(Baothanhhoa.vn) - Huyện Quan Sơn nằm ở phía Tây của tỉnh, nơi có cảnh quan hùng vĩ, núi non trùng điệp, nhiều danh thắng lung linh sắc màu huyền thoại. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, phong tục tập quán truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, chính là điều kiện thuận lợi để huyện khai thác, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Quan Sơn phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống

Huyện Quan Sơn nằm ở phía Tây của tỉnh, nơi có cảnh quan hùng vĩ, núi non trùng điệp, nhiều danh thắng lung linh sắc màu huyền thoại. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, phong tục tập quán truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, chính là điều kiện thuận lợi để huyện khai thác, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Huyện Quan Sơn phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống

Lễ rước “Hòn đá vía” trong lễ hội Mường Xia (Quan Sơn).

Đến với Quan Sơn, du khách sẽ ngỡ ngàng và ấn tượng trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của động Bo Cúng nằm trên địa danh bản Chanh, xã Sơn Thủy. Du khách có thể chiêm ngưỡng những kỳ tác thiên nhiên theo trí tưởng tượng đó là những lâu đài thạch nhũ đủ màu sắc hình khối: Hình người như tượng phật tọa trên đài sen, ông già ngồi câu cá, hình gà chọi nhau, nương lúa, nương ngô vàng ruộm và những cánh rừng trải dài bất tận và có khi là một cung điện nguy nga lấp lánh... Cùng với hang động tự nhiên kỳ thú, động Bo Cúng sẽ là sự lựa chọn lý tưởng để du khách dừng chân thưởng ngoạn.

Nơi được cho là mạch sống và tâm hồn của đồng bào Thái Quan Sơn đó chính là suối Xia. Dòng suối trải mình trên bãi đá cuội, đùa giỡn với nắng vàng rực rỡ. Trong ánh hoàng hôn, suối Xia lại hóa mình thành bức tranh thủy mặc huyền bí ẩn hiện thấp thoáng giữa núi rừng hoang sơ. Dòng suối Xia trong xanh, hiền hòa uốn lượn quanh dãy núi Bo Cúng như kể cùng du khách về chuyện làng, chuyện bản nơi đây. Suối Xia còn đặc biệt là điểm giao hòa của tình hữu nghị Việt – Lào. Tại cửa khẩu Na Mèo, bạn thăm thú phiên chợ vùng cao, ngắm dòng suối Xia men theo các chân núi đá vôi thơ mộng, rồi hòa vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông suối.

Nằm ở bản Thủy Sơn, núi Pha Dùa có vẻ đẹp kỳ bí, có hang sâu gọi là hang Dùa. Tương truyền, xưa kia là nơi chàng trai nghèo khó và nàng Lá Nọi cất lời nguyện ước “cùng chết bên nhau để biến vào núi Pha Dùa và lên đỉnh núi cao làm thần Hai Mường”. Từ đó, mỗi độ xuân về, trai gái Mường Xia có tục du xuân vào hang Dùa cầu duyên, cùng nhau chơi cát bên chân núi, ném còn ngoài bãi sông và lắng nghe lời tình tự của đôi trai gái năm xưa.

Tới thăm đền thờ Tư Mã Hai Đào để tưởng nhớ người đã có công gìn giữ biên cương trấn ải, xây dựng bản mường trù phú, đông vui. Gắn với huyền sử về cuộc đời binh nghiệp của Tướng quân Tư Mã Hai Đào là lễ hội Mường Xia. Mường Xia còn gọi là Mường Chu Sàn - vùng đất sơn thủy kỳ thú, nơi giao hòa của dòng suối Xia bắt nguồn từ đất nước bạn Lào đổ về Việt Nam. Khi mùa xuân còn vương trên sắc đào hồng thắm là thời điểm diễn ra lễ hội Mường Xia. Vào các ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch thường niên, hàng vạn đồng bào vùng cao biên giới Việt - Lào cùng du khách muôn phương nô nức kéo nhau về thủ phủ Mường Xia trẩy hội cầu may, cầu phúc, cầu duyên. Trong không gian lễ hội, du khách được tận mắt chứng kiến một nghi lễ văn hóa tâm linh đặc biệt, đó là tục cúng tế “Hòn đá vía”, nhằm bày tỏ lòng tri ân thành kính đối với người anh hùng Tư Mã Hai Đào đã có công bảo vệ bờ cõi biên cương, dựng nên vùng đất Mường Xia đông vui, trù phú. Đây cũng chính là nét nhân văn trong tục “gửi vía” rất riêng đã trở thành tập quán nối đời của người Thái vùng biên xứ Thanh.

