Ước vọng ngày xuân
Đầu đầu xuân lên chùa lễ Phật hay vào bất cứ nơi linh thiêng nào, mỗi người đều có ước nguyện cho riêng mình, nhưng hơn tất cả là ước nguyện về một sự phát triển lớn mạnh của đất nước, mong cầu quốc thái dân an.
Ngày xuân nhiều du khách tìm về những nơi thiêng như một nhu cầu tâm linh chính đáng.
Mùa xuân đã về với non sông, nắng xuân ngập tràn, lòng người hân hoan đón xuân sang. Trong khúc xuân ca, ta càng thêm nhận ra rõ hơn ước nguyện của lòng người. Vượt lên tất cả mong ước cho riêng mình, là ước nguyện về một nền hòa bình trên toàn thế giới.
Dễ hiểu thôi, bởi hòa bình là gốc rễ của sự thịnh vượng. Bất cứ quốc gia, dân tộc, hay châu lục nào cũng cần hòa bình để hòa mình vào thế giới đại đồng. Có hòa bình mới có kinh tế phát triển, thúc đẩy được giao thương, giải quyết được việc làm và gia tăng thu nhập cho người lao động.
Thế giới vừa trải qua một giai đoạn đỉnh điểm của sự tàn phá bởi thiên tai, dịch bệnh, và tiếp nối là những bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở nhiều khu vực. Trong nỗi đau ấy, chúng ta càng mong cầu, thấm thía giá trị của hòa bình. Ở một đất nước bình yên và đang trên đà phát triển như Việt Nam, khi nhìn lại lịch sử đau thương của dân tộc sau nhiều năm lâm cảnh chiến tranh, chúng ta càng cầu mong hòa bình sẽ đến với Nhân dân trên khắp thế giới, để mở ra những cơ hội mới cho kinh tế, ngoại giao, văn hóa, trong đó có cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu hơn, phát triển mạnh hơn...
Đầu đầu xuân lên chùa lễ Phật hay vào bất cứ nơi linh thiêng nào, với mỗi người đó chính là khát vọng tâm linh, biểu đạt về một mong muốn hòa bình, hòa hiếu và thịnh vượng. Mỗi người có ước nguyện cho riêng mình, nhưng hơn tất cả là ước nguyện về một sự phát triển lớn mạnh của đất nước, mong cầu quốc thái dân an.
Xin và cho chữ tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng mùng 4 tết.
Trong dòng người du xuân, tại một trong những nơi linh thiêng ở TP Thanh Hóa - Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi chắp tay khấn cầu, hòa vào nguyện vọng chung cùng những người có mặt thành kính trước Bác Hồ. Câu khấn nguyện đầu xuân lên Bác không gì hơn chính là mong mỏi mãi mãi quốc thái dân an. Đất nước đã hòa bình nhiều năm, và bây giờ trong giai đoạn phát triển mới chúng ta phải tiến lên, đưa con tàu đất nước cập những bến bờ của sự hùng cường, thịnh vượng. Di nguyện của Người về một Việt Nam phát triển sánh ngang với bè bạn năm châu đang được các thế hệ cháu con cụ thể hóa, và trong hành trình vươn ra biển lớn, con cháu luôn mong mỏi Người với sức mạnh phi thường tiếp tục là độ thế, chỗ dựa tinh thần để cháu con tiến bước. Mong mỏi trước Người, cũng chính là một cách thể hiện quyết tâm của mình.
Ở nơi linh thiêng này, năm nào cũng vậy, đều diễn ra không gian trình diễn thư pháp và cho chữ đầu xuân. Số người đến xin chữ ngày càng nhiều hơn, và chúng ta dễ nhận ra những chữ mà người xin cầm trên tay đều biểu đạt ước vọng rất lớn lao. Người trẻ xin chữ học, chữ thành, chữ hưng để mong muốn học hành tấn tới, sự nghiệp phát triển, thành công hơn trong công việc, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Nhiều người thì xin chữ khang, chữ thái, chữ phúc, chữ đức, chữ liêm... đều là mong mỏi về sức khỏe, hạnh phúc viên mãn. Mỗi cá nhân khỏe mạnh là một đất nước khỏe mạnh. Mỗi cá nhân hạnh phúc là một quốc gia hạnh phúc. Mỗi chữ đều mang theo một ý nghĩa, một khát vọng, nhưng tựu chung đều là khát vọng về sự hòa bình và phát triển.
