(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù được đầu tư về cơ sở vật chất, hệ thống xử lý chất thải, tuy nhiên, hiệu quả xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải rắn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi ngành chức năng, các đơn vị y tế cần nâng cao công tác quản lý và xử lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao công tác quản lý, xử lý chất thải rắn y tế

Nâng cao công tác quản lý, xử lý chất thải rắn y tế

Hệ thống xử lý chất thải tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh.

Mặc dù được đầu tư về cơ sở vật chất, hệ thống xử lý chất thải, tuy nhiên, hiệu quả xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải rắn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi ngành chức năng, các đơn vị y tế cần nâng cao công tác quản lý và xử lý.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 bệnh viện công lập và ngoài công lập, trên 800 cơ sở y tế tư nhân (phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế...) với tổng số giường bệnh gần 13.000 giường. Trung bình lượng chất thải rắn thải ra mỗi ngày tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh khoảng hơn 14.000kg, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên 2.200kg. Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và ngành y tế, tất cả các cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn theo quy định của Bộ Y tế. Các loại chất thải y tế không nguy hại có thể tái chế được thu gom và bán cho các đơn vị tái chế, các loại chất thải y tế nguy hại tại các bệnh viện công lập được đốt trong các lò đốt chất thải y tế đã được tỉnh đầu tư (33/47 bệnh viện đã được đầu tư lò đốt), các bệnh viện còn lại thực hiện ký hợp đồng xử lý với các bệnh viện khác có lò đốt rác thải y tế. Bên cạnh việc đầu tư lò đốt, một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Da liễu còn được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng công nghệ xử lý bằng thiết bị hợp khối (đệm vi sinh lưu động) theo nguyên lý AAO...

Có thể thấy, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh đã có được những bước tiến đáng ghi nhận. Kết quả này thể hiện sự quan tâm của ngành y tế, chính quyền các cấp và sự nỗ lực quyết tâm không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế. Đặc biệt, cùng với việc đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch tập huấn, phối kết hợp thực hiện tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tăng cường kiến thức về phân loại rác thải đầu nguồn, áp dụng hệ thống thùng đựng đúng mã màu quy định để nhân viên có cơ hội phân loại rác triệt để. Ngoài ra, Sở Y tế thường xuyên kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện đúng về công tác xử lý chất thải y tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện, một số lò đốt rác thải tại các bệnh viện công lập do UBND tỉnh đầu tư trang bị từ năm 2008, nay đã xuống cấp nên việc vận hành, xử lý không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Vẫn còn nhiều bệnh viện công lập được tỉnh đầu tư lò đốt rác thải, nhưng vận hành không đúng quy trình kỹ thuật, tự ý thay đổi nhiên liệu đốt từ dầu sang than làm hư hỏng thiết bị của lò đốt, đồng thời, việc duy trì bảo dưỡng định kỳ cũng không được quan tâm thực hiện dẫn đến hiệu quả xử lý kém, gây ảnh hưởng đến môi trường. Hiện toàn tỉnh đã đầu tư 9 cụm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm đặt tại 9 bệnh viện, như Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc, Thạch Thành, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Nhi,... bước đầu các hệ thống xử lý hoạt động tốt. Tuy nhiên, chất thải rắn vẫn chưa được xử lý triệt để, mới chỉ xử lý tiệt trùng, giảm được kích thước, chưa giảm được khối lượng chất thải, phải tiếp tục xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi rác sinh hoạt...

Từ những tồn tại trên, để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc tăng ngân sách đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các khu xử lý chất thải, ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong ngành y tế về quản lý chất thải y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý chất thải y tế, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải y tế. Các cơ sở y tế cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, các khoa, phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế; bố trí đủ kinh phí, nhân lực, đầu tư thiết bị phục vụ công tác thu gom, lưu giữ theo đúng quy định, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]