Thủ tướng Israel thăm Mỹ trong bối cảnh nhiều sức ép bủa vây
Từ ngày 22 đến 24/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến thăm Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng; vì vậy, giới phân tích chính trị cho rằng có nhiều thông điệp đằng sau chuyến thăm này.
Hãng tin Reuters cho hay, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới đồng minh quốc tế quan trọng nhất của Israel kể từ khi ông trở lại nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 6 vào cuối năm 2022. Theo dự kiến, ông Netanyahu sẽ gặp ông Biden vào ngày 23/7 nếu Tổng thống Mỹ kịp bình phục sau khi mắc Covid-19, sau đó có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 24/7.
Đài CNN nhấn mạnh về bối cảnh chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu, khi cho rằng chuyến thăm có vẻ bị lu mờ bởi quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mặc dù chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử. Bên cạnh đó, Israel hiện đang rơi vào tình thế “tứ bề thọ địch”, từ phong trào Hamas ở Dải Gaza, phong trào Hezbollah tại Lebanon, nay Israel đối mặt với nguy cơ xung đột trên diện rộng với lực lượng Houthi tại Yemen. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 20/7, Israel lần đầu tiên tấn công vào mục tiêu trên lãnh thổ Yemen với các cuộc không kích vào cảng Hodeidah do lực lượng Houthi kiểm soát nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Tel Aviv do Houthi thực hiện một ngày trước đó.
Ở trong nước, làn sóng biểu tình kêu gọi ông Netanyahu nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và giải cứu con tin ngày càng lớn mạnh. Ngày 17/6, Thủ tướng Netanyahu đã phải giải tán nội các chiến tranh gồm 6 thành viên trong một diễn biến cho thấy Nhà nước Do Thái đang gia tăng bất đồng liên quan tới cuộc chiến kéo dài ở Dải Gaza. Ông Netanyahu đã chỉ trích quyết định của quân đội Israel vào ngày 16/6 khi thông báo ngừng bắn chiến thuật tại một số khu vực ở dải Gaza, nhằm tạo điều kiện vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo. Trước đó, quân đội cho hay họ sẽ tạm ngừng bắn mỗi ngày 11 giờ đồng hồ từ 5 giờ sáng tới 4 giờ chiều ở khu vực từ cửa khẩu Kerem Shalom tới đường Salah al-Din rồi đi về phía Bắc.
Giới phân tích chính trị cho rằng, Thủ tướng Israel Netanyahu có 2 mục tiêu chính cho chuyến thăm lần này. Đầu tiên, ông Netanyahu muốn chứng minh rằng, ông không làm suy yếu mối quan hệ đồng minh giữa Israel với Mỹ như những người chỉ trích ông trong nước đã cáo buộc. Reuters dẫn phát biểu của Thủ tướng Netanyahu ngày 22/7, ngay trước khi sang Mỹ, khẳng định Israel sẽ luôn là đồng minh mạnh mẽ và không thể thiếu của Mỹ ở Trung Đông bất kể ai được bầu làm tổng thống vào tháng 11 tới.
Bài phát biểu ngày 24/7 tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ sẽ là dịp để ông Netanyahu làm rõ quan điểm, chủ trương của Israel trong thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ. Thủ tướng Netanyahu muốn chứng minh rằng, mối quan hệ của ông với Nhà Trắng vẫn bền chặt bất chấp những khác biệt giữa ông và Tổng thống Mỹ Biden về việc tiến hành các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza. Trong khi đó, với dư luận trong nước, ông Netanyahu sẽ nêu bật cho người dân Israel biết mức độ ủng hộ dành cho Israel tại hội trường Quốc hội Mỹ khi ông gặp lãnh đạo của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Thứ hai, Thủ tướng Netanyahu sẽ nỗ lực chuyển nội dung chương trình nghị sự từ cuộc xung đột ở Dải Gaza sang mối đe dọa mà Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, theo cáo buộc của Israel, gây ra không chỉ cho Israel mà còn cho cả lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Điều này có vai trò rất quan trọng đối với cá nhân ông Netanyahu và Israel khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có kế hoạch kết thúc các hoạt động quân sự ở Gaza, và tập trung cho mặt trận miền nam Lebanon nhằm tiêu diệt phong trào Hezbollah. Rõ ràng, ông Netanyahu muốn thu hút sự hỗ trợ cả về quân sự và ngoại giao của Mỹ nếu người Israel quyết định leo thang cuộc xung đột biên giới đang diễn ra với các chiến binh Hezbollah. Chính phủ Israel không thể chấp nhận sự hiện diện của Hezbollah ở biên giới, tạo ra mối đe dọa thường trực với môi trường an ninh nước này; trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden vẫn còn do dự trong việc can dự sâu hơn vì lo ngại về khả năng xảy ra xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Reuters dẫn nhận định của chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, Yonatan Freeman, nhận định: “Một phần của mục tiêu là cố gắng chứng tỏ rằng bất chấp đối mặt với nhiều sức ép, ông Netanyahu vẫn là nhà lãnh đạo, vẫn nhận được sự ủng hộ và duy trì được mối quan hệ đồng minh bền chặt với Mỹ”. Việc ông Netanyahu được mời phát biểu tại cuộc họp chung của Quốc hội là một vinh dự hiếm hoi thường dành cho các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Điều này cho thấy mối quan hệ đồng minh với Israel luôn được giới chức Mỹ coi trọng, nhất là những thành viên của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, vốn luôn cáo buộc Chính quyền Tổng thống Biden không thể hiện đủ sự ủng hộ đối với Israel.
