(Baothanhhoa.vn) - Xác định tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhất là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, huyện Vĩnh Lộc luôn quan tâm phối hợp với đơn vị, ngành chức năng đưa KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, hình thành nên các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Ứng dụng khoa học - công nghệ, hình thành các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao

Xác định tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhất là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, huyện Vĩnh Lộc luôn quan tâm phối hợp với đơn vị, ngành chức năng đưa KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, hình thành nên các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Ứng dụng khoa học - công nghệ, hình thành các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế caoMô hình trồng dưa vàng Kim hoàng hậu trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Hoàng Thị Hường ở xã Vĩnh Phúc mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc Trịnh Việt Cường, để việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất đạt hiệu quả cao, huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Hiện toàn huyện đã phát triển được 5,9ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn; 90% trang trại chăn nuôi gia cầm áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; 92% trang trại ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi. Huyện cũng đã liên kết với nhiều doanh nghiệp trong sản xuất bao tiêu sản phẩm, tạo thành chuỗi sản xuất bền vững như liên kết với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan sản xuất nguyên liệu mía đường; liên kết với Công ty CP Lương thực Tân Tiến, Công ty TNHH Thực phẩm CNC Tâm Phúc Hưng sản xuất lúa gạo; liên kết với Công ty CP Thực phẩm Á Châu, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sản xuất ngô ngọt...

Nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, các địa phương trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp như tích tụ, tập trung đất đai; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; tăng cường ứng dụng KH&CN vào các khâu sản xuất... Với cách làm này, nhiều địa phương đã có sự bứt phá trong phát triển các mô hình. Đơn cử như tại xã Vĩnh Tiến đã xây dựng thành công mô hình trồng rau, quả ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, với quy mô 2.000m2; xã Vĩnh Phúc có mô hình sản xuất hoa, dưa vàng Kim hoàng hậu trong nhà lưới... Trong chăn nuôi, nhiều trang trại đã sử dụng hệ thống điều chỉnh nhiệt độ tự động, máng ăn, uống tự động...; 100% giống lợn ở các trang trại là các giống lợn ngoại được nhập khẩu từ Đan Mạch, Pháp...

Bà Phạm Thị Dung, chủ mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới ở thôn Phương Giai, xã Vĩnh Tiến cho biết: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn thâm canh các loại rau, củ, quả từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu làm theo truyền thống, chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật nên giá trị và hiệu quả kinh tế còn thấp. Tuy nhiên, từ năm 2021 được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương, HTX rau an toàn Phương Giai, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng mô hình trồng, chăm sóc rau, củ, quả trong nhà lưới theo quy trình VietGAP với quy mô 2.000m2. Qua quá trình sản xuất cho thấy, do ứng dụng KH&CN nên sản phẩm ít bị sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng được bảo đảm, hiệu quả kinh tế, thu nhập cũng được nâng lên”.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Từ kết quả đạt được, chủ trương của huyện trong năm 2025 và những năm tới là xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích khoảng 400ha. Tất cả các khâu sản xuất từ làm đất, gieo hạt, bón phân, thu hoạch... đều được cơ giới hóa và theo hướng ứng dụng KH&CN. Ví như khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ sử dụng máy bay không người lái; khâu thu hoạch sẽ sử dụng máy gặt đập liên hợp... Cùng với đó, tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích nhà màng, nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động kết hợp dinh dưỡng, công nghệ canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể) để sản xuất các loại rau, củ, quả chất lượng cao.

Đối với các vùng sản xuất rau màu chuyên canh áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGap, IPM, hữu cơ,... gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong chăn nuôi, tiếp tục phát triển chăn nuôi trang trại gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với công nghệ tiên tiến; kiểm soát dịch bệnh gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tái sử dụng chất thải từ gia súc làm phân bón sinh học...

Chủ trương này vừa nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 21-NQ/HU ngày 12/8/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đến năm 2030, vừa là giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]