Xác định nguồn gốc đất - gỡ “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng
Xác định nguồn gốc đất là khâu quan trọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Làm tốt khâu này sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện GPMB, tạo được sự đồng thuận, công bằng trong GPMB tại các địa phương triển khai dự án, hạn chế đơn, thư khiếu kiện của người dân. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc đất hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.
Thi công đường giao thông liên xã cầu Trắng - Đồng Lợi, xã Tiến Nông đến Quốc lộ 47C, xã Vân Sơn (Triệu Sơn).
Địa phận xã Thọ Tiến (Triệu Sơn) hiện có 2 dự án đường giao thông lớn đi qua gồm: đường Nghi Sơn - Sao Vàng, đường nối đường tỉnh 515C và đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn. Đây là 2 dự án có khối lượng GPMB lớn qua địa phận xã Thọ Tiến khi có hàng trăm thửa đất bị ảnh hưởng. Quy trình, thủ tục thực hiện GPMB mất khá nhiều thời gian, trong đó việc xác định nguồn gốc đất có nhiều điểm phức tạp.
Ông Lê Ngọc Biên, Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến cho biết: Cơ sở pháp lý để xác định nguồn gốc đất phải căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu về quản lý đất đai còn lưu trữ. Hồ sơ không bảo đảm thì phải họp cụm dân cư theo quy trình để làm cơ sở xác định. Xã Thọ Tiến mất nhiều thời gian để tổ chức họp lấy ý kiến dân cư xác định nguồn gốc đất, xác định thời điểm sử dụng đất. Nhiều trường hợp gặp vướng mắc liên quan đến việc giao đất không đúng thẩm quyền, các thửa đất vượt hạn mức đất ở. UBND xã đang phải đấu mối với các phòng, ngành liên quan để tuyên truyền, vận động, tháo gỡ vướng mắc đối với từng trường hợp cụ thể.
Tương tự tại huyện Quảng Xương, vướng mắc trong quá trình GPMB hiện nay cũng liên quan đến việc UBND các xã, thị trấn gặp khó khăn khi thực hiện xác định nguồn gốc; hồ sơ địa chính thất lạc hoặc thiếu; tên chủ sử dụng đất thay đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không theo quy định, không khai báo; thủ tục thừa kế không bảo đảm; một số hộ đi làm ăn xa; có hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất nông nghiệp, các trang trại xã cho thuê hết hạn hợp đồng nhưng không thanh lý...
Ông Chu Đức Khương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quảng Xương, cho biết: Trong quá trình GPMB trên địa bàn, vướng mắc thường gặp phải đó là các công trình, tài sản trên đất nông nghiệp. Các trang trại, nhà cửa xây dựng trên đất nông nghiệp không có căn cứ để bồi thường; khó khăn trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, hạn mức đất ở để thực hiện công tác bồi thường GPMB.
Luật Đất đai quy định cụ thể về các thời điểm sử dụng đất. Mỗi giai đoạn, quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với thửa đất được quy định khác nhau. “Thẩm quyền xác định nguồn gốc đất là tại cấp xã. Đối với cấp huyện, trực tiếp phòng TN&MT huyện là cơ quan tham mưu thẩm định. Tuy nhiên, quá trình xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian, nhiều trường hợp gặp không ít vướng mắc cả khách quan, chủ quan. Khi thẩm định, căn cứ làm sao để thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi người dân mới là vấn đề khó. Nhiều trường hợp không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc đất, mà chỉ bằng lời nói của người dân về nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng. Đối với những trường hợp không có hồ sơ xác định nguồn gốc đất, tùy từng vụ việc cụ thể, phòng TN&MT phải lập quy trình, căn cứ vào kết quả xác minh nguồn gốc đất của cấp xã và các hồ sơ, tài liệu khác để thẩm định thông tin về nguồn gốc đất, từ đó mới có thể thực hiện công tác bồi thường, GPMB”, ông Khương chia sẻ.
Trong năm 2023, Quảng Xương là một trong những địa phương có khối lượng GPMB lớn khi có 20 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích cần GPMB hơn 168 ha, trong đó có cả các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Tính đến trung tuần tháng 11/2023, tổng diện tích đã hoàn thành GPMB đạt 66,04% so với kế hoạch.
Tại huyện Thiệu Hóa, những năm gần đây, trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều dự án với khối lượng GPMB lớn. Riêng trong năm 2023, với 56 dự án được triển khai, huyện đã GPMB xong với diện tích 135,86 ha, đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch tỉnh giao. Thiệu Hóa là huyện đứng trong nhóm dẫn đầu của tỉnh về công tác GPMB. Tuy nhiên, trong quá trình GPMB, địa phương này gặp phải không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Luân, Phó trưởng Phòng TM&MT huyện Thiệu Hóa cho biết: Trong quá trình GPMB, nhiều trường hợp gặp vướng mắc giữa cơ chế và thực tiễn. Cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính không được cập nhật biến động thường xuyên nên khi triển khai GPMB các dự án thường khó khăn và mất nhiều thời gian cho công tác trích đo, xác định thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất. Không ít hộ đất trên giấy tờ, hồ sơ cũ và thực tế mới không đồng nhất, có sai lệch, biến động. Các loại dữ liệu, hồ sơ quản lý đất đai thời kỳ trước đây còn thiếu và yếu, gây khó trong việc xác định nguồn gốc đất ở các xã, thị trấn.
Xác định nguồn gốc đất là công việc phức tạp, nguồn gốc đất không rõ ràng là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở pháp lý khi thực hiện công tác bồi thường, tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện phức tạp. Để tháo gỡ được những vướng mắc, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai, nhà ở, các cơ quan có liên quan cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh từ cơ sở, bảo đảm thực hiện GPMB đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Bài và ảnh: Việt Hương
{name} - {time}
-
2024-12-15 16:15:00
Hoằng Phượng đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
2024-12-15 13:23:00
Quả ngọt trên cát bỏng
-
2023-12-28 09:44:00
Khơi dậy tiềm năng đất đồi Thường Xuân
“Hơn cả một cuộc thi”...
Nghị quyết 11 “tiếp sức” cho người dân khôi phục kinh tế
Agribank Nam Thanh Hóa phát triển các dịch vụ ngân hàng số
“Hô biến” đồi bưởi thành trại cam trăm tỉ
Kết nối hội viên, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập
Dấu ấn trong giải phóng mặt bằng tại Lang Chánh
Người kỹ sư mong muốn nâng tầm nông sản Việt
Sản phẩm công nghiệp xứ Thanh tiếp tục “định vị” trên thị trường quốc tế
Còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 294 của HĐND tỉnh