(Baothanhhoa.vn) - Làn sóng biểu tình, bạo loạn diễn ra những ngày qua trên khắp nước Pháp, sau đó lan sang tới Bỉ và Thụy Sĩ đã tác động tới hầu khắp mọi lĩnh vực và làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh cách thức chính phủ Pháp đối mặt với các vấn đề vốn đã tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội của quốc gia này.

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Làn sóng biểu tình, bạo loạn diễn ra những ngày qua trên khắp nước Pháp, sau đó lan sang tới Bỉ và Thụy Sĩ đã tác động tới hầu khắp mọi lĩnh vực và làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh cách thức chính phủ Pháp đối mặt với các vấn đề vốn đã tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội của quốc gia này.

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Xe buýt bị đốt phá trong các cuộc biểu tình bạo loạn tại Aubervilliers, phía bắc thủ đô Paris, Pháp, ngày 30/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN).

Tình trạng hỗn loạn hiện nay đã phản ánh một xã hội Pháp với ngày càng nhiều bất ổn, những điểm yếu trong các chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ, hệ thống pháp luật và những rạn nứt sâu sắc khởi nguồn từ tình trạng nhập cư ồ ạt thậm chí có phần thiếu kiểm soát.

Ngày 27-6, một thanh niên 17 tuổi gốc Algeria là Nadel Merzouk bị cảnh sát Pháp bắn chết trong lúc kiểm tra giao thông tại vùng ngoại ô Nanterre, thủ đô Paris. Hệ quả là, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra tại hàng loạt các thành phố lớn như Marseille, Lyon, Toulouse, Lille… sau đó leo thang thành các cuộc bạo loạn. Một tuần kể từ khi các cuộc bạo loạn diễn ra, ước tính đã có khoảng hơn 2.000 xe ô tô bị đốt, 500 tòa nhà bị phá hỏng, gần 3.000 người bị bắt giữ. Các hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ bán lẻ trong nước cũng bị đình trệ khi đang bước vào cao điểm du lịch hè 2023. Các chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bị rút ngắn để kịp thời xử lý các vấn đề trong nước. Thế vận hội Olympic 2024 tại Pháp có thể bị hủy bỏ nếu các cuộc bạo loạn tiếp tục kéo dài. Tồi tệ hơn, làn sóng biểu tình bùng lên thành các cuộc bạo loạn tương tự đã lan sang các quốc gia lân cận như Bỉ và Thụy Sĩ.

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Người dân ở nhiều thành phố của Pháp đã xuống đường trong đêm thứ 5 liên tiếp để đòi công lý cho Nahel, thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết. (Ảnh: LE MONDE).

Trong những năm qua, bản thân nước Pháp đã là tâm điểm của các cuộc biểu tình, bạo loạn tại châu Âu. Đặc biệt, từ giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống năm 2017 của ông Macron, làn sóng biểu tình đã liên tiếp xảy ra, tiêu biểu là cuộc biểu tình “Áo vàng” năm 2018 kéo dài suốt 10 tháng và cuộc biểu tình hữu trí vừa kết thúc vào tháng 6 - 2023. Rõ ràng, đây là một vấn đề có tính hệ thống, và mầm mống của vấn đề không phải chỉ đơn thuần từ những biểu hiện bề mặt hay chỉ là những lý do đơn lẻ như giải thích của chính phủ Pháp.

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Cảnh sát trấn áp những người tham gia biểu tình tối 2/7 (Ảnh: REUTERS).

Chính phủ Pháp cho rằng nguyên nhân của tình hình bất ổn hiện nay xuất phát từ các tác động của Internet và các trò chơi điện tử. Những hình ảnh được ghi lại từ hiện trường vụ cảnh sát bắn chết Nahal đã bị các phe đối lập lợi dụng và lan truyền trên khắp các nền tảng mạng xã hội; đồng thời, kêu kích động người dân đứng lên giành lại công bằng cho cậu bé gốc Phi. Đã có nhiều bình luận cho rằng, thực chất, chính các nhà lãnh đạo cánh hữu và các phần tử cực hữu chống đối chính phủ đã đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Thêm vào đó, phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp, Tổng thống Macron nhấn mạnh, Internet có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ vị thành niên khi bắt chước các hình thức bạo lực trong các trò chơi phi thực tế. Snapchat và Tiktok cần có trách nhiệm trong việc gây ra các hành vi bạo lực ở trẻ vị thành niên khi tham gia vào các cuộc biểu tình. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ Pháp, trong số những người bị bắt do các hành vi quá khích trong các cuộc bạo loạn, có khoảng hơn 30% là trẻ vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi.

