Xu hướng lựa chọn mô hình “9+” sau tốt nghiệp THCS
Đa phần học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ lựa chọn thi vào lớp 10 THPT, tuy nhiên, hiện nay, do được định hướng nghề nghiệp từ sớm, nhiều học sinh đã lựa chọn mô hình “9+” (vừa học văn hóa phổ thông chương trình giáo dục thường xuyên, vừa học nghề trình độ trung cấp) sau tốt nghiệp THCS.
Học viên thực hành tại xưởng thực hành Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.
Sau khi hoàn thành bậc học THCS, em Vũ Hoàng Nam, xã Thọ Lập (Thọ Xuân) đã được gia đình định hướng theo học mô hình “9+” tại Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghiệp Thanh Hóa. Hoàng Nam cho biết: "Sau khi tốt nghiệp THCS, em không thi vào lớp 10 vì lực học của em cũng bình thường. Em được gia đình và thầy cô định hướng nên lựa chọn vừa học văn hóa và vừa học nghề tại Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa để sau này tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề. Em dự định, sau tốt nghiệp cũng sẽ tiếp tục học lên hệ CĐ rồi đi xuất khẩu lao động hoặc xin việc tại các công ty trong nước".
Đến thời điểm này, Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa đã tuyển sinh được 580 học sinh và vẫn đang tiếp tục tuyển sinh. Ông La Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 14 nghề CĐ, 17 nghề trung cấp và 18 nghề sơ cấp. Trong đó, những nghề được học sinh lựa chọn học nhiều nhất là: Công nghệ ôtô; Kỹ thuật máy lạnh - Điều hòa không khí. Để “giới thiệu” về nhà trường với các em học sinh THCS, trường đã tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Bên cạnh các chính sách ưu đãi về ký túc xá như miễn phí ký túc xá cho sinh viên ở xa; 100% phòng học văn hóa của trường có điều hòa và tivi thông minh phục vụ công tác giảng dạy thì nhà trường còn liên kết với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước để học sinh thuận tiện trong việc thực hành, làm quen với môi trường công việc, trong đó hơn 85% học sinh nhà trường sau tốt nghiệp có việc làm".
Không còn định kiến trường nghề chỉ dành cho những học sinh có học lực chưa tốt, ngày nay, việc lựa chọn học nghề ngay sau tốt nghiệp THCS là lựa chọn chủ động của nhiều bạn trẻ khi đã sớm xác định được công việc mình thích và phù hợp với bản thân.
Em Lê Ngọc Hoa, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Sau khi tìm hiểu thông tin và được các thầy cô giáo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP Thanh Hóa tư vấn, em đã quyết định đăng ký vào học nghề Công nghệ may, đồng thời học văn hóa luôn tại trung tâm. Sau 3 năm ra trường em có cả bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT, vừa học gần nhà mà lại tiết kiệm được thời gian, chi phí học tập".
Ông Trần Cường, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Thanh Hóa cho biết: "Các em học sinh nam thường có xu hướng lựa chọn nghề công nghiệp điện, công nghệ ôtô, điện lạnh, điện công nghiệp... Trong khi các em nữ thường đăng ký học công nghệ may, nghiệp vụ quản lý khách sạn - nhà hàng. Hiện nay, xu hướng học sinh THCS đăng ký học nghề vào trường ngày càng tăng cao. Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS có nhiều lợi ích, như: rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí, điều kiện tuyển sinh dễ dàng... Vì vậy, mô hình này đang được ngành giáo dục và đào tạo, cũng như ngành lao động chú trọng nhân rộng để đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh sau THCS, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương".
Được biết, từ năm 2014 đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật GDNN và các cơ chế, chính sách liên quan. Hoạt động GDNN từng bước đi vào nền nếp, chất lượng đào tạo được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Công tác sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN, trong đó có 11 trường CĐ (gồm 4 trường CĐ công lập trực thuộc tỉnh, 2 trường CĐ thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn và 5 trường tư thục); 15 trường trung cấp (gồm 8 trường công lập và 7 trường tư thục); 7 trung tâm GDNN; 24 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện; 9 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Toàn tỉnh có 9 cơ sở GDNN được phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 với 15 ngành nghề trọng điểm ở 3 cấp độ: Quốc tế (1 nghề), khu vực Đông Nam Á - ASEAN (3 nghề) và quốc gia (11 nghề).
Cơ sở vật chất của các cơ sở GDNN được quan tâm đầu tư, nâng cấp; tổng diện tích đất được giao sử dụng của các cơ sở GDNN là 1.505.923m2; diện tích phòng học lý thuyết 72.842m2, phòng/xưởng thực hành 191.452m2, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo theo quy định. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước được nâng lên; tổng số nhà giáo trong khu vực GDNN hiện nay là 1.675 người, trong đó tiến sĩ 21 người (chiếm 1,25%), thạc sĩ 375 người (chiếm 22,39%), đại học 882 người (chiếm 52,66%), CĐ 155 người (chiếm 9,25%), trung cấp và trình độ khác 242 người (chiếm 14,45%).
Bài và ảnh: Linh Hương
- 2024-11-01 09:49:00
Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2
- 2024-11-01 09:48:00
Bá Thước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
- 2024-08-26 18:07:00
TP Sầm Sơn: Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025
Khánh thành 2 phòng học tại điểm trường Mầm non bản Cơm
Nhiều khó khăn tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Để học sinh yêu và học tốt môn lịch sử
Năm học 2024-2025, Hoằng Hoá phấn đấu nằm trong tốp đầu của tỉnh
Thọ Xuân hoàn thành xây dựng 28 trường đạt chuẩn quốc gia
Hà Trung khen thưởng, biểu dương giáo viên, học sinh đạt thành tích trong năm học 2023-2024
Để tình trạng thiếu giáo viên không còn là bài toán khó
Quỹ học bổng Lê Viết Ly “chắp cánh” cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học
Giáo dục mũi nhọn huyện Quảng Xương nằm trong tốp đầu toàn tỉnh