Theo RBC, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, ông Kirill Semenov cho rằng, chảo lửa Trung Đông sẽ tiếp tục “nóng” thời gian tới với các cuộc xung đột quân sự mà trung tâm là Israel. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu cho thấy rằng quan hệ đồng minh Mỹ-Israel vẫn có vai trò quan trọng trong hoạch định chiến lược của cả hai nước bất chấp những bất đồng quan điểm liên quan đến chiến dịch quân sự của IDF tại Dải Gaza. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang giữ thế “thượng phong”, Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu được cho là sẽ có thêm động lực để tiến hành các hoạt động quân sự cứng rắn ở khu vực thời gian tới. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều quyết định có lợi cho Israel, điển hình là việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 bất chấp vấp phải nhiều phản ứng gay gắt.
Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Sergei Serebrov cho rằng, các hoạt động quân sự cứng rắn của IDF sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phong trào Hamas ở Dải Gaza, phong trào Hezbollah ở Lebanon, và đặc biệt là lực lượng Houthi ở Yemen. Ngày 21/7, phát ngôn viên Mohammed Abdulsalam của lực lượng Houthi tuyên bố rằng, lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công Israel và sẽ không tuân theo bất kỳ quy tắc giao chiến nào. Theo ông Sergei Serebrov, các hành động trả đũa của Houthi khó có thể so sánh được với quy mô của cuộc tấn công ồ ạt bằng máy bay không người lái và tên lửa do Tehran tiến hành vào tháng 4/2024, để đáp trả vụ tấn công của Tel Aviv vào cơ sở ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus, Syria, song Houthi có thể “gây bất ngờ” bằng cách tăng cường các cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ và Eo biển Aden, cũng như mở rộng ảnh hưởng ở biển Địa Trung Hải. Điều này sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng trong quan hệ không chỉ với Israel, mà còn với Mỹ và các đồng minh, vốn cũng thường xuyên tấn công các vị trí của Houthi ở Yemen (cuộc tấn công mới nhất vào cảng Hodeidah được thực hiện bởi liên quân Mỹ, Anh vào giữa tháng 6). Thời gian tới, sự leo thang hơn nữa có thể đẩy Mỹ, Anh, Pháp và các đồng minh có những hành động quy mô lớn trong khu vực.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-07-23 08:16:00
Ông Biden rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng: “Thay tướng” sẽ đổi vận?
An ninh thế giới 23/7: Quan chức tham ô, trả lương cho người chăm thú cưng 3,5 tỷ/năm
Ứng viên nào sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng sau khi Tổng thống Biden rút lui?
Nga đáp trả động thái hạt nhân của Mỹ ở Đức
Chuyên gia Pháp khẳng định ý nghĩa về quân sự, chính trị của Hiệp định Geneva
Chính trường Pháp vẫn bị bao phủ trong màn sương mù sau bầu cử sớm
Cuộc tập trận tương tác hàng hải Nga-Trung: Tạo đối trọng cạnh tranh với phương Tây ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nỗi lo toàn cầu từ gánh nặng nợ công và “thâm hụt ngân sách dai dẳng”
Máy bay chiến đấu F-16 sẽ mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trên chiến trường?
Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?