân), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, các trại giam (Số 5, Thanh Cẩm, Thanh Phong, Thanh Lâm)... Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 49.927/50.686 khách hàng được tư vấn (chiếm 99%); số khách hàng có kết quả HIV dương tính 263/49.927. Đối tượng nghiện chích ma túy vẫn là đối tượng nguy cơ lớn nhất đến tư vấn xét nghiệm HIV và có kết quả HIV dương tính cao nhất 170/263 người (65%)... Qua xét nghiệm sớm từ đó giúp tăng hiệu quả điều trị nếu phát hiện dương tính với HIV và đề phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Điển hình như trường hợp anh P.V.T. (huyện Quan Hóa), do một lần quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm, anh sợ mình bị lây nhiễm HIV, nên có đến cơ sở y tế để xét nghiệm HIV. Kết quả bị nhiễm HIV. Ngay sau đó, anh tham gia điều trị thuốc kháng vi rút ARV tại cơ sở y tế. Ngày đầu tham gia điều trị, tế bào CD4 của anh chỉ có 50. Sau một năm điều trị, tế bào CD4 của anh tăng lên 300. Nhờ tuân thủ điều trị, tải lượng vi rút của anh ở ngưỡng không phát hiện. Hiện anh đã lập gia đình, có con, cả vợ và con đều khỏe mạnh, không nhiễm HIV từ anh.

Với phương châm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ cơ sở, ngành y tế mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm sớm HIV tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở để có những can thiệp kịp thời, thích hợp. Nội dung tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí được đưa vào hoạt động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén cho các bà mẹ mang thai, nhất là phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại các cơ sở dịch vụ y tế, tạo cơ hội để chị em được tiếp cận sớm các dịch vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ tuyên truyền viên, đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng chủ động tiếp cận cơ sở, trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn giúp chị em phụ nữ tiến hành xét nghiệm tự nguyện sớm; cung cấp kiến thức, biện pháp để chị em tự phòng bệnh cho mình, tránh lây nhiễm HIV cho con và cộng đồng. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ năm 2019, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã tập trung sàng lọc thường xuyên cho phụ nữ mang thai (chú trọng phụ nữ có hành vi nguy cơ), đã có 25.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 2 người mới, nâng tổng số lên 38 trường hợp điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong tổng số 23.200 ca xét nghiệm sàng lọc của quý I-2020, có 11 phụ nữ mang thai xét nghiệm sàng lọc đưa vào điều trị sớm, điều trị tích cực ARV cho mẹ. Do tuân thủ đúng, đầy đủ quá trình điều trị bằng ARV, nên tất cả các trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh.

Theo các cán bộ y tế cơ sở, tại các trạm y tế được cấp test kit (sinh phẩm xét nghiệm) để triển khai kỹ thuật xét nghiệm sớm HIV bằng test kit có nhiều ưu điểm. Nếu như trước đây, việc xét nghiệm HIV thường được thực hiện ở những bệnh viện hay đơn vị y tế tuyến tỉnh với cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phức tạp thì hiện nay, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể đến xét nghiệm trực tiếp tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Kỹ thuật xét nghiệm HIV cũng đơn giản, thuận tiện hơn, có thể thực hiện bằng cách lấy máu đầu ngón tay hoặc bằng dịch miệng. Thời gian có kết quả nhanh chóng, chỉ từ 15 - 20 phút, nếu kết quả dương tính với vi rút HIV sẽ được tư vấn và điều trị sớm, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Lây nhiễm HIV hoàn toàn có thể phòng tránh thông qua các biện pháp dự phòng, như tình dục an toàn, sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng các chất thay thế. Đồng thời, mỗi người nên chủ động tham gia xét nghiệm HIV sớm để sớm biết tình trạng sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe và tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS. Hàng năm, thông qua việc xét nghiệm sớm, toàn tỉnh đã phát hiện và điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) cho trên 200 người nhiễm HIV; lũy tích số bệnh nhân được điều trị ARV toàn tỉnh là 3.953 người (đã điều trị cho 93% số người nhiễm HIV còn sống), trong đó có 3.829 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 1; 124 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2.

Trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết: Trên thực tế vẫn có một bộ phận người dân cho rằng nhiễm HIV không có thuốc điều trị khỏi do vậy không cần thiết phải đi xét nghiệm HIV sớm. Cũng có trường hợp đáng tiếc do không biết tình trạng nhiễm HIV nên đã vô tình làm lây truyền HIV sang vợ, chồng, bạn tình, người thân trong gia đình và lây truyền HIV từ cha, mẹ sang con. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị và đề phòng lây nhiễm HIV/AIDS nói riêng. Do vậy, việc xét nghiệm HIV sớm sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát và khống chế dịch HIV/AIDS, giảm số người nhiễm HIV, chuyển AIDS và tử vong hằng năm. Ngành y tế khuyến cáo, mọi người cần làm xét nghiệm HIV sớm biết về tình trạng sức khỏe của mình, giúp chủ động điều trị HIV nếu phát hiện dương tính cũng như dự phòng lây nhiễm HIV. Khi xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV sớm, người nhiễm sẽ được cán bộ y tế tư vấn, cung cấp các kiến thức, kỹ năng, phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV; được điều trị HIV kịp thời, giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám, chữa bệnh và chi phí nằm viện, trong khi người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh dài lâu, lao động, học tập như những người khác, góp phần giảm khả năng lây truyền HIV trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Hà Phương


Bài Và Ảnh: Hà Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]