(Baothanhhoa.vn) - Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương, nhưng căn bệnh suy thận đã kéo họ xích lại gần nhau và cùng quây quần trong một xóm nhỏ thuộc ngõ 252, đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Thanh Hóa), đối diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nơi đây đã chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Thế nhưng, họ vẫn tràn đầy ước mơ, tình yêu và hạnh phúc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóm chạy thận mơ tết đoàn viên

Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương, nhưng căn bệnh suy thận đã kéo họ xích lại gần nhau và cùng quây quần trong một xóm nhỏ thuộc ngõ 252, đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Thanh Hóa), đối diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nơi đây đã chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Thế nhưng, họ vẫn tràn đầy ước mơ, tình yêu và hạnh phúc.

Xóm chạy thận mơ tết đoàn viên

Xóm chạy thận những ngày cận tết buồn và vắng đến nao lòng.

Nơi đó là nhà

Xóm chạy thận nằm len lỏi, khuất sau sự hào nhoáng, vội vã của thành phố, của những ngôi nhà cao tầng, sang trọng. Sở dĩ xóm có tên đặc biệt như thế, vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân cùng mắc bệnh thận đã rủ nhau chung sống quây quần, đùm bọc nhau như một đại gia đình. Có những người đã tá túc ở xóm trọ này cả chục năm trời, bệnh tật đã lấy đi tuổi xuân của họ, khiến những ước mơ, hoài bão của họ trở nên dang dở. Họ đến ở rồi “đi” như một vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống. Đến nỗi, những người còn ở lại thường bảo nhau: Mỗi ngày mở mắt ra thấy mình còn sống là may mắn, bởi ai vào đây cũng như ngọn đèn trước gió, chẳng biết phụt tắt lúc nào. Tối đang ngồi với nhau, sáng ra không còn nhìn thấy nhau nữa là chuyện bình thường. Rất nhiều người bệnh ví mình như dây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình, bà con.

Chúng tôi đến đây vào một ngày cuối năm Kỷ Hợi. Khi ngoài kia, người người đang tất bật mua sắm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý, thì những bệnh nhân chạy thận ở đây vẫn lặng lẽ chờ đợi... Xóm có 14 phòng với hơn 10 phòng có người ở thì đã có 8 phòng nuôi bệnh nhân suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2, tồi tàn, ẩm thấp. Thi thoảng có cơn gió lạnh quanh co theo những bức tường cũ xỉn xiêu vẹo, che chắn tạm bợ cho hàng chục con người co ro bên nhau, vừa chống chọi với nỗi đau bệnh tật, vừa lặng lẽ chờ mong cái giá rét qua nhanh.

Đón chúng tôi là những khuôn mặt khô vằn nứt nẻ, mặc quần áo dày che hết đi đôi cánh tay chi chít toàn vết mổ, vết kim tiêm. Hầu như trong họ không còn khái niệm về thời gian, trong đầu họ chỉ tồn tại lịch chạy thận 3 lần/tuần, 1 lần/4 tiếng. Đa phần bệnh nhân đến chạy thận đều thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ tiền thuốc. Tuy nhiên, để giảm cơn đau, họ cũng cần tiền để mua thêm thuốc điều trị (thuốc huyết áp, canxi, trợ tim, dạ dày, bổ gan...), rồi tiền ăn, chi phí sinh hoạt... Sơ sơ 1 tháng, mỗi bệnh nhân cũng phải “dằn túi” 4 - 5 triệu. Thế nên, họ thường đùa với nhau rằng, ngoài cơn đau do bệnh thận hành hạ, thì cơn “viêm màng túi” thường xuyên cũng khiến cả xóm chạy thận lao đao...

Mặc cho bên ngoài ồn ào, một người đàn ông gầy gò vẫn bình thản ngồi trên giường. Đó là ông Lang Văn Bắc, 70 tuổi, trú tại xã Bát Mọt (Thường Xuân). Ông chia sẻ: “Lúc mới bệnh, tôi cứ sợ không sống nổi vì bi quan và mặc cảm. Nhưng giờ tới đây, ai cũng như ai, đều gắn đời mình với chiếc máy chạy thận, trải qua những năm tháng còn lại của cuộc đời ở nơi không phải là nhà. Nỗi nhớ cùng sự mặc cảm ngắn đi nhiều vì có những người chung cảnh ngộ sớm tối bên nhau, san sớt buồn vui và nỗi đau bệnh tật”.

