(Baothanhhoa.vn) - Chỉ chưa đầy 2 sào đất, anh Nguyễn Xuân Hiệu ở thôn 2 xã Nga Phượng (Nga Sơn) đã biến vườn nhà thành khu sản xuất, trao đổi và kinh doanh sinh vật cảnh có tiếng trong và ngoài tỉnh. Từng tấc đất được tận dụng tối đa để trồng cây, cộng với sự bài trí và đầu tư hạ tầng sản xuất hiện đại, Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận “Vườn tiêu biểu quốc gia” cho mảnh đất từng sinh lời cả tỷ đồng mỗi năm này.

Vườn tiêu biểu quốc gia

Chỉ chưa đầy 2 sào đất, anh Nguyễn Xuân Hiệu ở thôn 2 xã Nga Phượng (Nga Sơn) đã biến vườn nhà thành khu sản xuất, trao đổi và kinh doanh sinh vật cảnh có tiếng trong và ngoài tỉnh. Từng tấc đất được tận dụng tối đa để trồng cây, cộng với sự bài trí và đầu tư hạ tầng sản xuất hiện đại, Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận “Vườn tiêu biểu quốc gia” cho mảnh đất từng sinh lời cả tỷ đồng mỗi năm này.

Vườn tiêu biểu quốc giaSự hài hòa giữa khu vườn, nhà ở và cảnh quan tại gia đình anh Nguyễn Xuân Hiệu, xã Nga Phượng (Nga Sơn).

Nằm ngay ven con đường liên xã rộng thênh thang, khu vườn sinh vật cảnh của anh Nguyễn Xuân Hiệu càng trở nên nổi tiếng bởi dễ thu hút được sự chú ý. Qua hàng rào thưa của bức tường bao, chúng tôi đã ấn tượng với những dáng cây kỳ quái, buông tán đẹp đến lạ. Qua chiếc cổng ngõ kiên cố với thiết kế hiện đại, bạt ngàn những chậu cây cảnh lớn nhỏ kê theo hàng lối. Khu sân nhỏ trước nhà cũng biến thành “vườn” bởi được tận dụng đặt cây không còn chỗ trống. Phía đầu sân và cũng là hông nhà, gia chủ xây dựng nhà bát giác để ẩm trà, tiếp khách và thưởng ngoạn những tác phẩm hàng ngày do mình tạo tác. Quanh bộ bàn ghế ngồi dưới mái ngói cong chính là những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật vươn cành tỏa tán. Đây cũng chính là địa điểm để những bạn chơi cây, những chủ vườn trong huyện, rồi ở nhiều nơi thuộc miền Bắc hay về đàm đạo, sẻ chia kinh nghiệm chăm sóc, mua bán cây.

Nhiều người đến đây từng có chung một nhận định, đó là “sự hài hòa”. Hài hòa từ cổng ngõ với sân vườn. Rồi khu nhà 2 tầng lợp ngói khang trang được điểm tô bởi vẻ đẹp của màu xanh cây lá bốn bên bao bọc. Ngay đến những thân cây đặt cạnh nhau cũng tương hỗ cho cảnh đẹp, thấp cao theo tầng để không bị cạnh tranh mà thiếu đi ánh nắng. Dọc các lối đi và hông nhà, là những chậu mẫu đơn, hoa giấy và nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ bốn mùa.

Dẫn những vị khách ra thăm khu vườn phía sau nhà, cũng là khu sản xuất lớn nhất, chủ vườn sinh năm 1979 giới thiệu những “tác phẩm” cây cảnh trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nào cây bồ quân thân thẳng, tán xòe như chiếc lọng tỏa bóng. Những cây khế với số cành phong thủy như được thổi hồn đạt đến độ mang giá trị nghệ thuật. Những loài cây rất quen thuộc của người dân Thanh Hóa như vối, sung, duối, tùng..., qua bàn tay tài hoa và cần mẫn của anh Hiệu, sẽ trở nên có hồn với những hình dáng đẹp mắt. Đây đều là những “đứa con tinh thần” mà anh phải tỉ mỉ, mất nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa để có những dáng hình như ý.

Tâm đắc nhất với anh là cặp sanh cổ dáng trực có tuổi đời gần 100 năm, được anh coi như “báu vật”. Theo anh, tuyệt phẩm này đã từng được người sành cây trả giá gần 2 tỷ đồng từ những năm trước nhưng anh không bán. Thỉnh thoảng có đợt triển lãm cây cảnh ở trong và ngoài tỉnh, anh lại đưa đi giới thiệu để bạn bè bốn phương được chiêm ngưỡng.

Với anh, trồng cây, chơi cây trước hết là đam mê. “Từ đời bố tôi đã ham chơi cây cảnh nên tôi bị “nhiễm” thú chơi này. Nhiều năm sinh sống và lập nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, cứ có tiền là tôi giấu vợ để dành mua cây cảnh. Đến năm 2011, vợ chồng tôi mới trở về quê Nga Sơn sinh sống, tôi quyết tâm cải tạo vườn của gia đình để tiếp tục theo đuổi mô hình vườn sinh vật cảnh đến nay” – anh Nguyễn Xuân Hiệu, chia sẻ.

Thời điểm cách đây 6 - 7 năm trở về trước, hoạt động mua bán, trao đổi sinh vật cảnh ở Việt Nam đang phát triển hưng thịnh, nên vườn cây của anh Hiệu từ thú vui, sau sinh lời và trở thành hoạt động kinh tế hiệu quả. Theo anh Hiệu: “Ban đầu tôi chỉ chơi vì đam mê, sau không nghĩ là có lợi nhuận cao đến vậy. Có cây dại chỉ mua 1 triệu đồng, cắt tỉa uốn tạo ít tháng, có khi bán một vài chục triệu là bình thường. Rồi nhiều cây bon sai lâu năm kết tinh hàm lượng công lao động, có giá trị cả trăm triệu đồng”.

Người vợ là giáo viên không giúp được nhiều nên việc cải tạo vườn, chăm sóc cây cối gần như do mình anh đảm nhiệm. Hằng ngày thức dậy là tưới cây, cả ngày cặm cụi chăm sóc cây đã trở thành nhịp sống của người đàn ông quê cói. Trong quá trình này, anh còn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như tưới thông minh tiết kiệm nước, dùng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bọ hại cây trồng, dùng phân bón hữu cơ... Một số diện tích nhỏ còn lại trong vườn cũng được tận dụng trồng cây ăn quả tầm thấp, xen canh rau màu, cây gia vị phục vụ gia đình...

Từ kinh nghiệm thực tiễn, anh còn phát triển kênh Youtube để hướng dẫn chăm sóc, quảng bá cây cảnh. Nhiều chủ vườn sinh vật cảnh trong nước đã mời anh và các cộng sự đến để giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm như là một chuyên gia.

Sau gần 15 năm hồi hương và kiên định theo đuổi mô hình vườn sinh vật cảnh, anh Hiệu đã gặt hái được nhiều thành công. Từ bàn tay cần mẫn và khối óc sáng tạo, anh đã tạo nên khuôn viên sản xuất hài hòa, độc đáo. Vườn sinh vật cảnh này không chỉ mang lại không gian thoáng đãng, xanh mát cho gia đình và làng quê, mà còn tạo sân chơi, thu hút người yêu cây khắp nơi đến giao lưu. Đây cũng là mô hình sản xuất tiêu biểu để xã Nga Phượng lựa chọn thực hiện chỉ tiêu “Vườn mẫu” trong hành trình XDNTM nâng cao ở địa phương.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]