Ngày 7/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2024.
Dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban, Ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chính phủ tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tháng 12, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu, giữ đà, giữ nhịp, bảo đảm GDP quý 4/2024 tăng 7,5% để cả năm 2024 đạt mức tăng trưởng trên 7%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cùng với đó, đánh giá tình hình quốc tế và khu vực, trong đó nổi lên vấn đề bầu cử ở Hoa Kỳ, tình hình xung đột ở các khu vực leo thang, chính trị biến động ở một số nước... những vấn đề này đang ảnh hưởng hoạt động kinh tế thế giới.
Theo đánh giá, kinh tế phục hồi chậm, thiếu vững chắc; đồng USD mất giá kéo theo một số đồng tiền khác; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp...
Ở trong nước, tháng 11, Chính phủ làm rất nhiều việc như tập trung xây dựng phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tập trung cho Kỳ họp Quốc hội thứ 8 với rất nhiều công việc và nhiều vấn đề trình Quốc hội.
Thủ tướng cảm ơn Quốc hội đồng hành thực sự cùng Chính phủ trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, vì Chính phủ đã trình nhiều Luật và có những Luật khó, phấn đấu thông qua nhiều Luật trong 1 kỳ họp bảo đảm chất lượng và tiến độ; tiếp tục triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về về sắp xếp bộ máy.
Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã hết sức cố gắng hoàn thành công việc đề ra với chất lượng cao, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan phát triển kinh tế-xã hội; xác định lại vấn đề ưu tiên tăng trưởng cao hơn, để phấn đấu năm 2024 này đạt trên tăng trưởng GDP hơn 7%, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đã đề ra.
Đây là sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu đánh giá thêm kinh tế-xã hội đã phục hồi vững chắc chưa? Phục hồi ở lĩnh vực nào? Các vấn đề ưu tiên cho tăng trưởng đã tập trung chưa?
Lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các vấn đề liên quan an sinh xã hội, các dự án lớn, dự án mới đã triển khai như thế nào? Kết quả như thế nào? Những gì là điểm sáng trong tháng 11 và 11 tháng qua của nước ta trong phát triển kinh tế-xã hội? Những gì là hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị đánh giá công tác lãnh đạo, điều hành đã phù hợp, hiệu quả, hợp lý chưa? Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, nhất là những vấn đề phát sinh, khó khăn, nhạy cảm xử lý như thế nào?
Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục lãnh đạo đất nước thời gian tới.
Về dự báo tình hình tháng 12 và công việc từ nay đến cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần chuẩn bị đầu năm 2025, tập trung cho tăng tốc, bứt phá, về đích thắng lợi của năm 2024, góp phần vào thành tựu chung của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội; tập trung tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng hoạt động; tập trung tổng kết năm 2024, xây dựng kế hoạch cho năm 2025.
Lưu ý bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy rất nhạy cảm, sẽ đụng đến lợi ích, con người, do đó phải lãnh đạo, chỉ đạo, làm công tác tư tưởng cho chính bản thân mình, chính cơ quan, đơn vị mình, góp phần tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị trong thực hiện công tác này; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Đảng.
Cho biết Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, do đó chúng ta “chỉ bàn làm, không bàn lùi,” Thủ tướng nhấn mạnh, công việc từ nay đến cuối năm rất nhiều và khó, nhạy cảm, đòi hỏi tinh thần nỗ lực của các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, cả hệ thống Chính phủ, hòa nhập chung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, nghiên cứu, phát biểu ý kiến đi thẳng vào vấn đề; chuẩn bị đề cương cho công tác tổng kết... để phiên họp Chính phủ này kết quả tốt nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, vấn đề quan trọng là sau phiên họp này cần tổ chức thực hiện để đạt thắng lợi năm 2024, tạo đà, tạo thế, tạo lực, giữ nhịp tăng trưởng cao hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu cao hơn mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội giao; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 đạt tăng trưởng 2 con số, từ đó đạt được các mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Theo chương trình, tại Phiên họp, Chính phủ thảo luận đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tháng 12 và cả năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác./.
Theo TTXVN