(Baothanhhoa.vn) - Ven thị trấn huyện lỵ của huyện Như Thanh luôn ồn ào náo nhiệt, có một không gian thanh bình với sặc sỡ sắc màu của những loài hoa. Một mô hình nông nghiệp với hướng đi riêng không chỉ đem lại lợi nhuận từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm, mà còn trở thành địa điểm check in yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Vườn trại ngàn hoa

Ven thị trấn huyện lỵ của huyện Như Thanh luôn ồn ào náo nhiệt, có một không gian thanh bình với sặc sỡ sắc màu của những loài hoa. Một mô hình nông nghiệp với hướng đi riêng không chỉ đem lại lợi nhuận từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm, mà còn trở thành địa điểm check in yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Vườn trại ngàn hoaRất nhiều loài hoa, cây cảnh tại vườn trại chuyên canh hoa của chị Lê Thị Hằng ở thị trấn Bến Sung (Như Thanh).

Đam mê từ giảng đường đại học

Từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Hồng Đức, chị Lê Thị Hằng, quê thị trấn Bến Sung (Như Thanh) đã đam mê và mơ ước về một khu vườn với những loài hoa. Đến năm 2009, khi kết hôn với bạn học thời phổ thông, cũng là kỹ sư tin học mới ra trường, hai người quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp. Khu đất vườn hơn 2.300m2 ở khu phố Xuân Điền, thị trấn Bến Sung mua lại của bố mẹ chị Hằng trở thành nơi đôi bạn trẻ thực hiện ước mơ.

Theo chị Hằng, khu vườn trước đó vốn là khu đất um tùm với cây tạp và chuối nên gần như không hiệu quả. Nhận thấy nhu cầu chơi hoa và cây cảnh của xã hội ngày càng lớn, cộng với đam mê nên vợ chồng chị chọn hoa để khởi nghiệp. Ban đầu là những loài hoa thời vụ mang tính chất làm cảnh cho chính gia đình, rồi phát triển thêm dần chủng loại. Thách thức lớn nhất là vốn đầu tư mua cây giống, rồi kinh nghiệm chưa nhiều khiến một số loài hoa bị còi cọc, hoa phát triển kém. Sau khi đi tham quan, tìm hiểu các mô hình hoa và cây cảnh trong và ngoài tỉnh, vợ chồng chị càng có thêm kinh nghiệm. Qua mỗi mô hình thành công, càng thêm động lực để vợ chồng chủ vườn 8X vững tin gây dựng vườn trại của mình ngày càng lớn mạnh.

10 năm vò võ dạy hợp đồng không lương tại Trường Mầm non Thị trấn Bến Sung, mỗi lúc rảnh việc, cô giáo mầm non Lê Thị Hằng lại về chung tay với chồng chăm sóc khu vườn. Hết giờ buổi chiều, vợ chồng lại chong đèn cắt tỉa, chăm bón vào buổi tối. Từ những đôi bàn tay cần mẫn, đã có hàng vạn chậu hoa lớn nhỏ với đủ loại được đưa ra thị trường. Từ các loại cây trồng lâu năm như hoa giấy, tường vi, mẫu đơn, hoa nhài, nguyệt quế..., đến những cây thời vụ như dạ yến thảo, mười giờ, hoa bỏng, ngọc thảo... đều mượt mà tươi tốt bởi kinh nghiệm và sự cần cù. Trong vườn, nhiều loại cây phong thủy như trầu bà, kim tiền, kim ngân, vạn lộc... cũng được canh tác để phục vụ nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường.

“Chọn hướng canh tác nông nghiệp là hoa và cây cảnh, vợ chồng tôi mong muốn một cuộc sống ấm no và xây dựng không gian xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường quanh ngôi nhà đang sống. Những thành quả bước đầu chính là động lực để gia đình tôi cố gắng hơn nữa, biến những mảnh đất cằn cỗi thành điểm tham quan, check in cho những người yêu thiên nhiên” - chủ vườn trại Lê Thị Hằng, chia sẻ.

Mô hình kinh tế điển hình

Dẫn những vị khách đi thăm mô hình, chị Hằng giới thiệu ý nghĩa từng cây bon sai đến những loài hoa. Hoa giấy ngũ sắc, rồi tường vi, nguyệt quế phủ kín ven các lối đi. Tuyến đường bê tông quanh co rộng chừng 1m dẫn những người tham quan vào một không gian xanh mát với hương thơm thoang thoảng. Hàng trăm các chậu hoa thân thảo được xếp thành hàng theo tầng trên hệ thống giá sắt để tiết kiệm diện tích. Do khu vườn không có những cây cao lớn nên có thể tận dụng từng khoảng sáng, mật độ cây rất dày.

Vườn trại ngàn hoaChủ vườn Lê Thị Hằng chăm sóc cây trong vườn trại của mình.

Để phát triển vườn hoa theo hướng thâm canh, năm 2018, gia đình đầu tư xây dựng hơn 200m2 nhà lưới để ươm cây. Các loại hoa thời vụ được phát triển trong nhà lưới giúp tránh được bệnh sương mai, thối nhũn... mà nhiều mô hình vẫn mắc phải. Giai đoạn 2021-2022, vợ chồng chị Hằng tiếp tục lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, lắp đặt hệ thống camera quản lý vườn... để giảm chi phí nhân công. Được duy trì và chăm sóc tốt nên vườn cây càng đẹp, trăm hoa đua nở, ngày càng nhiều cây cảnh có giá trị được ươm trồng.

Từ sự thành công, cách đây ít năm, gia đình chị Hằng tiếp tục thuê thêm 3.000m2 đất ruộng kế ngay khu vườn để mở rộng quy mô, hình thành khu sản xuất hoàn chỉnh. Một phần diện tích ruộng ấy được trồng sen, tạo các con đường tre luồng đi quanh để thu hút khách tham quan, chụp ảnh. Cuối mỗi vụ sen, việc thu hoạch hạt sen cũng giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập không nhỏ.

Với sự nhạy bén của tuổi trẻ, nữ chủ vườn trại sinh năm 1985 đã áp dụng các hình thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử và kênh mạng xã hội như zalo, facebook. Từng chậu hoa được bao gói cẩn thận, gửi đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Những tiểu thương trong vùng cũng đến trực tiếp để mua hoa. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người yêu hoa đến tham quan, chụp ảnh.

15 năm từ khi manh nha ý tưởng đến từng bước gây dựng, mô hình nông nghiệp mang tên “Vườn hoa Hằng Vinh” đã trở thành mô hình kinh tế vườn trại điển hình của huyện Như Thanh. Gần đây, nhiều đoàn của hội làm vườn và trang trại, hội nông dân các xã, huyện lân cận đã đến tham quan. Theo hạch toán của gia đình, những năm gần đây, lợi nhuận từ mô hình mang lại đạt từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm. 4 lao động thường xuyên tại đây có mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ phát triển kinh tế, một khu tiểu sinh thái góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở địa phương cũng được tạo lập.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]