(Baothanhhoa.vn) - Trong số những ngôi làng cổ nổi tiếng của xứ Thanh, trang La Đá xưa, nay là làng Bàn Thạch, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) là một vùng địa linh, nhân kiệt. Với trên một ngàn năm tuổi, Bàn Thạch ngày nay còn lưu giữ một số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, phong phú.

Trên đất Bàn Thạch xưa

Trong số những ngôi làng cổ nổi tiếng của xứ Thanh, trang La Đá xưa, nay là làng Bàn Thạch, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) là một vùng địa linh, nhân kiệt. Với trên một ngàn năm tuổi, Bàn Thạch ngày nay còn lưu giữ một số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, phong phú.

Trên đất Bàn Thạch xưaLễ hội đền Cao Sơn năm 2024 diễn ra ngày 23/4 (tức 15 tháng 3 âm lịch). Ảnh: KIỀU HUYỀN

Theo lịch sử làng để lại: Từ ngày ông Hạm Huệ Trung làm quan cuối thời tiền Lê, đầu thời Lý đã sớm nhìn ra vùng đất thiêng để cắm cư, khai khẩn lập nghiệp tạo nên một nền móng vững chắc lâu bền cho đời đời con, cháu sau này. Ông đặt vùng đất thiêng này là trang La Đá với ý nghĩa vững chắc như bàn đá.

Thần phả thánh Cao Sơn được Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (đời vua Lê Anh tông) chép năm 1572 và sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi: Trải đến vua Lê Thái tổ triều Hậu Lê khai quốc khởi nghĩa Lam Sơn, khi tiến binh qua linh miếu Cao Sơn ở trang La Đá, tự nhiên đứng lại không đi được nữa, vua lấy làm lạ bèn triệu tập dân trang hỏi rõ cớ sự, Nhân dân tâu rõ mọi việc, ngay ngày hôm sau bèn sắm lễ tạ trước linh miếu. Từ ấy vua khởi binh mau lẹ thẳng tiến đến bản doanh của giặc Chiêm Thành đại chiến một trận... Trở về đến trang La Đá tới cung miếu, nhà vua tạ lễ, khen phong 6 chữ “Thượng đẳng phúc thần gia ban”, tặng trang bản Nhân dân 100 quan tiền; miễn binh lương... Lê Thái tổ nói: La Đá có nghĩa như Bàn Thạch. Tên làng Bàn Thạch có từ đó.

Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh thôn, ông Lê Văn Trường, trưởng thôn 3, xã Xuân Sinh, giới thiệu: Theo truyền thuyết các cụ kể lại, làng Bàn Thạch xưa ở 4 hướng có 4 ông thần linh giữ, tạo nên thế đất vững vàng, âm dương kết hợp, mưa thuận gió hòa, trang ấp yên ổn, con cháu sinh trưởng. Ban đầu các dòng họ Lê Trọng, Lê Công, Lê Quốc, Lê Doãn và họ Đỗ về khai lập làng; sau nối tiếp có tổng cộng 19 dòng họ đến lập nghiệp sinh sống, đoàn kết quần tụ bên nhau.

Là người con của đất Bàn Thạch, Đại tá Lê Quốc Ẩm đã dành tâm huyết và công sức để sưu tầm và biên soạn cuốn: “Địa chí văn hóa Bàn Thạch, xã Xuân Quang” (nay là xã Xuân Sinh, Thọ Xuân), NXB Thanh Hóa, 2019. Nói về đất thiêng, đất sinh khí, ông khẳng định: Bàn Thạch có thế đất rồng bay nhả ngọc. Trên lưng rồng cõng 21 thế đất hình con dơi, có long mạch chủ từ Long Hồ được thông nối với dòng Lương Giang (sông Chu) nên người tài giỏi ở đất này không bao giờ dứt.

Trong đó, ông khảo sát và khẳng định, ở Bàn Thạch có thế đất hình bút, nghiên và sách, con cháu ở làng xưa nay nhiều người có năng khiếu thiên bẩm văn chương, nghệ thuật... Lại có thế đất cồn cổ ngựa, thế đất cồn dùi trống, thế đất thanh bảo kiếm phát về võ quan. Ngoài ra, còn có thế đất con rùa, trên lưng rùa có hình con hạc nên sản sinh nhiều người tài giỏi về nghề thầy bói, thầy cúng; thế đất hình con rắn thằn lằn nên phát nhiều về nghề dạy học... Đặc biệt, theo các cụ truyền khẩu, ở làng cổ Bàn Thạch có đến 21 thế đất hình con dơi. Con dơi khi thêm vào bộ tứ linh “long, ly, quy, phượng” thành ngũ phúc. Vì vậy, đất này được lựa chọn làm nơi an táng 3 vị vua thời Lê Trung hưng là Lê Dụ tông, Lê Hiển tông, Lê Mẫn Đế.

