(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Công điện khẩn số 02 gửi Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Công điện khẩn số 02 gửi Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 10 ngày cuối tháng 2 miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh mạnh nhất, rét đậm, rét hại bao trùm; đây là đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, có nơi rét tiệm cận với các trận rét nhất trong lịch sử, nhiệt độ thấp nhất khu vực đồng bằng phổ biến từ 8-11 độ C, các tỉnh vùng núi, trung du nhiệt độ từ 3-6 độ C, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C. Hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam và sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rãnh gió Tây trên cao nên từ ngày 18-21/02, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; từ đêm nay 18/02 , ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-5,0m, từ đêm 19/02, trên vùng biển ngoài khơi Trung Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT trong đó tập trung thực hiện ngay các biện pháp sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Thủy văn Thanh Hóa; thường xuyên mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền về kỹ thuật phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản để người dân biết và thực hiện.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

2.1. Khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc biệt là đàn gia súc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và bị động đối với việc phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên địa bàn để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

2.2. Đối với cây trồng, có các biện pháp phòng chống rét, đảm bảo nguồn nước cho diện tích lúa đã gieo cấy, tạm dừng việc bón phân trong những ngày trời rét; không tổ chức gieo trồng lúa và cây trồng vụ Chiêm Xuân; tổ chức thu hoạch đối với diện tích rau màu đã đến hoặc gần đến kỳ thu hoạch trong những ngày trời rét, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C; có giải pháp dự phòng mạ để chắm dặm cho diện tích lúa bị thiệt hại do rét đậm, rét hại; tăng cường kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

2.3. Đối với vật nuôi, tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân vào những ngày giá rét không chăn thả và không bắt gia súc làm việc, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng; hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng phòng chống dịch bệnh và tăng sức chống chịu với giá rét; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi, đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

2.4. Đối với thủy sản, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ tàu cá hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, có phương án sản xuất đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi thương phẩm chủ động các biện pháp phòng chống rét cho đàn thủy sản bố mẹ, giống và nuôi thủy sản thương phẩm theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản tại các địa phương. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh; theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển qua hệ thống Trạm bờ để tiếp nhận thông tin, vị trí hoạt động của tàu thuyền trên biển; kịp thời báo cáo, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo xử lý theo quy định.

4. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kịp thời phát tin dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin cho người dân biết để phòng, tránh và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp.

5. Các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét tại các địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại Công điện này. Người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan nếu để xảy ra tình trạng cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị chết do đói, rét trên địa bàn quản lý do lơ là, chủ quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]