(Baothanhhoa.vn) - Thổ cẩm Thanh Hóa nức tiếng với những vẻ đẹp ẩn giấu, hấp dẫn mà phải là người tinh tế mới nhận thấy được từng đường kim, mũi chỉ, từng nét hoa văn chuẩn xác thể hiện sắc thái riêng của mỗi dân tộc, vùng miền. Nhiều năm trước nghề dệt thổ cẩm bị mai một, nhưng với tình yêu, trách nhiệm với nghề, nhiều nghệ nhân đã làm sống dậy nghề dệt thổ cẩm!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống lại nghề dệt thổ cẩm

Thổ cẩm Thanh Hóa nức tiếng với những vẻ đẹp ẩn giấu, hấp dẫn mà phải là người tinh tế mới nhận thấy được từng đường kim, mũi chỉ, từng nét hoa văn chuẩn xác thể hiện sắc thái riêng của mỗi dân tộc, vùng miền. Nhiều năm trước nghề dệt thổ cẩm bị mai một, nhưng với tình yêu, trách nhiệm với nghề, nhiều nghệ nhân đã làm sống dậy nghề dệt thổ cẩm!

Sống lại nghề dệt thổ cẩm

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và huyện thăm, động viên nhóm dệt thổ cẩm bản Poọng, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh.

“Truyền lửa” làm nghề

Đến thăm nhóm dệt thổ cẩm bản Poọng, xã Lâm Phú (Lang Chánh), chị Lương Thị Biên, nhóm trưởng nhóm dệt, nguyên là Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Phú giới thiệu cho chúng tôi từng tấm vải, cách chọn hoa, phối màu. Chị kể, “Đợt này sản phẩm nhiều, chị em mang về nhà tranh thủ làm thêm. Nhóm có 11 chị em đều là những người thích nghề dệt và tâm huyết với nghề. Tay nghề của chị em khá chắc chắn nên có những mẫu mới, tôi triển khai là chị em làm được ngay, làm rất tốt, đúng với yêu cầu của khách hàng”.

Chị Lương Thị Tươi, thành viên của nhóm vừa vấn chiếc khăn, vừa khoe với chúng tôi: “Một chiếc khăn dệt 1 ngày, 1 đêm bán được 200 ngàn đồng. Nếu chăm chỉ làm sẽ có thu nhập khá hơn so với làm nông thuần túy. Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, số lượng đơn hàng có giảm nhưng chị em trong nhóm vẫn cân đối việc và chia nhau làm để bảo đảm ai cũng có thu nhập, ổn định cuộc sống. Sản phẩm dệt thổ cẩm của bản đã bán ra nhiều xã khác và tỉnh Hòa Bình phục vụ khách du lịch. Chị em chúng tôi mừng lắm vì nghề truyền thống đã được sống lại”.

Nhiều chị em trong nhóm chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm có từ lâu nhưng bị mai một. Nuối tiếc nghề dệt truyền thống của quê nhà, thế hệ các bà, các mẹ thường dạy con gái học dệt từ bé để giữ nghề. Chị Biên và nhiều phụ nữ lớn tuổi trong xã luôn trăn trở với nghề nhưng ngày đó, chị Biên bận công tác hội phụ nữ xã nên không có nhiều thời gian sát sao với nghề. Năm 2017 nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, chị toàn tâm, toàn ý dành thời gian, tâm huyết làm nghề với hy vọng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái quê mình vươn ra thị trường bên ngoài. Được Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức dạy nghề dệt cho một số hội viên, phụ nữ xã Lâm Phú và Đồng Lương và thực hiện Dự án: “Bảo tồn truyền thống văn hóa, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc Mường xã Đồng Lương và dân tộc Thái xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, giai đoạn 2018-2019” của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thủ công mỹ nghệ CRAFT LINK, chị Biên và nhiều chị em học nghề coi đây là cơ hội, có chính sách kích cầu, là bệ đỡ cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình phát triển. Thông qua Trung tâm nghiên cứu và phát triển thủ công mỹ nghệ CRAFT LINK, sản phẩm của nhóm dệt thổ cẩm được quảng bá tại các hội chợ triển lãm, giới thiệu cho các đoàn khách du dịch quốc tế... nhờ đó, các loại sản phẩm thổ cẩm của nhóm đã tiếp cận thị trường, nhiều khách hàng biết và tìm đến đặt hàng, thu nhập của mỗi người đạt từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên, góp phần giảm nghèo và duy trì, phát triển nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Thái.