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Người biểu tình ở Nanterre giơ cao biểu ngữ “Công lý cho Nahel”. (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, thực chất, mầm mống của bạo loạn có thể được nhìn nhận từ những bất ổn, mâu thuẫn nằm sâu trong lòng xã hội Pháp bấy lâu nay. Một mặt, Pháp là nhà nước thế tục luôn tôn trọng các giá trị Tự do - Bình đẳng và Bác ái. Điều 1 trong Hiến pháp của Pháp đã khẳng định đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tôn giáo; Đạo luật năm 1978 cũng cấm thu thập thông tin về chủng tộc, sắc tộc. Do đó, Pháp đã triển khai nhiều chính sách cởi mở với người nhập cư. Kể từ năm 1995, Pháp đã khởi xướng một loạt các thỏa thuận liên kết với các quốc gia phía Nam và phía Đông Địa Trung Hải để tiếp nhận công dân nhập cư thông qua đầu tư vào nền kinh tế địa phương. Kết quả, Pháp là một trong những điểm đến lý tưởng của nhiều tôn giáo, sắc tộc trên thế giới.

Mặt khác, các cuộc bạo loạn trong thời gian vừa qua cũng phản ánh những bất cập trong việc hoạch định và triển khai các chính sách , đặc biệt là chính sách đối với người nhập cư của chính phủ Pháp. Trước tiên, các cuộc bạo loạn vừa qua đã thể hiện sự bất mãn của một bộ phận lớn những người nhập cư trước nạn phân biệt chủng tộc trong các cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, sự kiện còn cho thấy những điểm yếu kém trong việc thi hành các chính sách mới của Tổng thống Macron như bãi bỏ thuế tài sản, nhập cư không kiểm soát, cải thiện giáo dục và tuổi hưu trí…

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Cảnh sát dập lửa một chiếc xe bị người biểu tình đốt ngày 27/6. (Ảnh: AFP).

Do tình hình kinh tế căng thẳng hậu đại dịch COVID-19 và những mối đe dọa an ninh mới, Pháp đã bắt đầu thắt chặt các chính sách nhập cư. Tháng 12-2022, Chính phủ Pháp đã công bố những điều chỉnh trong dự thảo luật nhập cư nhằm đẩy nhanh thủ tục và trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật và đe dọa an ninh thuộc địa. Nguy cơ bị trục xuất ngày càng lớn đã tạo ra cảm giác lo sợ và căng thẳng cho nhiều người nhập cư tại Pháp. Đồng thời, tạo ra những khoảng cách ngày càng lớn và rõ rệt giữa những người gốc Pháp và những người nhập cư tại Pháp.

Thêm vào đó, Đạo luật cấm thu thập thông tin về chủng tộc và tôn giáo cũng dẫn tới việc các cơ quan nhà nước không thống kê số lượng người da màu không được hưởng sự bình đẳng về giáo dục, tìm kiếm việc làm hoặc bị phân biệt đối xử khi tiếp xúc với cảnh sát… Điều này đã gây khó khăn cho việc xác định các khu vực có số lượng người da màu và các vấn đề liên quan đến sự bất bình đẳng của họ để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý các vấn đề mâu thuẫn. Sự bất bình đẳng trong xã hội Pháp ngày càng bị khoét sâu bởi sự mơ hồ của pháp luật đối với việc cảnh sát được sử dụng súng khi dừng các phương tiện giao thông. Năm 2017, Thượng viện Pháp đã phê chuẩn một đạo luật cho phép cảnh sát có nhiều quyền hơn trong việc sử dụng súng nếu người lái xe không tuân thủ lệnh dừng giao thông. Sau khi luật được ban hành, nhiều vụ nổ súng dẫn đến tử vong đã xảy ra, phần lớn trong số đó là những người da màu.

Dù đã triển khai một vài biện pháp tạm thời nhằm dập tắt các cuộc bạo loạn nhưng nước Pháp vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp toàn diện nhằm nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề bất bình trong xã hội. Các biện pháp này chủ yếu chỉ dừng lại ở việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, huy động thêm lực lượng cảnh sát và xe bọc thép. Thậm chí, việc sử dụng bạo lực với những người biểu tình càng khiến cho sự phẫn nộ người dân và nguy cơ lan rộng sang các quốc gia lân cận gia tăng.

Vấn đề bạo loạn tại Pháp - hệ quả của những bất cập dai dẳng không được giải quyết

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thành phố Marseille ngày 27-6. ( Ảnh: REUTERS).

Có thể nói, những mâu thuẫn về giai cấp, kinh tế, sắc tộc tại nước Pháp là yếu tố sâu xa dẫn đến cuộc bạo loạn tại Pháp vừa qua. Vấn đề cân bằng giữa việc tôn trọng quyền tự do, bình đẳng giữa các tôn giáo, sắc tộc với việc giải quyết những mâu thuẫn vốn đã tồn tại dai dẳng giữa các tầng lớp và thành phần khác nhau trong xã hội, là bài toán khó đối với bất kỳ Chính phủ nào tại Pháp. Nếu những mâu thuẫn nội tại, sự bất mãn âm ỉ trong lòng xã hội chưa được giải quyết một cách triệt để thì khả năng các cuộc biểu tình, bạo loạn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới trên đất Pháp. Từ sự bất ổn của Pháp hiện nay, nhiều quốc gia Tây Âu và Mỹ, nơi có lượng người nhập cư không ngừng tăng cao, có lẽ cũng sẽ cần cân nhắc và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Chí Nam - Ngọc Mai


Chí Nam - Ngọc Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]