Về làng cổ Tường Vân
Làng cổ Tường Vân nức tiếng với dòng họ Khương - dòng họ đại khoa bảng rất hiếm hoi của nước ta thời Bắc thuộc.
Đền thờ Khương Công Phụ tại làng Tường Vân, xã Định Thành (Yên Định). Ảnh: Vân Anh
Vẻ đẹp thanh bình, yên ả
Tường Vân, ngôi làng cổ nằm bên sông Cầu Chày, thuộc xã Định Thành (Yên Định) có lịch sử hình thành từ thời các Vua Hùng. Làng nổi bật với nhiều ngọn núi lớn như núi Xon, núi Chùa, núi Lớn... Sách “Lịch sử Đảng bộ” xã Định Thành có ghi: "Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngọn núi Lớn trong làng từng là đài quan sát, nơi cất giữ vũ khí và xây dựng hầm chiến đấu của quân và dân ta. Sau những năm tháng chiến tranh tàn phá, chính quyền và Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng tái thiết làng, chú trọng giữ gìn vẻ đẹp của ngôi làng cổ".
Bởi vậy, đến ngày nay, Tường Vân vẫn giữ được vẻ đẹp thanh bình, yên ả vốn có với sự hiện hữu của cây đa, giếng nước, mái đình cùng những nếp nhà cổ, giếng cổ... Ông Nguyễn Hữu Thanh, Bí thư chi bộ thôn Tường Vân cho biết: “Người dân trong làng vẫn phát huy tinh thần cố kết cộng đồng. Về vẻ đẹp ngôi làng cổ, chúng tôi luôn động viên nhau trân trọng, giữ gìn...".
Ngày 10/3 âm lịch vừa qua, xã Định Thành đã tổ chức dâng hương kỷ niệm 1.220 năm ngày mất Khương Công Phụ, trạng nguyên thời Đường Đức Tông, nhân vật nổi tiếng của Việt Nam và Trung Quốc, hồi cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX. Trong ngày hội làng, hầu hết con em xa quê đã trở về chung vui. Trước ngày hội, người dân làng Tường Vân nói riêng và xã Định Thành nói chung rộn ràng các tiết mục văn nghệ, thể thao, dọn dẹp sạch đẹp khuôn viên đường làng, ngõ xóm... Bà Nguyễn Thị Tuyết, 55 tuổi, người làng Tường Vân cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng. Từ nhỏ đã quen với tiếng trống hội. Năm nào cũng vậy, con em xa quê đều về với hội làng. Năm nay hội lớn, đông vui náo nhiệt. Với tôi, ngày hội là dịp để gắn kết cộng đồng, giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng ở mỗi làng quê...".
Cũng như bà Tuyết, với người dân Tường Vân, chất “keo” để họ háo hức về hội làng không những để hưởng niềm vui mà còn tưởng nhớ đến anh em tiến sĩ họ Khương - dòng họ khoa bảng hiếm hoi của nước ta thời Bắc thuộc. Bởi đây chính là nơi “chôn rau cắt rốn” của Khương Công Phụ và Khương Công Phục.
Và chuyện người làm tể tướng nhà Đường
Theo các cụ cao niên trong làng, từ bao đời nay, làng là điểm hẹn, viếng thăm của rất nhiều danh sĩ và tao nhân mặc khách. Họ đến để tỏ lòng hoài niệm, tri ân với vị tiến sĩ họ Khương. Đến nay, đền thờ Khương Công Phụ đã được công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia. Trong đền vẫn còn tấm bia đá dựng năm Tự Đức 23 (1869) do Đốc học Thanh Hóa là Nguyễn Công Ban biên soạn để tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ đối với vị danh nhân tiêu biểu của nước Việt.
Khương Công Phụ (731-805) từ bé đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tuyệt vời, làu làu Tứ thư, Ngũ kinh và thấu hiểu nghĩa lý trong Kinh thư, Kinh lễ... “Sau hàng chục năm chăm lo học tập, anh em Công Phụ và Công Phục đã vượt qua kỳ thi tuyển của “Hiếu liêm” (tương đương cử nhân sau này) ở Châu Ái. Năm đầu hiệu Nguyên Hưng (784) đời vua Đường Đức Tông, 2 anh em đến kinh đô Trường An của nhà Đường để tham dự khoa thi Tiến sĩ. Sau 4 kỳ thi tài, 2 anh em đã vượt lên nhiều sĩ tử Trung Hoa, đều đỗ Tiến sĩ và hơn nữa người anh lại đỗ đầu với danh hiệu cao nhất là Trạng nguyên” (theo sách “Văn tài võ lược xứ Thanh”).
Trước Khương Công Phụ, nước Việt có Phùng Đái Tri thi đỗ ở phương Bắc được vua Đường Cao tổ hạ lời khen: “Hồ Việt nhất gia”. Tuy nhiên, đỗ Trạng nguyên và giữ chức Tể tướng - đứng đầu triều đình Trung Quốc thì chỉ có duy nhất Khương Công Phụ.
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Khương Công Phụ được làm quan với chức Hiệu thư lang. Với tài trí thông minh, không lâu sau ông tiếp tục dâng lên “kế sách trị nước” được vua Đường Đức Tông coi trọng, cất nhắc làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân. Đặc biệt, nhờ sự kiện ông can gián vua trong việc binh loạn Trường An mà được thăng chức Gián nghị Đại phu Đồng trung thư môn hạ Bình Chương sự, tương đương chức Tể tướng, chức quan cao nhất của nước Đại Đường.
Cuộc đời làm quan của mình, Khương Công Phụ luôn dành hết tâm huyết, trí tài làm tròn bổn phận, giúp ích cho đời. Với tính tình cương trực, thẳng thắn, ông đã nhiều lần can gián vua Đường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ông bị giáng xuống làm Thái sử tả thứ tử. Tiếp đó, ông lại bị biếm chức xuống là Tuyền Châu biệt giá. Đến khi Đường Thuận Tông lên ngôi mới cho ông làm Cát Châu Thứ sử. Tuy nhiên, Khương Công Phụ đã mất trên đường nhậm chức. Em trai ông là Khương Công Phục cũng đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Bắc bộ thị lang.
Khương Công Phụ để lại cho đời 2 tuyệt tác: “Bạch vân chiếu xuân hải phú” và "Chế sách”, được hậu thế đánh giá là “thiên cổ chi tuyệt xướng” (văn phú tuyệt vời kim cổ) được lưu truyền ở Trung Hoa. Bài "Bạch vân chiếu xuân hải phú” còn được xem là tác phẩm văn học thành văn đầu tiên của các tác gia Việt Nam.
Về làng Tường Vân, thắp nén nhang tại đền Khương Công Phụ, lắng nghe câu chuyện đồng lòng XDNTM, hiến đất làm đường, xóa nhà tạm,... để thấy rằng, người dân làng Tường Vân hôm nay vẫn đang nối tiếp mạch nguồn truyền thống văn hóa đáng tự hào của cha ông...
Vân Anh
{name} - {time}
-
2025-04-06 14:00:00
Đặc sắc Lễ hội Mường Xia
-
2025-04-05 10:39:00
Thăm đền Hổ Bái, nhớ công đức người xưa
-
2025-04-04 17:06:00
Trung Võ hầu Lê Trần Giám