(Baothanhhoa.vn) - ... Để giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở khai thác, chế biến đá đã bỏ nhiều công sức tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và sẽ hỗ trợ mức đóng theo quy định của Nhà nước, thậm chí có doanh nghiệp còn đóng cao hơn. Tuy nhiên, người lao động làm nghề đá vẫn “khước từ” quyền lợi của mình.

Vì sao lao động làm nghề đá... chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội ?

... Để giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở khai thác, chế biến đá đã bỏ nhiều công sức tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và sẽ hỗ trợ mức đóng theo quy định của Nhà nước, thậm chí có doanh nghiệp còn đóng cao hơn. Tuy nhiên, người lao động làm nghề đá vẫn “khước từ” quyền lợi của mình.

Vì sao lao động làm nghề đá... chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội ?5 năm gắn bó với cơ sở chế tác đá mỹ nghệ Phương Đông nhưng anh Hoàng Ngọc Cương, xã Minh Tân vẫn không muốn tham gia BHXH dù chủ cơ sở vận động, tuyên truyền.

Doanh nghiệp “tố” lao động... không chịu tham gia BHXH

Ông Lê Văn Đông, chủ cơ sở chế tác đá mỹ nghệ Phương Đông, địa chỉ cụm làng nghề Minh Tân, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), cho biết: Cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của tôi hiện có 7 lao động chuyên làm các công việc xẻ đá, tạc tượng... với mức tiền công dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày/người. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như mong muốn người lao động gắn bó lâu dài với cơ sở, tôi đã nhiều lần vận động họ tham gia BHXH với mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Song, đến nay vẫn không có lao động nào chịu tham gia BHXH. Như thế, người lao động sẽ không có sự ràng buộc, “sẵn sàng” bỏ đi bất cứ lúc nào. Và thực tế, đã có hàng chục thợ giỏi sau nhiều năm làm việc tại đây đã bỏ về tự mở cơ sở riêng, hoặc tìm việc chỗ khác. Vì vậy, việc người lao động làm nghề đá, vào - ra bất cứ lúc nào khi họ muốn đã trở thành “luật bất thành văn” buộc các doanh nghiệp khai thác và cơ sở chế tác đá mỹ nghệ phải chấp nhận.

Cơ sở chế tác đá mỹ nghệ Hồng Nhung ở cụm làng nghề xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) hiện cũng không có lao động tham gia BHXH. Ông Hoàng Văn Hồng, chủ cơ sở cho biết: “Hiện cơ sở có 6 lao động chuyên chế tác các sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh, với ngày công dao động từ 250.000 - 400.000 đồng/ngày/người. Để giữ chân thợ, nhất là những thợ giỏi, tôi đã vận động họ tham gia BHXH nhưng cũng không có ai mặn mà”. Cũng theo ông Hồng, ông rất muốn lao động tham gia BHXH vì khi họ tham gia, ít nhiều có sự ràng buộc với cơ sở. Và như vậy sẽ giảm bớt được tình trạng người lao động nay đang làm cho cơ sở này, mai lại làm cho cơ sở khác. Hơn nữa, việc lao động không tham gia BHXH sẽ đặt cơ sở đó trong tình huống vi phạm Luật Lao động.

Được xếp vào doanh nghiệp khai thác đá có nhiều cố gắng trong vận động lao động tham gia BHXH và đã có lao động tham gia BHXH, song, theo ông Lê Hữu Tính, chủ doanh nghiệp khai thác đá Hương Xuân, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) và ông Lê Văn Thiện, chủ doanh nghiệp khai thác đá Châu Quý, xã Hà Tân (Hà Trung): Đa phần người lao động tham gia đóng BHXH chủ yếu làm ở bộ phận hành chính, quản lý các phân xưởng, còn người lao động trực tiếp sản xuất hầu như không có. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, cán bộ doanh nghiệp đã trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động tham gia và hỗ trợ mức đóng theo quy định của Nhà nước, thậm chí còn đóng cao hơn nhưng người lao động vẫn không mặn mà.