Góp vui vào câu chuyện, bà Lang Thị Thương, 62 tuổi - vợ ông, hóm hỉnh: “Các cụ nói con chăm cha không bằng bà chăm ông. Ông ấy bệnh nhiều năm, sức khỏe yếu không tự lo được nên tôi xuống chăm, bầu bạn với nhau. Ngày nào tôi cũng phải động viên ông ấy, luôn nhắc nhở: Đây là căn bệnh không hẹn ngày về, rời bệnh viện là chết ngay. Ông phải gắng ăn uống, lấy sức khỏe chiến đấu với nó. Nhớ nhà quá thì về chơi với con cháu 1, 2 hôm rồi lại xuống. Có tôi, ông ấy có thêm động lực để chiến đấu với căn bệnh, quên đi nỗi đau bệnh tật”.

Căn phòng của ông bà thuê mỗi tháng 500 ngàn đồng đơn sơ, trống trải, chẳng có đồ đạc gì ngoài chiếc bếp ga mini và nồi cơm điện nhưng lại là nơi rộn ràng, đông vui nhất xóm. Vì đây là căn phòng trung tâm, mỗi khi chạy thận về, mọi người lại tụ tập nói chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời, của người rồi của chính mình... Trong những câu chuyện đó, có những lời hỏi thăm, quan tâm, động viên, có sự sẻ chia khó nhọc hằng ngày, giống như cha mẹ chăm lo cho con cái, giống như những người anh, người chị tưởng như đã gắn bó từ lâu. Có những ngày, một thành viên trong xóm gặp khó khăn, gia đình chưa kịp gửi tiền, mọi người lại chia nhau củ khoai, miếng thịt. Khi thì san sẻ hộp sữa, cái bánh, ngọt bùi cùng chung nhau.

Từ vài năm nay, các y, bác sĩ và bệnh nhân Trung tâm thận – lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều quen với cảnh ông Nguyễn Văn Đức, 63 tuổi, ngụ tại xã Nga Phú (Nga Sơn) dìu vợ là bà Nguyễn Thị Mai, 63 tuổi vào viện. Nhiều hôm từ bệnh viện về, trời bỗng đổ cơn mưa, ông Đức vội vàng nhường chiếc mũ cối của mình cho bà Mai đội.

Tuổi già, mang bệnh nên khó ngủ, nhiều đêm bà con trong xóm chạy thận còn thấy ông bóp chân, bóp tay cho vợ. Mùa đông, gặp hôm rét mướt, ông vẫn hì hụi đun từng phích nước nóng, tự tay pha nước cho bà tắm rửa... Những lần đi chạy thận về, bà mệt nằm vật ra giường, mọi chuyện cơm nước đã có ông lo. Đến bữa cơm, có món nào ngon, ông đều nhường cho vợ, ông bảo: “Tôi mua đồ ăn về chủ yếu để bà ấy ăn chứ tôi ăn thế nào cũng được”.

Hướng cái nhìn trìu mến về người “bạn già” của mình, bà Mai nghẹn ngào: “Tôi là người hạnh phúc nhất xóm này. Cuộc đời của ông ấy là của tôi; già yếu, bệnh tật chúng tôi vẫn có nhau bên cạnh... Hạnh phúc của một người cũng là niềm vui, hạnh phúc của cả xóm. Chúng tôi không có sức khỏe, không giàu về tiền, nhưng chúng tôi lại có một tấm lòng, một tình thương vô biên...”.

Trong số những bệnh nhân chạy thận có ít người được người nhà ở bên cạnh chăm sóc, đa số đành phải nương tựa vào nhau để chống chọi với bệnh tật. Người còn khỏe chăm sóc người yếu hơn, cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng nơi đây. Và, Mai Văn Thành, 28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) là một ví dụ điển hình. “Thời gian chúng tôi sống ở xóm trọ nhiều hơn ở nhà nên lâu nay tôi vẫn coi xóm trọ là nhà và những bệnh nhân ở đây như là người thân trong gia đình”.

Chẳng thế mà mỗi khi nấu món gì ngon, mọi người lại mời nhau sang ăn, hoặc những khi trong xóm có người ốm đau, mọi người lại chạy sang đưa đi cấp cứu... “Mình còn trai trẻ, chưa vợ, mắt mờ, nhưng chẳng sao cả vì mình vẫn tin sẽ có ngày mình nhìn thấy và cưới một người phụ nữ đẹp làm vợ” - câu nói đùa của Thành khiến cả căn phòng cười vang, tạm quên đi những mệt nhọc trong cơ thể.

