“Văn hóa dân gian biển, đảo xứ Thanh như chất men say ngấm vào đời tôi”...
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực bền bỉ, đúc rút từ những trải nghiệm, nghiên cứu, tích lũy, tiến sĩ Hoàng Bá Tường đã cho ra mắt bạn đọc tập sách công phu, dày dặn “Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh” như kết tinh của tình yêu và tâm huyết, trí tuệ.
Xã đảo Nghi Sơn (nay là phường Nghi Sơn). Ảnh: Đăng Khoa
Tiến sĩ Hoàng Bá Tường là người con làng biển xưa có tên Kẻ Khả, nay là tổ dân phố Đoan Hùng, phường Hải Bình, tỉnh Thanh Hóa. Trong hơi thở đầu tiên của ông đã có vị mặn mòi của biển. Tuổi thơ ông dần lớn lên trong những khúc ru, truyền thuyết, huyền thoại gắn với các vị thần biển huyền bí, linh thiêng. Biển trong ông là tình yêu thương vô hạn dành cho gia đình, người thân, bè bạn và cũng là nơi lưu giữ vùng ký ức quý giá. Văn hóa dân gian biển, đảo như chất men say đã ngấm vào đời ông.
Từ xưa đến nay, biển luôn có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống nhân loại. Cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc hướng về phía biển, phát triển bền vững từ tọa độ biển mở ra những không gian, dư địa mới, trở thành định hướng chiến lược của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, các địa phương có biển.
Tỉnh Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái ban tặng đường bờ biển dài 102km. Đây không chỉ là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, lộc biển dồi dào đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân, mà còn là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, động lực thúc đẩy kinh tế và nơi lắng đọng, lưu giữ những giá trị lịch sử, tinh hoa văn hóa đa dạng, đặc sắc.
Là một người sinh ra và lớn lên trên vùng đất biển, ngay từ khi còn trẻ, tiến sĩ Hoàng Bá Tường có điều kiện đi dọc bờ biển xứ Thanh để khai thác, ghi chép, sưu tầm tư liệu trong dân gian, do người dân làng biển cung cấp. Trong lời ngỏ cùng bạn đọc, tiến sĩ Hoàng Bá Tường bộc bạch: “Khi còn học trong trường đại học, hằng năm cứ mỗi kỳ nghỉ hè, tôi lại đến các làng quê biển, tới đảo Nghi Sơn, nơi có người cô ruột lấy chồng đảo Biện để hỏi chuyện, ghi chép, sưu tầm những câu chuyện kể, bài vè, câu hò, lời hát của những người dân biển với sự thích thú, ham mê và cho đến hôm nay, tôi vẫn dặn mình: học trong dân gian, học trong sách vở, học thầy, hỏi bạn... chưa bao giờ là đủ”.
Cùng với đó, tiến sĩ Hoàng Bá Tường đã dày công tìm hiểu, tiếp thu, bổ sung thêm những kiến thức từ tư liệu, tài liệu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về văn hóa biển có uy tín trong và ngoài tỉnh. Để rồi sau nhiều cố gắng, nỗ lực bền bỉ, đúc rút từ những trải nghiệm, nghiên cứu, tích lũy, tiến sĩ Hoàng Bá Tường đã cho ra mắt bạn đọc tập sách công phu, dày dặn “Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh” như kết tinh của tình yêu và tâm huyết, trí tuệ.
Với dung lượng khoảng 1.000 trang, sách “Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh” được bố cục gồm 5 phần: Truyện kể miền biển xứ Thanh; Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, vè, dân ca; Tín ngưỡng, lễ hội; Nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực; Văn hóa dân gian làng biển và xã đảo tiêu biển xứ Thanh. Mỗi phần được trình bày dưới dạng nhiều chương khác nhau. Qua từng phần, từng chương, tiến sĩ Hoàng Bá Tường tựa hồ như người hướng dẫn viên, đại sứ đưa du khách “lặn ngụp” vào sâu bên trong không gian văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh phong phú, ấn tượng, vừa hội tụ những nét chung của biển khu vực Bắc Bộ vừa mang những nét riêng của văn hóa biển Bắc Trung bộ, Việt Nam.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Bá Tường (người bên phải ảnh) đi khảo sát thực tế tại xã đảo Nghi Sơn (nay là phường Nghi Sơn).
