(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 256 di tích, trong đó nổi tiếng với 2 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về kiến trúc nghệ thuật; ngoài ra, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà ít địa phương nào trong tỉnh có được. Đây là nguồn tài nguyên quý để Thọ Xuân khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Thọ Xuân phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 256 di tích, trong đó nổi tiếng với 2 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về kiến trúc nghệ thuật; ngoài ra, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà ít địa phương nào trong tỉnh có được. Đây là nguồn tài nguyên quý để Thọ Xuân khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Thọ Xuân phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương

Trò diễn Xuân Phả - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được người dân xã Xuân Trường gìn giữ và phát huy.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Là vùng đất quý hương của triều đại Tiền Lê và Hậu Lê (thế kỷ XV - XII), xác định phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch, đưa Thọ Xuân trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh là một trong 4 chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện Thọ Xuân xây dựng và ban hành Chương trình phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2021-2025, trong đó đã tập trung nghiên cứu, lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Trên vùng đất Thọ Xuân với nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như di tích và lễ hội đền thờ Lê Hoàn, di tích và lễ hội Lam Kinh... Người dân Thọ Xuân cần cù lao động, trên địa bàn huyện có nhiều nghề truyền thống, nổi danh như: làng nghề làm bánh gai (làng Mía, xã Thọ Diên), làng nghề làm bánh lá răng bừa (xã Xuân Lập); làng nghề làm bánh kẹo, miến gạo, nem các loại (các xã Xuân Yên, Xuân Bái, Thọ Diên, thị trấn Thọ Xuân), làng nghề đan cót nan (xã Thọ Nguyên)...

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và sự phong phú của các sản vật truyền thống, cùng với cung đường trung chuyển của các tour - tuyến du lịch như: tour Sầm Sơn - Lam Kinh - Suối cá thần; tour Lam Kinh - Thành Nhà Hồ... Ngoài ra, Thọ Xuân có điều kiện thuận lợi về đường bộ, đường hàng không. Các làng nghề truyền thống huyện Thọ Xuân gần với Cảng Hàng không Thọ Xuân rất thuận lợi cho việc đi lại của du khách trong và ngoài nước. Bởi vậy, UBND huyện Thọ Xuân đã xác định việc phát triển du lịch phải kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa lịch sử và phát triển làng nghề truyền thống. Trong những năm gần đây, nhằm thu hút du khách đến với Thọ Xuân, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương có di tích và làng nghề nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển thương hiệu, xây dựng các sản phẩm OCOP địa phương.

Nghề làm bánh gai ở làng Thịnh Mỹ (còn gọi là làng Mía), xã Thọ Diên có từ thế kỷ XV. Qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm bánh gai vẫn được người dân lưu giữ và phát huy. Nhắc đến bánh gai “Tứ Trụ” là nhắc đến loại bánh thơm ngon được làm từ bột gạo nếp, bột lá gai và mật mía. Gạo nếp ngâm từ 2 đến 3 tiếng sau đó được xay mịn. Lá gai, nguyên liệu làm hương vị đặc trưng cho mỗi chiếc bánh, sau khi được chọn kỹ, luộc chín, rửa sạch, ép khô nghiền thành bột rồi mới đem trộn đều với gạo nếp và mật mía tạo nên hỗn hợp bột màu đen sánh nhuyễn. Nhân bánh được làm từ các nguyên liệu chính như: đường, đậu xanh, dừa nạo và một ít dầu chuối. Màu vàng tươi mới của đậu xanh giã mịn cùng màu trắng của những sợi dừa nạo, hương thơm phảng phất tinh dầu chuối giúp cho mỗi chiếc bánh càng trở nên hấp dẫn. Trước kia, bánh gai được sử dụng trong những dịp lễ, tết và để cung tiến lên các vua chúa. Hiện nay, khi về Thọ Xuân du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đều tìm mua bánh gai về làm quà cho người thân.

Trò diễn Xuân Phả có từ đầu thế kỷ thứ 10, xuất phát từ cung đình, qua nhiều biến động đã được dân gian hóa, trở thành trò diễn trong sinh hoạt cộng đồng. Sau thời gian dài mai một, đến năm 1990, trò Xuân Phả được phục dựng và đến năm 2016, trò diễn Xuân Phả được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo người dân địa phương ở làng Xuân Phả cho biết: Trò diễn Xuân Phả có từ thời Đinh, gắn liền với sự tích Thần hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Bày tỏ lòng biết ơn, đức vua đã tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ Thành hoàng làng và ban cho Nhân dân làng Xuân Phả 5 điệu múa Hoa Lang, Chiêm Thành, Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ai Lao và Ngô Quốc. Lấy tên làng đặt tên cho trò diễn, trò múa Xuân Phả hay còn gọi là “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” là tổ hợp 5 trò múa, mô phỏng các nước lân bang lai triều, tiến cống vua Đại Việt. Hàng năm cứ vào ngày 10/2 âm lịch, lễ hội truyền thống làng Xuân Phả được cấp ủy, chính quyền xã Xuân Trường tổ chức thu hút đông đảo du khách thập phương về với hội làng để hiểu hơn về nét đẹp của di sản văn hóa ông cha.

Cùng với phát huy các giá trị truyền thống, UBND huyện Thọ Xuân đã ưu tiên nguồn lực đầu tư và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển du lịch; dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích, các điểm du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm từng bước hình thành khu, điểm du lịch theo định hướng phần vùng phát triển du lịch, trong đó có Khu Resort Sao Mai - An Giang ở xã Thọ Lâm; phố cổ Phố Đầm ở xã Xuân Thiên; kinh đô Vạn Lại - Yên Trường... Song song với đó, từng bước nâng tầm quy mô, chất lượng các lễ hội như: lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội làng Xuân Phả, lễ hội Lê Thánh Tông... Đưa các sản phẩm nổi tiếng: bánh gai Tứ Trụ; bánh lá răng bừa Xuân Lập; kẹo lạc Xuân Yên; nem chua Xuân Bái; nem nướng thị trấn Thọ Xuân; làng nón Thọ Lộc; đồ mỹ nghệ (Xuân Bái, Thọ Minh, Bắc Lương) trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, độc đáo của vùng đất Thọ Xuân.

Bài và ảnh: Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]