(Baothanhhoa.vn) - Những mảnh làng ở khắp miền quê Việt có rất nhiều khác biệt về giọng nói. Đó là một trong những yếu tố đặt định, phân giới làng của cuộc sống thôn xóm. Vào làng người dân nói phương ngữ riêng, nếu không được giải thích thì chắc hẳn bạn không thể hiểu hết nghĩa của câu nói. Dưới chân núi Nưa hiện tại, làng Cổ Định, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) là một trong những làng quê vẫn còn giữ được nhiều phương ngữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo phương ngữ Cổ Định

Những mảnh làng ở khắp miền quê Việt có rất nhiều khác biệt về giọng nói. Đó là một trong những yếu tố đặt định, phân giới làng của cuộc sống thôn xóm. Vào làng người dân nói phương ngữ riêng, nếu không được giải thích thì chắc hẳn bạn không thể hiểu hết nghĩa của câu nói. Dưới chân núi Nưa hiện tại, làng Cổ Định, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) là một trong những làng quê vẫn còn giữ được nhiều phương ngữ.

Độc đáo phương ngữ Cổ Định

Người dân làng Cổ Định vẫn sử dụng nhuần nhuyễn phương ngữ trong giao tiếp hằng ngày.

Cách TP Thanh Hóa hơn 20 km về phía Tây, Cổ Định là một làng Việt Cổ được hình thành từ thời Hùng Vương. Nơi đây không chỉ lưu giữ những bằng chứng về một vùng đất cổ có lịch sử hàng vạn năm, mà còn có những giá trị văn hóa xa xưa qua thời gian vẫn được lưu giữ, trao truyền. Ngày nay, nơi đây với đền Nưa – Am Tiêm, hệ thống hơn 40 ngôi nhà cổ với tuổi đời trung bình trên 80 năm đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, có hàng vạn du khách về đây tham quan, chiêm ngưỡng.

Vốn từ vựng mang “thương hiệu” Cổ Định

Chúng tôi về làng Cổ Định, hòa mình vào phiên chợ cuối chiều nhộn nhịp kẻ bán, người mua với đủ loại thanh âm mời chào, mặc cả, ngả giá. Đâu đó, đan xen giữa lớp ngôn ngữ phổ thông, tôi nghe được những ngôn từ không kém phần độc đáo, mà cố gắng lắm, cũng không tài nào cắt nghĩa được: “Bác bán cho tôi cái cổ bà kha” (bác bán cho tôi cái đùi gà); “bà bán cho tôi mấy cân cấu” (bà bán cho tôi mấy cân gạo)...

Mang theo những tò mò được khám phá thứ thổ âm – thổ ngữ ở làng quê này, tôi tìm gặp cụ Lê Thị Côi, 86 tuổi - một trong những cao niên của làng Cổ Định. Thật may mắn, khi đã ở cái độ tuổi xưa nay hiếm, cụ Côi vẫn đón nhận tất thảy những tò mò của vị khách vãng lai như tôi bằng thứ tình cảm đong đầy nhiệt thành vốn có của người làng quê hiếu khách. Cụ say sưa liệt kê ra cơ man thổ âm – thổ ngữ của làng và còn chu đáo chuyển nghĩa sang tiếng phổ thông cho tôi hiểu: “Trốc cún gọi là đầu gối; nác nghĩa là nước; lọ nghĩa là lúa; lả nghĩa là lửa, mói nghĩa là muối; con kha nghĩa là con gà; đi nhửn nghĩa là đi chơi; con mỏn nghĩa là con muỗi; cái bàng nghĩa là cái nắp vung;...”.

Cũng theo cụ Côi, những thổ âm – thổ ngữ độc đáo của làng không biết có tự bao giờ. Chỉ biết từ khi lớn lên, biết đọc, biết viết, cụ đã nói nhuần nhuyễn thứ thổ ngữ này. “Tôi có nghe người già kể lại, phương ngữ của làng đã có từ lâu lắm rồi, chắc phải đến cả ngàn năm. Ở làng có nhiều người đỗ đạt, thành danh, đi khắp nơi công tác, lập nghiệp, ấy vậy mà, cứ về đến quê là lại mang thứ thổ ngữ bình dị, chân quê này ra mà say sưa hàn huyên” - cụ Côi chia sẻ thêm.