Cư dân Việt cổ miền duyên hải xứ Thanh gắn bó với biển từ khá sớm. Từ bao đời nay, các thế hệ người dân nơi đây với tâm hồn rộng mở và giàu trí thông minh, họ đã sáng tạo và trao truyền nhiều di sản văn hóa truyền thống, in đậm trong tâm thức dân gian từ đời này qua đời khác. Đó là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, những câu tục ngữ, ca dao, dân ca hay kho tàng truyền thuyết, huyền thoại về các vị nhân thần, nhiên thần, nhân vật người khổng lồ có khả năng đào biển, gánh núi, đào sông, lấp bể và cuộc sống lao động sản xuất gắn với những con người quen “ăn sóng, nói gió”, với tâm thế “có cứng mới đứng đầu gió” nhưng lại có tâm hồn hiền hậu, phóng khoáng... Di sản văn hóa biển, đảo Thanh Hóa trải qua thời gian đã kết tinh thành giá trị, phản ánh tâm hồn, nghị lực và khí chất của mỗi con người nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành hành trang, động lực giúp cho người dân biển, đảo xứ Thanh vươn tới, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Kho tàng tri thức đồ sộ về văn hóa dân gian biển - đảo được trình bày trong cuốn sách này là kết quả được đắp đổi từ những năm tháng dày công lặn lội đến khắp các vùng biển quê Thanh, gặp gỡ biết bao con người nhằm đào sâu vào từng lớp lang, vỉa tầng lịch sử - văn hóa, gạn lọc trong kho tàng tri thức dân gian để thấy được “những hạt bụi vàng” lấp lánh. “Sức nặng”, giá trị của cuốn sách không nằm ở dung lượng mà chính là khối lượng thông tin, kiến thức cùng những kiến giải tường minh của tác giả trong nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa không gian biển - đảo xứ Thanh, một đề tài rộng lớn, bao quát và đa tầng, đa sắc thái.
PGS.TS Mai Văn Tùng khẳng định: "Đây là công trình khoa học lớn nhất từ trước tới nay về văn hóa biển, đảo xứ Thanh, có tính chất khảo cứu, sưu tầm, khai thác và kế thừa tốt hệ thống tư liệu phong phú, có độ tin cậy cao về mặt khoa học. Chính vì vậy, tôi coi đây là công trình quan trọng số một về biển, đảo xứ Thanh, có thể sử dụng tra cứu về văn hóa dân gian biển, đảo xứ Thanh góp phần vào bức tranh tổng thể văn hóa biển, đảo Việt Nam”.
“Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh” là một trong những mảng màu tươi đậm trong bức tranh tổng thể của văn hóa biển, đảo Việt Nam phong phú và đặc sắc. Trong xu thế hội nhập, giao lưu và phát triển văn hóa ngày càng mạnh mẽ, những giá trị của văn hóa dân gian biển, đảo xứ Thanh cần phải được coi trọng, phát huy tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: "Cuốn sách là tập hợp các công trình, là chủ đề nóng hiện nay cả về chính trị, khoa học và luật pháp... Đây sẽ là tài liệu hữu ích không chỉ với khoa học mà còn thể hiện tư duy, tầm nhìn gắn kết được truyền thống với hiện tại, đồng thời dự báo được bối cảnh tương lai”.
Đăng Khoa
{name} - {time}
-
2025-07-05 23:07:00
Những “điểm hẹn” ngày hè
-
2025-07-05 21:17:00
Dấu ấn màu xanh trên những nẻo đường
-
2025-07-04 21:30:00
Đến chúa sơn lâm cũng phải... “run sợ”!
[E-Magazine]: Ngang qua cơn mưa mùa hạ
Vinamilk đồng hành cùng liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng: Tôn vinh sáng tạo ngành điện ảnh
Khai trương VinWonders Vũ Yên - Tâm điểm vui chơi giải trí và vườn thú lớn nhất miền Bắc
“Tiếp lửa” cho văn nghệ dân gian trong lễ hội truyền thống
Hành trình của những thước phim lưu động
[Podcast] - Tản văn: Gặp lại hương chay
Chính thức khởi động cuộc thi tôn vinh nữ doanh nhân trên toàn cầu
Khán giả Phenikaa tại COLORSTORM 2025
Ba huyền thoại bóng đá Michael Owen, Ryan Giggs, Paul Scholes trải nghiệm Ba Na Hills