(Baothanhhoa.vn) - Những lớp tập huấn TOT “Nâng cao kỹ năng phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em, quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ” không chỉ là sân chơi học tập, mà còn là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm sự tự tin cho hàng trăm học sinh THCS, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt. Đằng sau mỗi buổi tập huấn là câu chuyện của sự thấu hiểu, sẻ chia và nỗ lực vun đắp tương lai không bạo lực cho trẻ nhỏ.

Vun đắp tương lai không bạo lực cho trẻ

Những lớp tập huấn TOT “Nâng cao kỹ năng phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em, quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ” không chỉ là sân chơi học tập, mà còn là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm sự tự tin cho hàng trăm học sinh THCS, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt. Đằng sau mỗi buổi tập huấn là câu chuyện của sự thấu hiểu, sẻ chia và nỗ lực vun đắp tương lai không bạo lực cho trẻ nhỏ.

Vun đắp tương lai không bạo lực cho trẻ

Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành thảo luận nhóm trong buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực và bảo vệ trẻ em tại Trường THCS Quảng Hưng, TP Thanh Hóa.

Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiểu biết, các lớp tập huấn về kỹ năng phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em đã thực sự mở ra không gian giao tiếp, tương tác an toàn cho các em học sinh, đặc biệt là những trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2024, Ban Quản lý Dự án “Nâng cao năng lực trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đã phối hợp với các trường học tổ chức 9 lớp tập huấn TOT tại 15 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa và huyện Hậu Lộc. Mỗi lớp có khoảng 30 học sinh tham gia, là đại diện của các trường: THCS Đông Thọ, Quảng Phú, Lê Lợi (TP Thanh Hóa); Trường THCS thị trấn Bút Sơn, Hoằng Phong, Lê Quang Trường, Hoằng Thịnh, Hoằng Đức (Hoằng Hóa) và Trường THCS thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc).

Tiếp nối thành công đó, từ tháng 3 đến tháng 4/2025, 6 lớp tập huấn tiếp theo được tổ chức dành riêng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các trường: THCS Quảng Hưng, Lý Tự Trọng (TP Thanh Hóa); Phú Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Không khí mỗi lớp học là sự kết hợp giữa nghiêm túc và gần gũi, nơi những em nhỏ lần đầu được đặt ra câu hỏi: “Thế nào là hành vi bạo lực?”, “Em có quyền nói “không” khi bị xâm phạm?”, “Làm sao để tìm kiếm sự giúp đỡ?”. Dưới sự hướng dẫn tận tình của tiến sĩ Nguyễn Thị Lý, giảng viên Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, những buổi thảo luận sôi nổi dần giúp các em mở lòng, chia sẻ suy nghĩ và mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân.

Dự án do Tổ chức Terre des hommes - Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ đã và đang tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi không chỉ của học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên và cộng đồng địa phương.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án, phương pháp tập huấn TOT được áp dụng nhằm lan tỏa hiệu quả đào tạo theo mô hình “học sinh - bạn bè đồng hành”. Những học sinh sau khi tham gia lớp TOT sẽ trở thành “tình nguyện viên nhỏ”, có thể tổ chức các buổi truyền thông nội bộ hoặc hỗ trợ bạn bè khi cần thiết. Nhờ vậy, từ một nhóm nhỏ nòng cốt, tinh thần chủ động tự bảo vệ bản thân đang được nhân rộng tại các trường học.

Cô Trịnh Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Hoằng Thịnh cho biết: “Sau lớp tập huấn, tôi thấy học trò tự tin hơn trong giao tiếp. Các em không chỉ học cách ứng phó với hành vi bạo lực mà còn biết cách chia sẻ, lắng nghe bạn bè. Điều này giúp môi trường lớp học trở nên tích cực và gắn kết hơn”.

Đặc biệt, nội dung tập huấn được thiết kế thân thiện, sinh động với hình thức trò chơi, đóng vai tình huống thực tế, vẽ tranh, thi kể chuyện... giúp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng. Không ít em học sinh lần đầu dám chia sẻ câu chuyện bị bắt nạt tại trường, bị ép buộc làm việc nặng tại nhà hay những áp lực tinh thần mà các em âm thầm chịu đựng...

Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đang phối hợp với các nhà trường để duy trì các câu lạc bộ nhỏ về “bạn bè giúp nhau”, tiếp tục tổ chức các cuộc thi, ngày hội truyền thông tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, cha mẹ và giáo viên. Việc trao quyền cho trẻ thông qua kiến thức, kỹ năng và môi trường hỗ trợ an toàn chính là nền tảng để giảm thiểu các hành vi bạo lực thể chất, tạo dựng một thế hệ tự tin và nhân ái.

Trên thực tế, tình trạng bạo lực học đường và bạo lực gia đình vẫn đang tồn tại với những biểu hiện tinh vi và đa dạng. Việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực thể chất không thể chỉ dựa vào chính sách hay khẩu hiệu, mà cần sự nhập cuộc từ chính những người trong cuộc, bao gồm cả trẻ em.

Dự án do Tổ chức Terre des hommes tài trợ đã khẳng định tính cấp thiết và nhân văn khi đi đúng vào “gốc rễ” của vấn đề: nâng cao năng lực nhận diện, kỹ năng ứng phó và sự tham gia tích cực của trẻ em. Quan trọng hơn cả, những buổi tập huấn như thế đang góp phần thay đổi nhận thức xã hội về quyền trẻ em - từ việc thụ động bảo vệ sang chủ động trao quyền. Như lời giảng viên Nguyễn Thị Lý chia sẻ trong một buổi tập huấn: “Hành trình bảo vệ trẻ em không bắt đầu từ những điều to tát, mà từ những giờ học, những ánh mắt tin tưởng, những câu nói dám cất lên. Chúng tôi hy vọng, từ mỗi lớp học hôm nay sẽ có thêm nhiều trẻ biết yêu thương bản thân và dám đứng lên khi cần”.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]