***
Trong dòng chảy mùa xuân, theo dòng người tấp nập đã đưa tôi đến một ngôi chùa, mà tôi cho rằng rất ý nghĩa, đó là chùa Đông Sơn. Ngôi chùa tọa lạc ở làng cổ Đông Sơn, thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Chùa dù có nhiều nét mới mẻ sau khi tôn tạo, nhưng vẫn toát lên sự linh thiêng hiếm có. Sự linh thiêng được cảm nhận từ kiểu dáng kiến trúc độc đáo, thay cho những đầu đao nhọn hình rồng, hình hoa lá thường thấy ở nhiều kiến trúc Phật giáo, thì tại đây những đầu đao và bờ nóc của chùa là hình chim Lạc Việt. Loài chim này phổ biến trên trống đồng Đông Sơn, và làng cổ Đông Sơn nơi ngôi chùa tọa lạc chính là địa danh cách đây tròn 100 năm nông dân Nguyễn Văn Nắm đã phát hiện ra chiếc trống đồng cùng một số vật dụng bằng đồng, để rồi tên làng vinh dự được chọn đặt tên cho một nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử - văn hóa Đông Sơn.
Du khách check - in tại chùa Đông Sơn, lưu giữ thời khắc đáng nhớ khi được đặt chân đến ngôi chùa cổ kính ở ngôi làng cổ nhất xứ Thanh trong ngày đầu xuân mới.
Những chiếc trống đồng, không đơn giản chỉ là nhạc khí, hơn thế là một vật linh, vì tương truyền có vị thần tự xưng là thần trống đồng, tức thần Đồng Cổ đã giúp nhiều triều đại Việt Nam trong việc giữ nước, hộ dân từ thời Vua Hùng, đến một số triều đại phong kiến Việt Nam sau này. Vị thần ấy hiện được thờ tại đền Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa - một điểm đến tâm linh, vừa thể hiện sức mạnh dân tộc, cũng cho thấy khát vọng lớn lao của cha ông.
Trống đồng theo một số sách sử ghi chép lại thường được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, và trong chiến tranh khi người thủ lĩnh bộ lạc kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu. Nghi thức đánh trống đồng cũng được dành cho nghi lễ đặc biệt trang trọng khi các vua nhà Lê về bái yết Sơn lăng (tức Lam Kinh). Mô tả về tiếng trống, có tài liệu đã viết rằng nghe tiếng trống đồng xung trận của người nước Nam, quân xâm lược phương Bắc nhiều phen bạc tóc tháo chạy. Mã Viện, một tướng nhà Hán, khi xâm chiếm nước Nam đã biết đến sự linh thiêng của trống đồng và tìm mọi cách để tiêu hủy, nhưng dã tâm đó đã không thực hiện được, trống đồng được người nước Nam cất giấu và tiếp tục truyền từ đời nọ sang đời kia như một báu vật, cũng chính là lưu giữ khát vọng vươn lên của dân tộc...
Đứng ở nơi linh thiêng như chùa cổ Đông Sơn trong những ngày đầu xuân mới, tôi mường tượng ra rất nhiều điều. Từ chiếc trống đồng phát hiện đầu tiên nơi làng cổ đến những họa tiết hoa văn, kiểu dáng kiến trúc của ngôi chùa biểu đạt một khát vọng văn hóa, mong ước hòa bình. Tôi nhớ có câu rằng: Mái chùa che chở hồn dân tộc, và cõ lẽ nơi đây chính là điển hình của điều đó. Mái chùa ra đời gắn liền với việc lập làng, lập xã, sự phát triển, sinh sôi của những cộng đồng dân cư. Ngôi làng cổ này đã có tuổi đời rất lâu và ngôi chùa chí ít cũng đã song hành cùng sự thăng trầm của ngôi làng, rộng lớn hơn có thể là cả một vùng châu thổ sông Mã và cư dân thương thị thuộc thành Tư Phố xưa, Hạc Thành, TP Thanh Hóa sau này.
Tôi chắp tay bái Phật, và lầm rầm khấn nguyện cả với thần trống đồng, mong hiển linh trợ lực. Ước nguyện đầu xuân của tôi cũng chính là ước nguyện của số đông người dân Việt đó là luôn khát khao về một nền hòa bình trên thế giới, để quốc gia thêm cường thịnh, người dân an lạc, hoan ca.
Lam Vũ
{name} - {time}
-
2024-12-15 08:51:00
Làng nghề bánh đa trăm tuổi rộn ràng vào vụ Tết
-
2024-12-15 07:49:00
Từ hôm nay (15/12), mở cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn trên các tuyến giao thông cả nước
-
2024-02-14 15:08:00
“Tiếp lửa” để thanh niên khởi nghiệp
“Chia lửa” với chiến trường Điện Biên
Huyện Thạch Thành phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2024
Xuân về trên quê hương Châu Ngọc
Khởi sắc vùng cao Quan Sơn
Nụ cười phía chân mây
Quả còn mùa xuân
Hà Trung khí thế mới, động lực mới
Đề xuất mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước cho công dân từ 0 - 6 tuổi
BHXH tỉnh Thanh Hóa: Đồng lòng vì mục tiêu an sinh xã hội