Trên cơ sở sáp nhập hai xã Xuân Quang và Xuân Sơn, xã Xuân Sinh ngày nay có diện tích rộng thứ ba và dân số lớn nhất huyện Thọ Xuân với nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh. Cả hai di tích đền thờ các vị vua thời Lê Trung hưng và đền Cao Sơn thờ vị nhân thần được vua Lý trọng dụng, được Nhân dân làng Bàn Thạch suy tôn làm Thành hoàng làng đã được người dân đóng góp trùng tu, tôn tạo khang trang. Hằng năm, làng Bàn Thạch xưa, nay thuộc 5 thôn (thôn 1, 2, 3, 4, 5) có 2 lễ hội thu hút người dân trong làng, trong xã cùng du khách thập phương. Đó là lễ hội đền thờ các vị vua thời Lê Trung hưng vào ngày 20 tháng Giêng và lễ hội đền thờ Cao Sơn diễn ra vào ngày 15/3 âm lịch.

Ông Lê Văn Trường, trưởng thôn vẫn còn lâng lâng với không khí lễ hội đền thờ Cao Sơn vừa diễn ra, cho biết: Thôn 3 hiện có 1.200 nhân khẩu với 220 hộ. Từ trước lễ hội, bà con đã chuẩn bị tập để rước sắc phong. Chúng tôi đã huy động 30 người đàn ông tham gia phần rước kiệu, khiêng trống, ô lọng, dao kiếm... Ngoài ra, còn luyện tập môn kéo co để thi đấu với 12 thôn khác trong xã. Có vất vả nhưng mà vui, ai nấy đều nhiệt tình tham gia.

So với nhiều di tích trên địa bàn huyện, xã, đền thờ Cao Sơn còn giữ được khá nhiều tư liệu quý. Đó là Thần phả ngài Cao Sơn; thần phả Ngọc Nương Công chúa đời nhà Trần và 15 đạo sắc phong của các đời vua ở nước Nam phong sắc cho thần.

Ông Trường cũng cho biết, bà con trong thôn 3, xã Xuân Sinh vẫn còn kể về chuyện xưa đó là vì sợ kẻ gian trộm hoặc phá hủy bia, các cụ trong làng Bàn Thạch và các dòng họ thời đó đêm đêm phải phân công người thay nhau canh gác. Các cụ bàn bạc đem bia giấu xuống Long Hồ (hồ Bàn Thạch ngày nay). Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX, khi người dân trong làng, xã kéo tôm vẫn thường gặp, nhưng nay thì bia đá bị bùn phù sa lấp mất, nhiều lần làng tổ chức tìm kiếm mà chưa thấy. Rồi gần đây hơn, ba chiếc quạt quý hiếm, các xương quạt được làm bằng ngà voi và 2 chiếc chuông cỡ nhỏ ở đền thờ Cao Sơn cũng bị đánh cắp. Các hiện vật này là vô cùng quý giá. Mất rồi, khó có thể lấy lại.

Cũng vì thấu hiểu được những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống mà khi XDNTM nâng cao, xã Xuân Sinh nói chung, Nhân dân làng Bàn Thạch nói riêng đều luôn nỗ lực giữ gìn và phát huy các giá trị di sản. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh Lê Văn Tuân khẳng định: Phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Nhưng ở một làng quê giàu truyền thống văn hóa, với nhiều di tích lịch sử như Xuân Sinh, việc hơn hết là phải phát huy các giá trị di tích. Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, xã Xuân Sinh đang đẩy mạnh quảng bá và thu hút đầu tư, đồng thời kết nối với các khu, điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, làm động lực để xã đạt NTM kiểu mẫu trong năm 2024 này.

KIỀU HUYỀN

Bài viết có sử dụng tư liệu sách “Địa chí Văn hóa làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân” của tác giả Lê Quốc Ẩm (NXB Thanh Hóa, 2019) và các tài liệu khác.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]