Từng bước đẩy lùi nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em
Những vụ tai nạn đau lòng xảy ra đối với trẻ em thời gian qua đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, đòi hỏi công tác phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em phải được quan tâm, nâng tầm.
Trẻ em cần có điểm vui chơi an toàn và có sự giám sát của người lớn nhằm hạn chế tối đa tai nạn thương tích (Ảnh minh họa).
Nguy cơ rình rập
Tháng 6/2023, một vụ tai nạn điện giật thương tâm xảy ra tại xã Phú Xuân (Quan Hóa) khiến em H.Đ.N. (7 tuổi) tử vong. Theo thông tin người nhà kể lại, sau khi đi tắm ao về, H.Đ.N. vào nhà cầm điện thoại vừa sạc pin, vừa chơi điện tử. Khi ông nội vào nhà thì thấy cháu N. nằm bất động, chiếc điện thoại vẫn ở trên bụng, ông chạm vào thì bị điện giật nhẹ. Sau khi ngắt nguồn điện, ông nội đưa cháu đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sự việc tương tự cũng xảy ra đối với em L.V.T. (7 tuổi) ở xã Thạch Sơn (Thạch Thành) bị điện giật tử vong vì sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin.
Gần đây, vào tháng 3/2024 tại xã Thọ Tiến (Triệu Sơn) xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai bé gái tử vong. Đó là cháu N.T.L. và N.T.N.H. (cùng 12 tuổi, trú thôn 6). Trưa 24/3 hai bé gái rủ nhau ra khu vực đầm rau muống gần nhà chơi và cả hai bé không may trượt chân ngã xuống khu vực nước sâu. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày không thấy con về, các gia đình đi tìm thì phát hiện hai cháu đã tử vong dưới đầm nước. Trước đó, ngày 17/3, tại Công viên Bố Vệ, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến một bé trai 7 tuổi tử vong.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, dự báo tình hình TNTT, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em trong thời gian tới có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền cấp cơ sở tại một số địa phương trong tỉnh chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em; hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư về kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em chưa đạt hiệu quả cao; môi trường sống xung quanh trẻ em vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn; nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống TNTT trẻ em chưa đầy đủ.
Đáng lưu ý, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, chăm sóc trẻ em tại gia đình. Chưa trang bị kiến thức về phòng, chống TNTT cho trẻ, cùng với công việc bận rộn, kinh tế eo hẹp, nên chưa có sự quan tâm tạo môi trường an toàn cho con em ở nhà. Ví dụ, nhà có ao nhưng chưa làm rào chắn. Không để vật sắc nhọn trong tầm tay của trẻ nhỏ, hoặc với trẻ lớn thì chưa dạy cách sử dụng vật nhọn an toàn. Trong sinh hoạt hằng ngày không chú ý nguy cơ từ nước sôi, lửa, khiến trẻ bị bỏng. Không chú ý bảo đảm sự an toàn cho trẻ dẫn đến trẻ bị vật nuôi cắn...
Xây dựng môi trường an toàn
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ TNTT gây tử vong cho 44 trẻ em, trong đó có 27 vụ tai nạn đuối nước làm 31 trẻ tử vong (giảm 4 vụ và 13 trẻ em bị tử vong so với cùng kỳ năm 2022); 5 vụ tai nạn giao thông làm 6 trẻ tử vong và 6 vụ TNTT khác làm 7 trẻ tử vong. Riêng quý I năm 2024 xảy ra 4 vụ TNTT gây tử vong đối với 6 trẻ em (giảm 3 vụ TNTT và giảm 2 trẻ tử vong so với cùng kỳ năm trước).
Nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước, các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phổ biến cách phòng, chống TNTT cho trẻ, nhất là các loại tai nạn gây tử vong nhiều ở trẻ như tai nạn giao thông, đuối nước. Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ trẻ em ở gia đình và cộng đồng cho cán bộ làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Các ngành như giáo dục; văn hóa, thể thao và du lịch; đoàn thanh niên; hội phụ nữ... có nhiều hơn các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống TNTT cho trẻ. Phong trào xây dựng ngôi nhà an toàn, nhà trường an toàn, cộng đồng an toàn; việc tăng cường kỹ năng phòng, chống TNTT cho trẻ em được quan tâm qua các lớp dạy bơi, cứu đuối, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn...
Tại các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ra mắt mô hình “Phòng chống tai nạn đuối nước”. Đây là hoạt động lành mạnh dành cho trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh việc tổ chức dạy bơi, học bơi, trang bị những kiến thức, kỹ năng tập luyện môn bơi và phòng chống đuối nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình, trường học và các cấp đoàn, đội quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em và cộng đồng tập luyện môn bơi, kỹ năng bơi an toàn để phòng, chống đuối nước; hạn chế đến mức thấp nhất những TNTT có thể xảy ra, nhất là đối với trẻ em, học sinh...
Với mục tiêu kiểm soát tình hình TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, các ban, sở, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực trẻ em để người dân nâng cao ý thức phối hợp cùng nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống TNTT trẻ em của Trung ương và của tỉnh; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, tạo sân chơi cho trẻ em an toàn nhân Tháng hành động vì trẻ em... Qua đó từng bước kiểm soát tình hình TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho thế hệ tương lai của đất nước.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:42:00
“Thắp ánh sáng” cho học sinh khiếm thị
-
2024-11-24 16:28:00
Chàng trai 9X biến đất hoang thành “mỏ vàng”
-
2024-05-23 09:51:00
Hội thao công nhân, viên chức, lao động ngành NN&PTNT Thanh Hoá
Vì sao người dân nông thôn chưa “mặn mà” sử dụng nước sạch?
Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn
Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
Cẩm Thủy tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2024
Yên Định đẩy mạnh công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
Điểm tựa của bệnh nhân nhi
Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay
Tài chính bấp bênh, sinh viên có nên làm thêm giúp việc nhà?
Tập huấn kĩ năng “Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ”