(Baothanhhoa.vn) - Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do không tiêm vắc-xin. Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, đỉnh điểm vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8.

Chủ động phòng, chống bệnh dại trong mùa hè

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do không tiêm vắc-xin. Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, đỉnh điểm vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8.

Chủ động phòng, chống bệnh dại trong mùa hèTiêm vắc-xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa.

Gần đây nhất vào cuối tháng 3-2022, một bệnh nhân nữ, sinh năm 1975, thôn Minh Thạch, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), đến nhà hàng xóm chơi bị chó cắn vào sau đùi phải. Trước đó con chó này cũng cắn 4 người khác. Sau khi bệnh nhân bị chó cắn có sử dụng nước xà phòng rửa vết thương nhưng không đi tiêm phòng dại (con chó cắn bệnh nhân không được tiêm phòng dại). Đến ngày 3-4-2022, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, mất ngủ, được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc khám và điều trị, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh dại. Sau 1 ngày, các triệu chứng tăng lên kèm theo tăng tiết đờm dãi, gào thét, bệnh nhân được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều trị. Cùng ngày do diễn biến nặng nên gia đình xin cho bệnh nhân được về nhà và tử vong lúc 5h15 ngày 5-4-2022 tại nhà.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 20 ca tử vong do mắc bệnh dại. Những ca này sau khi bị chó cắn đã không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin phòng dại. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vi-rút dại vẫn đang lưu hành tại một số địa phương, hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại, việc khống chế và kiểm soát vi-rút dại gặp nhiều khó khăn do phong tục tập quán nuôi chó tại các địa phương không tuân thủ theo quy định là nguy cơ làm gia tăng các trường hợp tử vong do bệnh dại. Thêm vào đó, nhiều người dân vẫn chủ quan, dù bị động vật cắn nhưng không đi tiêm phòng bệnh dại. Bởi, mọi người nghĩ là chó nhà nuôi đã được tiêm phòng và tiêm vắc-xin dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ người bệnh. Điều này hoàn toàn sai lầm, các dòng vắc-xin phòng dại đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm chứng rất an toàn, được Bộ Y tế cho lưu hành toàn quốc. Do vậy, khi bị chó, mèo cào, cắn người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, tiêm vắc-xin phòng dại và hoàn toàn yên tâm với chất lượng thuốc. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo nếu bị chó, mèo cắn sẽ được tiêm miễn phí.

Trao đổi với bác sĩ Đỗ Văn Long, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút dại gây ra, thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng. Người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không tiêm phòng, khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong là 100%. Bệnh do vi-rút dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là biện pháp điều trị duy trì để có thể cứu sống bệnh nhân khi bị động vật dại cắn. Bệnh không thể dựa vào kinh nghiệm để nhìn xem một người có bị bệnh dại hay không mà phải thông qua theo dõi chó, mèo nghi mắc bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại và giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người thì người dân khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải xử trí sơ bộ bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt; rửa bằng các thuốc diệt khuẩn (cồn iod; cồn 70 độ trở lên hoặc rượu mạnh (có nồng độ cao); chất khử trùng có sẵn trong nhà như dầu gội, sữa tắm, xà phòng...). Không sờ vào vết thương bằng tay không; không cho các chất kích thích (ớt, dầu, lá thơm, phấn, lá trầu không...) lên vết thương. Ðến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời. Nhốt hoặc xích động vật (nếu có thể) để theo dõi trong vòng 10 ngày. Đồng thời, mỗi gia đình, cá nhân tích cực tham gia phòng và quản lý tốt đàn vật nuôi của gia đình; không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại. Các cơ sở y tế cần bảo đảm đầy đủ nguồn, vắc-xin, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn...

Bài và ảnh: Hà Bắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]