Từ lâu, Na Mèo đã trở thành cung đường thú vị với khách du lịch. Từ Mai Châu (Hòa Bình), du khách có thể qua Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi qua Hủa Phăn (Lào) rất thuận tiện. Qua cửa khẩu Na Mèo, du khách có thể đi tham quan Viêng Xay rồi qua Sầm Nưa tới Xiêng Khoảng, bước vào con đường di sản nổi tiếng của Lào. Hành trình đến với Na Mèo là đến với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô bên dòng suối với làn nước trong xanh. Bốn bề là những ngọn núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Chợ phiên Na Mèo không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là địa điểm giao lưu văn hóa thắm đượm nghĩa tình hai nước Việt - Lào.

Sẽ thật thiếu sót khi đến Quan Sơn mà không chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn truyền thống vẫn còn được lưu giữ ở các bản Chanh, bản Hậu, bản Ngàm, bản Khạn... Lúc hoàng hôn buông xuống là khoảnh khắc tuyệt vời để du khách lặng ngắm những mái nhà sàn lúc ẩn, lúc hiện trong khói lam chiều. Lạc bước vào một ngôi nhà sàn xinh xắn, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những sắc màu thổ cẩm bên khung cửi – nơi gửi gắm khát vọng và tâm hồn của các cô gái Thái. Thưởng thức các sản vật tinh hoa của núi rừng như: Cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương... Tận hưởng không khí mát lành của thiên nhiên và những điệu múa, trò chơi dân gian hấp dẫn như: Khặp Thái, hát ru, múa sạp, cồng chiêng, khua luống... để rồi lòng bỗng thấy dịu nhẹ và xốn xang lạ thường. Và hơn cả là sự hồn hậu mến khách của người Quan Sơn, làm cho du khách muốn khám phá nhiều hơn về vùng đất kỳ thú này.

Tiềm năng du lịch của huyện là rất lớn, song vẫn còn nhiều khó khăn, như: Kinh phí hỗ trợ hàng năm hạn chế, việc thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn chưa hiệu quả, lượng khách đến lưu trú dài ngày đạt thấp, sản phẩm du lịch chưa phong phú, nguồn nhân lực còn thiếu... Để khắc phục tình trạng trên, từ nay đến năm 2020, ngoài việc quản lý tốt các khu, điểm du lịch, huyện còn tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục tại khu danh thắng động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) và điểm du lịch bản Ngàm (xã Sơn Thủy). Đồng thời vận động người dân chỉnh trang cơ sở lưu trú, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch, đa dạng các sản phẩm hàng hóa... Đặc biệt, huyện đang xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương là mô hình du lịch xuôi bè đánh chài bắt cá trên sông Luồng, kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp tại các vùng lân cận. Hy vọng mô hình mới này sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, quy hoạch xây dựng phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, huyện cũng đề nghị với tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Tạo điều kiện cho huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án phát triển về du lịch. Hỗ trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng gắn kết với các khu, điểm du lịch; mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho người dân và cán bộ văn hóa ở cơ sở... Huyện cũng sẽ tạo cơ chế để các đơn vị, cá nhân đầu tư vào du lịch trên địa bàn hoạt động thuận lợi. Vì vậy, đòi hỏi không chỉ phát huy nội lực của huyện mà cần phải có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho du khách được tiếp cận, thụ hưởng các giá trị văn hóa, du lịch; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và biến nơi đây trở thành điểm nhấn du lịch của miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]