Chị Lương Thị Biên cho biết thêm: “Trải qua bao khó khăn với cuộc sống mưu sinh vất vả, giờ chúng tôi vẫn làm thổ cẩm, mẹ dạy cho con, chị em dạy cho nhau... nghề dệt như đã ngấm vào máu tự lúc nào không biết. Từ khi còn nhỏ đến tuổi xế chiều, âm thanh khung cửi quen thuộc và những tấm khăn, tấm vải may trang phục truyền thống được dệt nên bởi đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị và nay là con, cháu kế nghiệp, tôi phấn khởi lắm. Chị em thoăn thoắt lựa chỉ, luồn thoi, bằng đôi bàn tay, đôi mắt tinh anh... tôi biết, chị em vẫn còn yêu nghề dệt truyền thống quê mình”.

Không để nghề mai một

Hình ảnh bộ váy Mường đen nhánh thướt tha cùng chiếc cạp váy rực rỡ hình rồng quý phái, quyền uy; bầy hươu tung tăng, đàn chim lạc sải cánh miết mải bay... là những hình thêu, đường nét tinh túy, sắc sảo của dệt thổ cẩm dân tộc Mường. Nếu trước đây dệt may thô bằng khâu vá tay, phối màu bằng nhuộm chàm phẩm màu lá cây cối, dễ phai, thì nay nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm đã thay đổi màu bằng hướng phối màu công nghệ giữ màu lâu hơn, chất vải mềm mịn hơn; thay may tay bằng máy nên đường kim mũi chỉ sắc nét hơn, kết hợp phối thêm đồ trang sức, túi xách, khăn choàng, phối màu kim tuyến... đó là cách làm sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của Tổ liên kết (TLK) dệt may thổ cẩm xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc).

Chị Phạm Thị Lãnh, làng Chù, xã Cao Ngọc, chia sẻ: “Sản phẩm của TLK nhằm tôn vẻ đẹp của người phụ nữ dân tộc Mường mà không làm mất đi giá trị truyền thống của dân tộc mình. Vừa duy trì truyền thống bản sắc dân tộc vừa giúp cho các thế hệ phụ nữ mai sau luôn biết đến, gìn giữ và phát huy truyền đời cho nhau nhớ về cội nguồn. Việc thực hiện nghề truyền thống rất khó nên phải nỗ lực tìm tòi, học hỏi, thiết kế mẫu mã đẹp, hợp với người phụ nữ hiện đại mà không mất đi bản sắc dân tộc”.

Năm 2018, Hội LHPN xã Thanh Lâm (Như Xuân) tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về địa điểm và Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ một phần nguyên liệu, tổ chức hội cấp trên kết nối bao tiêu sản phẩm..., các thành viên CLB thổ cẩm Thanh Lâm đã tranh thủ thời gian nông nhàn dệt, may nhiều sản phẩm, trang phục từ nguyên liệu sợi bông, sợi len, tạo việc làm, tăng thu nhập. Sau hơn 2 năm, CLB kết nối với nhiều đơn vị lữ hành ở một số tỉnh phía Bắc để nhận đơn đặt hàng với số lượng lớn; Hội LHPN huyện hỗ trợ kết nối xuất một số đơn hàng; các sản phẩm làm ra chủ yếu bán nội địa và các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình. Bình quân mỗi thành viên có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, giúp một số hộ nghèo thoát nghèo, đặc biệt là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.

Sống lại nghề dệt thổ cẩm

Thiếu nữ dân tộc Thái trong trang phục truyền thống.

Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của nghề dệt thổ cẩm, nhiều địa phương đã có những giải pháp để giữ nghề và phát triển nghề. Huyện Cẩm Thủy lưu giữ, khôi phục nghề trồng bông; trưng bày và bán sản phẩm dệt thổ cẩm tại một số hộ làm dịch vụ du lịch tại suối cá Cẩm Lương; khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề dệt thủ công kết hợp sử dụng máy dệt trong sản xuất để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Huyện Lang Chánh mở lớp học nghề dệt thổ cẩm ở một số địa phương có thế mạnh như Lâm Phú, Đồng Lương, Trí Nang. Huyện Ngọc Lặc giao cho Hội LHPN huyện phối hợp các ban, ngành mở các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; đẩy mạnh tuyên truyền người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết...

Trăn trở để giữ gìn và phát huy được nghề truyền thống của dân tộc, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường, nhưng với lòng đam mê, tâm huyết với nghề, nhiều chị em phụ nữ bản địa đã nỗ lực vượt khó, tìm hướng đi cho nghề dệt thổ cẩm. Đó là các chị Phạm Thị Bảo, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc); Hà Thị Dung ở phố Đòn, xã Lũng Niêm (Bá Thước); các bà Lương Thị Xuyến, xã Đồng Lương, Lương Thị Biên, xã Lâm Phú (Lanh Chánh); Đinh Thị Phiến, làng Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa)... các bà, các chị đã vận động những người có kinh nghiệm dệt thổ cẩm trong xã tham gia dạy nghề, làm nghề, cải tiến nghề nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Bài và ảnh: Lê Hà


Bài và ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]