(Baothanhhoa.vn) - Ngày 5-8, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7-2021, nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 8-2021 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 5-8, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7-2021, nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 8-2021 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Uỷ viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2021, nêu rõ: Trong tháng 7-2021 đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có thêm các ca dương tính với SARS-CoV-2, nguy cơ bùng phát và lây lan ra diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ được ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục có bước phát triển và khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,98%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 84,7%, vận chuyển hàng hóa tăng gấp 16,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 4,3%, thu ngân sách Nhà nước tăng 25,8%.

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; giáo dục mũi nhọn có thêm 1 HCB tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2021; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Các biện pháp trong phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai thực hiện quyết liệt, sáng tạo, kịp thời, có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Trong tháng 7-2021, có 273 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 21,9% so với cùng kỳ; có 69 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 13,1%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 có 1.710 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 15,7% so với cùng kỳ, bằng 57% kế hoạch…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2021.

Tuy nhiên, trong tháng 7-2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực vẫn gặp khó khăn, kết quả thực hiện giảm so với cùng kỳ như: Lượt khách phục vụ của khách sạn giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 73,4%), doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 78,5%; lĩnh vực vận tải giảm 71,8% về hành khách...; tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt thấp so với kế hoạch (đạt 23,6% kế hoạch); tiến độ triển khai thực một số dự án sản xuất kinh doanh còn chậm.

Trên cơ sở nội dung của báo cáo, các đại biểu đã thảo luận đánh giá kết quả đạt được, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và những tháng cuối năm 2021. Trong đó tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; vấn đề quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng vùng huyện; việc giải ngân vốn triển khai một số dự án chậm…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất cao những kết quả đạt được trong tháng 7-2021 cũng như những tồn tại, hạn chế mà báo cáo đã đưa ra. Đồng thời nêu lên một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác tham mưu; chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao; vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; việc thực hiện các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh của một số ngành, đơn vị chưa nghiêm túc…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong tháng 7-2021 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến mọi mặt đời sống xã hội, song với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”; triển khai thực hiện tốt những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đột xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là về tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong một bộ phận cán bộ, kể cả người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp. Vấn đề này cần phải được khắc phục sớm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là: Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả “mục tiêu kép”; chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện, đặc biệt là các khu cách ly tập trung, để tiếp nhận công dân Thanh Hóa khi có yêu cầu; chủ động, tích cực nghiên cứu, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bảo đảm chính sách kịp thời đến tay người lao động, người sử dụng lao động…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận tại phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tình hình trong thời gian tới được dự báo là rất khó khăn, nhất là dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định. Thanh Hoá đang được đánh giá là địa phương phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm môi trường an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, cùng với việc chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải tranh thủ thời cơ đẩy nhanh hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trong từng ngành, từng lĩnh vực đã đề ra. Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong các mặt hoạt động và trên mọi lĩnh vực.

Liên quan đến công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo thẩm quyền trình ngành chức năng và UBND tỉnh thẩm định phê duyệt thực hiện bảo đảm theo yêu cầu.

Phiên họp cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Quyết báo cáo tóm tắt Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh hoá giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 có 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có hồ sơ mật theo quy định); 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau (gồm cả thiết bị di động); tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt từ 95% trở lên; kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt từ 98% trở lên; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% huyện, thị xã, thành phố hoàn thành thực hiện chuyển đổi số cấp huyện; tối thiểu có 80% số xã, phường, thị trấn thực hiện chuyển đổi số cấp xã; xây dựng ít nhất 4 đô thị thông minh; kinh tế số chiếm 30% GRDP…

Đối với Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, mục tiêu nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, các quy hoạch ngành của tỉnh trên địa bàn huyện, làm căn cứ để định hướng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo. Xây dựng cấu trúc không gian vùng lãnh thổ, liên kết đô thị, điểm dân cư nông thôn, bảo đảm sự phát triển cân đối hài hòa giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm tính ổn định, phát triển bền vững, liên kết chặt chẽ việc đảm bảo an ninh - quốc phòng và an toàn xã hội. Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, thống nhất các quy hoạch trên địa bàn huyện làm công cụ để chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý, là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện…

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Đại điện đơn vị tư vấn báo cáo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh hoá giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông - đơn vị chủ trì soạn thảo đề án rà soát, hoàn thiện nội dung sát với thực tiễn của tỉnh; tính toán nguồn kinh phí hợp lý để triển khai thực hiện các phần việc theo từng năm, từng giai đoạn bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Đối với Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc thực hiện xây dựng quy hoạch của đơn vị chức năng và huyện Thường Xuân, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn, huyện Thường Xuân tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên họp sớm hoàn thiện quy hoạch.

Đồng chí lưu ý, quy hoạch phải thể hiện rõ 2 mốc thời gian thuộc giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2030-2045. Thường Xuân là huyện có đường biên, vì vậy quy hoạch phải quan tâm, xác định nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh là một trong những khâu trọng yếu. Ngoài ra, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, quy hoạch cũng phải quan tâm đến việc bảo vệ sinh thái đầu nguồn, bảo vệ môi trường, vấn đề phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; việc phát triển kinh tế cửa khẩu; phát huy giá trị của Hồ Cửa Đạt trong du lịch và nuôi trồng thuỷ sản.

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7-2021: Thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào Đề án xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022-2026; Hồ sơ trình HĐND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương về việc nộp số thu tiền sử dụng đất từ tài khoản tạm giữ vào thu ngân sách cấp huyện của huyện Nga Sơn; Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Ở nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung các đề án, tờ trình. Riêng Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị chủ trì soạn thảo đề án phải đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định hộ, khu dân cư có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; rà lại số hộ trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; phân định rõ những hộ có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, từ đó đưa ra giải pháp, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện theo từng thời điểm, giai đoạn. Đối với việc sắp xếp ổn định dân cư, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tái định cư xen ghép, tiếp đến là tái định cư liền kề, tái định cư tập trung. Đồng chí cũng lưu ý, đến năm 2022 phải giải quyết căn bản những hộ trong diện nguy cơ rất cao.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]