(Baothanhhoa.vn) - Thời điểm giao mùa, lúc nóng, lúc lạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, như: Cúm các loại, sởi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, cùng với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa, lúc nóng, lúc lạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, như: Cúm các loại, sởi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, cùng với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Lát điều tra dịch tễ tại hộ gia đình.

Để ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh thời điểm giao mùa, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Các điểm tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch, tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng tránh chủ động các bệnh cúm, viêm phổi, viêm họng, đột quỵ ở người cao tuổi; thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra. Trung tâm cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và các đội phòng chống dịch; xây dựng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phục vụ phòng chống dịch.

Chị Lê Thị Ninh, xã Thành Hưng (Thạch Thành) chia sẻ, qua những lần đưa con đi tiêm chủng mở rộng, được các bác sĩ tư vấn, chị đã nắm bắt được các biện pháp phòng bệnh và chủ động cho con đi tiêm phòng để phòng, chống các loại dịch bệnh. Hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết nóng lạnh và ẩm ướt nên trẻ con rất hay mắc các bệnh về hô hấp, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chị đã cho cháu đi tiêm phòng cúm, sởi - quai bị - rubella, nên sức đề kháng của cháu khá tốt.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, vào các thời điểm giao mùa, số trẻ đến khám và nhập viện điều trị tại bệnh viện thường có xu hướng tăng; trong đó một số bệnh phổ biến thường gặp là viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt phát ban dạng sởi... Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên việc thích nghi với biến đổi của môi trường gặp khó khăn, các loại vi rút dễ xâm nhập, tấn công, trẻ có thể viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, phế quản, tiểu phế quản, rồi tiến triển thành viêm phổi nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy vào thời điểm giao mùa, các gia đình cần thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của gia đình; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, môi trường sống, nhất là vật dụng, đồ chơi trẻ tiếp xúc hàng ngày để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh khi trẻ cầm nắm đồ chơi bẩn. Thực hiện tiêm các loại vắc-xin bắt buộc cho trẻ và cho trẻ ăn bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Đồng thời các bậc phụ huynh nên bảo đảm cho trẻ ăn chín, uống sôi, cho các bé uống thật nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả để giúp trẻ tăng cường thể chất, sức đề kháng để đẩy lùi bệnh tật. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi sổ mũi, hay đau đầu, tiêu chảy thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, thời điểm giao mùa xuân – hè thì các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa... có khả năng lây nhiễm cao chắc chắn sẽ gia tăng. Đặc biệt, thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 cũng là thời điểm thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh, rất dễ gây thành dịch bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy để chủ động thực hiện tốt công tác phòng bệnh, hạn chế phát sinh dịch khi thời tiết giao mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trạm y tế các xã, phường thị trấn thường xuyên nắm địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các biện pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Tiến sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Hiện tại tình hình dịch bệnh ở Thanh Hóa khá ổn định, số lượng bệnh nhân mắc bệnh giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3 bệnh giảm rõ rệt là sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng, các ca bệnh rải rác đã được khống chế, không thành dịch. Tuy nhiên khi thời tiết giao mùa xuân - hè rất dễ xuất hiện và lây lan một số bệnh truyền nhiễm như: Sởi, các loại cúm, tay chân miệng... Vì vậy để chủ động phòng, chống dịch bệnh khi giao mùa, nhất là trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, cùng với các biện pháp nghiệp vụ đã được triển khai thực hiện, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú trọng việc bảo đảm môi trường sống, phun thuốc muỗi và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế để tạo miễn dịch; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; khi ốm đau cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc. Đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát theo dõi tình hình sức khỏe trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm, chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để các ổ dịch phát sinh và lây lan thành dịch trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Hà Bắc


Bài Và Ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]