Người lao động nói gì?

Để tìm hiểu thực hư chủ các doanh nghiệp khai thác và cơ sở chế tác đá mỹ nghệ “tố” người lao động không muốn tham gia BHXH, chúng tôi đã gặp gỡ một số lao động đang làm việc tại các mỏ đá xã Hà Tân (Hà Trung) và mỏ đá xã Minh Tân (Vĩnh Lộc). Được biết, việc doanh nghiệp khai thác đá và cơ sở chế tác đá mỹ nghệ “tố” người lao động là hoàn toàn có thật. Theo lý giải của người lao động, việc họ không tham gia BHXH có nhiều lý do. Anh Hoàng Duy Hưng, làm ở bộ phận khoan cắt đá của doanh nghiệp Hương Xuân không muốn tham gia BHXH bởi “tôi không muốn gắn bó lâu dài, làm được đồng nào lấy gọn đồng đó, đóng bảo hiểm làm gì... cho mất công”. Còn với lao động Nguyễn Văn Đại làm ở xưởng đá xẻ của doanh nghiệp Châu Quý “không tham gia bảo hiểm vì tôi còn băn khoăn chưa biết mình có nên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không”.

Ngoài ý nghĩ không muốn gắn bó lâu dài với nghề đá, hay có tư tưởng xin làm ở doanh nghiệp khác, có lao động không tham gia BHXH còn cho rằng: Tham gia BHXH, đồng nghĩa sẽ mất thêm một khoản tiền, trong khi cuộc sống sinh hoạt còn nhiều thứ cần phải chi tiêu - đó là chia sẻ của lao động Nguyễn Văn Hiền, xã Hà Tân (Hà Trung) làm ở xưởng đá xẻ của doanh nghiệp Châu Quý và lao động Hoàng Ngọc Cương, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) làm cho cơ sở chế tác đá mỹ nghệ Phương Đông (cụm làng nghề Minh Tân).

Tuy vậy, dù có những lý do khách quan và chủ quan thì việc người lao động không tham gia BHXH, đồng nghĩa với việc họ đã tự đánh mất đi quyền lợi được hưởng. Đa số người lao động tại các mỏ đá và cơ sở chế tác đá mỹ nghệ không tham gia BHXH bởi họ chưa hiểu hết được lao động làm nghề đá không chỉ đối mặt với khói bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe mà tính mạng của họ cũng luôn bị đe dọa. Vụ tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ đá ở huyện Quan Hóa, thị xã Nghi Sơn (năm 2021 và quý 1-2022) làm 4 người tử vong, những nạn nhân này do không tham gia BHXH nên chỉ được hỗ trợ bằng tấm lòng hảo tâm, chứ không được BHXH chi trả.

Không ai muốn tham gia BHXH để mong được Nhà nước hỗ trợ khi rủi ro. Nhưng nếu tham gia BHXH, người lao động sẽ được chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế do bảo hiểm y tế chi trả; được hỗ trợ khi gặp rủi ro và quan trọng được hưởng chế độ khi hết tuổi lao động và hỗ trợ khi chưa tìm được việc làm nhờ có bảo hiểm thất nghiệp. Để quyền lợi của người lao động làm việc ở lĩnh vực khai thác đá được đảm bảo, nên chăng, các doanh nghiệp khai thác đá cần thay đổi cách tuyên truyền, vận động theo hướng đi vào quyền lợi sát sườn của người lao động khi tham gia bảo hiểm để họ hiểu, dễ nắm bắt và thực hiện. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần phối hợp vào cuộc và có chế tài xử lý thật nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình “phớt lờ” quyền lợi của người lao động là tham gia BHXH. Nếu làm được như vậy, tin rằng tham gia BHXH cho lao động khai thác đá không còn là khó khăn như lời “tố” từ phía các doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]