Vì sao “vác mai đi đào khoai” lại chịu thất bại?
Độc giả Vũ Thành Nam (Nam Định): “Đã từ lâu tôi thắc mắc về cách hiểu nghĩa đen của câu “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Tra trên mạng thì thấy trang chunom.net có đưa ra cách giải thích (trích dẫn từ Đại từ điển tiếng Việt) như sau: “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào: Bắt chước không phải lối, không đem lại kết quả, ví như người thấy kẻ khác có khoai ăn cũng vác mai đi đào bới, nhưng kết quả chẳng được gì”. Trang này đưa ra ví dụ “Nhưng họ khác mà tôi khác. Cái nghề văn, kị nhất là cái lối thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào (Nam Cao)”.
Tôi đã từng trồng khoai lang và thấy thu hoạch rất dễ. Chỉ dùng cuốc hay cái cào xáo nhẹ hai bên luống khoai là củ đã lộ ra và có thể dễ dàng thu hoạch được rồi. Vậy tại sao khi thấy người ta ăn khoai mà mình vác mai đi đào khoai thì lại “kết quả chẳng được gì”, rồi gọi đó là “bắt chước không phải lối”?
Rất mong được chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” giải đáp.
Trân trọng!”
Trả lời: Những thắc mắc của độc giả Vũ Thành Nam rất thú vị. Đây cũng chính là nội dung chúng tôi đã có lần đề cập sơ qua trong bài Lại chuyện dốt đặc cán mai, đăng trên chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa (5/2023).
Để hiểu được câu Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu cấu tạo của cái mai.
Cái mai (Hán gọi là thiêu 鍬) là dụng cụ mà cái cán của nó dứt khoát phải làm bằng gỗ. Phần gỗ của lưỡi mai giống như hình cái lưỡi bò hoặc mai mực. Người ta rèn một cái lưỡi sắt giống hình chữ U có ngàm xung quanh để ngậm lấy phần gỗ hình lưỡi bò ấy. Nói cách khác, khoảng hở ở lưỡi mai hình chữ U, được khớp và ngậm chặt lấy phần gỗ hình lưỡi bò của cán mai.
Vì buộc phải làm bằng gỗ, nên chỉ có cán mai mới đặc, đã là cán mai là phải đặc. Còn cán thuổng, cán cuốc, cán xẻng... được làm bằng tre, ít hay nhiều đều rỗng ruột, không thể đặc hoàn toàn như gỗ.
Cán mai dễ gãy ở phần khớp giữa lưỡi mai và cán mai. Theo đây, mai chỉ là dụng cụ để xắn đất mềm, lực tác động nhẹ nhàng (chân đạp lên phần vai của lưỡi mai) để xắn đất ao, làm thủy lợi, hoặc vạt đất ở các thành hố, làm phẳng, tạo hình vuông vắn cho cái hố, cái huyệt, mà trước đó đã được đào sâu bằng thuổng, chứ mai không đào được đất cứng như thuổng. Thế nên tục ngữ Mường có câu Tiệc lài vai tột đáo khú eẻ oong (Tiếc lưỡi mai tốt lại đào xắn đất đá ong).
Vì mai không đào được đất cứng, nên dân gian mới có câu Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào. Khoai ở đây không phải khoai lang, khoai sọ, khoai mì..., mà là khoai mài (tức củ mài), chữ gọi hoài sơn -懷山.
Củ mài hay khoai mài (Dioscorea persimilis), là loài dây leo, họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Khoai mài mọc ở trong rừng, củ ăn sâu hàng mét dưới lòng đất chằng chịt các loại rễ cây và đá sỏi. Mỗi cây khoai mài có 1 - 2 củ hình trụ dài, vỏ ngoài xám nâu, thịt trắng, ăn sâu xuống đất, rất khó đào. Củ khoai mài chứa tinh bột và chất nhầy, có vị ngọt mát, ăn được. Đông y dùng củ khoai mài chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, bạch đới; dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, hoàn tán.
Vì củ mài ăn sâu dưới lòng đất cứng của rừng núi, nên thông thường, muốn đào được khoai mài, phải dùng thuổng, chứ không ai dùng mai, vì mai rất dễ gãy.
Câu Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào đồng nghĩa với câu Thấy người có cá ăn cũng xé chăn làm vó. Theo đó, thấy người có khoai mài để ăn, nhưng không biết, không tìm hiểu xem người ta đã kiếm khoai, đào khoai bằng cách nào, nên thay vì dùng thuổng, thì lại “vác mai đi đào”, nên thất bại. Tương tự, thấy người có cá ăn, cũng bắt chước đi kéo cá. Nhưng thay vì dùng cái vó có mắt lưới dễ dàng lọt nước, thì lại xé cái chăn ra để làm. Cái chăn, dù mỏng đến bao nhiêu mà làm vó thì dẫu cá có vào cũng không thể kéo lên nổi.
Như vậy, Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, ở đây là câu chuyện của kẻ thấy người ta được ăn cũng đua đòi, bắt chước làm theo, nhưng không biết cách làm. Dùng mai để đào khoai mài chẳng khác nào dùng chăn để làm vó kéo cá. Phương pháp làm sai thì phải nhận lấy thất bại là điều dễ hiểu.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2025-02-10 14:09:00
Hai làng nghề đầu tiên gia nhập mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
-
2025-02-10 06:34:00
Liên hoan Lân Sư Rồng mừng xuân 2025: Xác lập kỷ lục Việt Nam
-
2025-02-09 13:13:00
Quan Sơn: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số
Quy hoạch, sắp xếp lại lễ hội
[Podcast] Truyện ngắn: Lời thì thầm của hoa bưởi
Lương Trung gìn giữ, phát huy văn hóa Mường
“Thả rông” - từ chữ đến nghĩa
[E-Magazine] - Bình yên dưới mái hiên nhà mẹ
Khai hội Xuân Yên Tử 2025 với nghi lễ rước kiệu quy mô lớn nhất từ trước tới nay
Hàng ngàn du khách đổ về Am Tiên ngày “mở cổng trời”