Ước một lần được đón tết trọn vẹn

28 tuổi đầu nhưng Thành đã có “thâm niên” 11 năm chạy thận. Tuổi thanh xuân của Thành gắn liền với chuỗi ngày chạy thận trong bệnh viện. Thành chỉ mong ước được một lần đón tết trọn vẹn cùng gia đình như trước khi anh chưa mắc bệnh. “11 năm qua, mình chưa từng có được cái tết nào trọn vẹn. Đến 29 tết mới bắt xe về quê. Về được 2 ngày thì lại bắt xe xuống thành phố cho kịp lịch chạy thận. Mình chỉ ước có được một lần đón tết trọn vẹn cùng gia đình, nhưng với mình bây giờ điều đó thật xa vời”. Hai chữ “xa vời” là từ chúng tôi được nghe nhiều nhất khi hỏi những bệnh nhân ở xóm chạy thận về mơ ước trong năm mới. Mọi người trong xóm bảo, đến đây, ai cũng chỉ mong muốn sống được ngày nào hay ngày ấy, không ai dám nghĩ đến viễn cảnh xa vời những ngày sau.

Vài năm trở lại đây, Thành không về nhà đón giao thừa nữa, việc đón cái tết bên những người thân ở xóm chạy thận đã trở thành thói quen và chẳng biết tự khi nào, nó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao với anh. Hỏi về ước mơ, anh chẳng biết mình ước mơ điều gì nữa khi mà sức khỏe cứ sút đi từng ngày. “Mấy năm nay, ba bữa tết, cả xóm gom góp làm mâm cơm, mua bánh kẹo cúng tất niên mừng năm mới rồi cùng chúc mừng nhau sống thêm một tuổi. Năm nay chúng tôi lại sắp được chúc mừng tuổi mới. Nói thì nói vậy chứ cũng chưa chắc...” - Thành bùi ngùi.

Nhắc đến cái tết đã “đến chân”, ông Bắc khẽ cười: “Với tôi, tết cũng giống như ngày thường thôi, ngày nào chẳng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, đối mặt với nỗi lo bệnh tật. Năm mới tôi chỉ mong tôi và các con được khỏe mạnh, bệnh của tôi ổn định không bị biến chứng hay phát sinh thêm chi phí chữa bệnh, thế đã là mừng lắm rồi”.

Một cái tết đúng nghĩa với vợ chồng ông Bắc giờ chỉ còn trong ký ức khi chưa về đến nhà đã phải sắp xếp lịch đến bệnh viện. Muốn tranh thủ được về nhà đúng mùng 1 tết, vợ chồng ông Bắc phải đổi được ca chạy thận hoặc xin sắp xếp chạy được ca đêm 29 tết thì sáng 30 ông bà mới kịp đón chuyến xe khách vét để về quê. Dù có kịp thì ông bà cũng chỉ ở nhà được hết mùng 1, mùng 2 lại phải đón xe lên để kịp ca chạy thận sáng hôm sau. “2 năm nay tôi ở lại ăn tết ở xóm trọ luôn. Bởi, có về cũng chỉ ở nhà được hơn một ngày, chưa kịp nghỉ ngơi đã lại phải khăn gói lên đường, vì chậm lịch lọc máu là nhiễm độc nguy hiểm tới tính mạng. Biết là buồn và rất sốt ruột nhưng vì bệnh tật nên phải chịu đựng. Bệnh nhân chạy thận chúng tôi đủ mọi khó khăn bao vây, nên cứ ổn định mà điều trị được đã là may mắn lắm” - ông Bắc chia sẻ.

Ông Bắc hay Thành cũng giống như nhiều bệnh nhân xóm trọ này, dù đã quá quen cảnh đón tết xa nhà nhưng khi không khí tết đã ngập tràn khắp muôn nơi trong lòng họ vẫn là những nỗi mong ngóng, nhớ thương, khát khao quây quần.

Chia tay xóm chạy thận, chúng tôi ra về trong lòng bộn bề những suy nghĩ. Lại một năm nữa họ không về nhà, không biết tết ở quê hương từ ngày họ rời đi có gì đổi khác. Họ cũng không biết sẽ còn có cơ hội được về nhà ăn tết cùng gia đình nữa hay không? Nhưng dù sao, ở cái xóm trọ này, họ cũng đã có thêm một gia đình. Dù cuộc sống của họ có thể bị căn bệnh quái ác cướp đi bất cứ lúc nào, dù tết ở cái xóm ấy vẫn như xa vời lắm, nhưng ở đó luôn tràn ngập tình người, tình thân của những con người đồng cảnh ngộ. Năm mới sắp đến chỉ mong những bệnh nhân ở đây bớt được khó khăn, vui vẻ, yêu đời để thêm sức khỏe “chiến đấu” với bệnh tật.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]