Để hiểu hơn về thổ âm – thổ ngữ tạo nên bản sắc của làng Cổ Định, tôi tìm gặp cụ Lê Ngọc Bá, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Triệu Sơn. Thời còn công tác, cụ đã có hơn 30 năm làm nghề giáo viên. Nhiều lớp cán bộ địa phương vốn là học trò của cụ. Năm nay đã bước sang tuổi 98, cụ Bá là một trong số ít người còn tường tận về vốn thổ ngữ độc đáo này. Trong số tập tài liệu của cụ Bá, tôi tình cờ đọc được một đoạn hội thoại: “Giẩu tru đếch xong, bốc chi đớp?”. Chiều về bà lại quát con: “Kêu mi vô rú, răng tru viền đướn ăn lọ?”. Thằng con khóc: “Ai hay chi mô. Tru mềnh hướn, lè lản liếm tru cấy, lồng chặn bứt đứt chạc. Con chặn theo rạc cẳng, bổ ở ruộng cằn, rọt lộn lên cần cổ, trớt hết bộng, bể cả trốc cún. Chưa chậy bới cấy chi”. Bà mẹ quát: “Học không học, giẩu tru không xong, ăn cho tốn cấu”. Thấy tôi ngơ ngác, bà Lê Thị Trâm, 64 tuổi, người con gái thứ 4 của cụ Bá niềm nở diễn giải theo tiếng phổ thông: “Bà mẹ hỏi, giữ trâu không xong, lấy cái gì mà ăn? Bảo mày vào rừng, sao trâu lại về dưới ăn lúa?”. Đứa con trả lời: “Ai biết gì đâu. Trâu mình động đực, lè lưỡi liếm trâu cái, lồng lên chạy đứt dây thừng. Con chạy theo mỏi cả chân, ngã ở ruộng, ruột bắn lên cổ, rách hết bụng, vỡ cả đầu gối. Giờ mẹ chửi cái gì”. Câu cuối cùng nghĩa là “học không học, chăn trâu không xong, ăn cho tốn gạo”.

Giữ tiếng nói xưa cho đời sau...

Nhớ đến câu chuyện của bà Lê Thị Gái, 72 tuổi, làng Cổ Định, về cái lần đầu ra Hà Nội trông cháu cho con vợ chồng con trai cả. Đó là kỷ niệm của hơn 6 năm về trước. Hôm đó, bà bị lỡ chuyến xe, nên đến tận tối mò mới đặt chân xuống bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Cảnh nhốn nháo của phố thị xô bồ đã khiến đôi chân bà lạc bước. Con trai hốt hoảng gọi điện, bà thì chỉ biết hoảng loạn, khóc lóc. Ấy vậy mà, chính trong những phút giây éo le ấy, món quà bất ngờ lại tìm đến. Câu nói: “Trời tún lắm, tún tùn tun à, mẹ sợ lắm!” (Trời tối lắm, tối thui thui à, mẹ sợ lắm) mà bà nói chuyện với con trai qua điện thoại đã vô tình lọt vào tai của một người xa lạ. Và người đó nhận ra sự thân quen nơi bà. “Bà có phải người làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa không?”. Câu hỏi rất đỗi bình dị đó, cùng với cái gật đầu chân quê, đã đưa bà Gái về tới nhà cậu con trai an toàn. Người xa lạ mà bà Gái bắt gặp tối hôm đó, chính là người con Cổ Định xa quê lâu năm. Họ gặp nhau, nhận ra nhau, tương trợ nhau bằng chính thứ tài sản phương ngữ của địa phương mình. Người đi làm ăn lập nghiệp xa quê, khắc khoải nhớ quê là một việc, họ còn nhớ đến cái giọng quê. Với bà Gái, sau kỷ niệm khó quên tối hôm đó, bà luôn tâm niệm phải giữ gìn và truyền dạy lại vốn thổ ngữ độc đáo này cho con cháu. Bà xem đó như cách thức để uốn nắn thế hệ mai sau nhớ về cội nguồn, dù đi xa thành danh lập nghiệp, vẫn vững lòng với nơi chôn rau cắt rốn.

Hiện nay, thế hệ người già (từ 60 tuổi trở lên) ở làng Cổ Định hằng ngày vẫn dùng tiếng cổ để nói chuyện với nhau. Còn lớp người trung niên, thanh niên và các cháu thiếu niên, nhi đồng đều dùng tiếng phổ thông như mọi địa phương khác để giao tiếp hằng ngày tại công sở, trường học, nơi công cộng. Còn khi ở nhà, các cụ già vẫn thường xuyên truyền dạy tiếng Cổ Định cổ cho con cháu. Người ở làng nói tiếng quê mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày trở thành quen thuộc. Ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa xã Tân Ninh, cho biết đang tích cực sưu tầm các tài liệu, thư tịch cổ viết về lịch sử, tiếng nói cổ của làng Cổ Định, để ghi lại phục vụ nghiên cứu, giới thiệu với du khách và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương. Trong đó, việc giữ gìn phương ngữ của địa phương cũng rất được quan tâm.

Người dân làng Cổ Định chia sẻ với tôi, họ luôn một lòng trân quý lớp phương ngữ độc đáo từ thời xa xưa mà cha ông để lại. Trách nhiệm của mỗi người là duy trì, gìn giữ lớp phương ngữ này, để tạo nên nét riêng biệt giữa dòng chảy văn hóa chung của vùng miền xứ Thanh và cả nước.

Bài và ảnh: Trường Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]