(Baothanhhoa.vn) - Xác đinh xã hội hóa (XHH) có vai trò quan trọng, không chỉ góp phần vào việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích; mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử trong cộng đồng. Do đó, những năm qua công tác này luôn được huyện Đông Sơn chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Đông Sơn: Hiệu quả từ xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị các di tích

Xác đinh xã hội hóa (XHH) có vai trò quan trọng, không chỉ góp phần vào việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích; mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử trong cộng đồng. Do đó, những năm qua công tác này luôn được huyện Đông Sơn chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Huyện Đông Sơn: Hiệu quả từ xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị các di tích

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa, xã Đông Yên được trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa.

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp về thăm di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Trung Nghĩa, thôn Yên Bằng, xã Đông Yên. Ông Nguyễn Trung Hưng, cán bộ văn hóa xã Đông Yên, cho biết: Đây là di tích lưu niệm danh nhân, nhân vật lịch sử dưới thời Lê sơ, cách đây gần 600 năm. Theo sử sách ghi lại, ông Nguyễn Trung Nghĩa là người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, lập được nhiều công trạng. Do đó, ông được phong ấp và là người có công khai hoang lập ra làng Trung Bình Đông (nay là thôn Yên Bằng). Sau khi ông mất, Nhân dân thôn Yên Bằng và con cháu dòng họ Nguyễn Trung đã lập đền thờ ông ngay tại trung tâm của làng. Đền thờ có 3 gian, 2 chái, khuôn viên rộng và lưu giữ nhiều đồ thờ giá trị, như: sắc phong thần cho Nguyễn Trung Nghĩa, long ngai giao ỷ thần vị, hòm sắc mũ vua ban, bình hương, lư hương bằng đá, kiệu sơn thiếp... Tuy nhiên, trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp, không còn nguyên vẹn. Do đó, dòng họ Nguyễn Trung đã tổ chức họp bàn con cháu, huy động XHH và đề nghị các cấp, các ngành cho tiến hành trùng tu, tôn tạo lại đền. Theo đó, đền thờ được trùng tu trên nền đền cũ, có diện tích là 505m2, với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng (trong đó huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, xã hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại do con em trong dòng họ ở địa phương và những người con xa quê đóng góp). Ngoài đóng góp tiền mặt và hiện vật, con cháu dòng họ trong thôn, xã còn tình nguyện tham gia lao động thu dọn, tháo dỡ, vận chuyển gạch ngói, cát, sỏi, sắt thép... Đáng nói là để tiện cho việc con cháu ở xa quê về, hoặc du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dòng họ đã bàn bạc, thống nhất xin ý kiến và đã được các cấp, các ngành chức năng phê duyệt cho xây dựng khu nhà khách ngay bên ngoài khu đền chính, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đây hoàn toàn là nguồn XHH từ con cháu trong dòng họ đóng góp. Di tích được tu bổ, tôn tạo lại chắc chắn sẽ trở thành điểm tham quan và giáo dục truyền thống cho Nhân dân, nhất là con em trong dòng họ Nguyễn Trung.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều di tích được quan tâm tu bổ từ nguồn XHH trên địa bàn huyện Đông Sơn. Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 33 di tích được xếp hạng (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh). Đi kèm với hệ thống di tích là các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là lễ hội đặc sắc như: lễ hội đền thờ Tể tướng Lê Hy (xã Đông Khê), lễ hội đình Thượng Thọ (xã Đông Hòa), lễ hội Nguyễn Chích (xã Đông Ninh), lễ hội đình Hàm Hạ (thị trấn Rừng Thông)... Tại các di tích như Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, Di tích Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông đã làm tốt việc trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tư liệu, sách, tờ rơi, biển chỉ dẫn, hướng dẫn viên nhằm phục vụ du khách đến tham quan.

Những năm qua, nhằm khuyến khích các địa phương trên địa bàn huy động nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, huyện đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng/1 di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo. Từ năm 2017 đến nay toàn huyện đã có 11 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được triển khai với tổng kinh phí từ tỉnh hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng, từ huyện hơn 16 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa trên 10 tỷ đồng... Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình như: đền thờ Thiều Thốn (xã Đông Tiến); Cụm di tích cách mạng Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông (đình Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống); đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn (xã Đông Yên)... Trao đổi với bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Sơn, được biết: Việc phát huy vai trò của cộng đồng, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đã góp phần không nhỏ trong việc chống xuống cấp nhiều di tích, khôi phục các lễ hội truyền thống; đồng thời phát huy giá trị của di tích trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Hiện, huyện đang phấn đấu mỗi năm đầu tư có trọng điểm 1 dự án tu bổ, phục hồi di tích, kinh phí thực hiện từ ngân sách huyện, xã và từ nguồn XHH; 100% di tích cấp quốc gia có hướng dẫn viên; 100% trường học, cơ sở giáo dục hằng năm có hoạt động về nguồn, tham quan, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di tích và giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên trên địa bàn; 100% cán bộ cấp huyện, xã được tập huấn, nâng cao kiến thức về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Qua đó, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích huyện Đông Sơn giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030”.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]