Thị trấn Nưa gìn giữ và phát huy giá trị di tích
Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thị trấn Nưa (Triệu Sơn) luôn quan tâm tới công tác gìn giữ và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào quê hương cho thế hệ trẻ.
Tiền đường của đền Nưa được tu bổ, tôn tạo khang trang.
Đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thị trấn Nưa, khách du lịch không thể bỏ qua địa điểm đền Nưa thuộc di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Theo lời kể của các cụ cao tuổi ở thị trấn Nưa, sau khi Bà Triệu qua đời Nhân dân trong vùng đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ công lao của bà. Trải qua những biến cố lịch sử đến đầu triều Nguyễn, đền Nưa trở thành phế tích trong niềm tiếc nuối của người dân. Trước tình hình này, Nhân dân trong vùng đã thu nhặt gạch, đá xếp lại, tạo thành một bệ thờ ở trên nền móng cũ để thờ Bà Triệu. Vào năm thứ 5 đời vua Tự Đức triều Nguyễn, có viên quan tri huyện Nông Cống tên là Cao Bá Đạt đi thực tế và biết nơi đây là chốn thờ Bà Triệu. Vì vậy, ông về bẩm báo và xin triều đình cho xây dựng lại đền Nưa. Năm 1938, đền Nưa tiếp tục được tu bổ, tôn tạo lại nhiều hạng mục. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngôi đền đã bị tàn phá và chỉ còn công trình cổng nghinh môn. Năm 1993, đền Nưa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh nằm trong cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh Cổ Định. Năm 2009, di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, gồm: núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Thời gian qua di tích này được quan tâm tu bổ, tôn tạo trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của đông đảo Nhân dân trong và ngoài huyện Triệu Sơn.
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Nưa có 9 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 2 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, 7 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và hàng chục di tích lịch sử, văn hóa chưa được xếp hạng. Tự hào quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, những năm qua cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị trấn Nưa luôn chú trọng tới việc gìn giữ và phát huy những giá trị của các di tích thông qua những việc làm thiết thực, như: vệ sinh môi trường xung quanh di tích; vào các ngày đầu tháng, ngày rằm Nhân dân thành kính thắp hương; chỉ đạo các khu phố tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa tại các di tích... Bên cạnh đó, thị trấn Nưa còn tích cực vận động Nhân dân góp công, góp của tu bổ, tôn tạo các di tích. Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã huy động xã hội hóa được khoảng 4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích, như: di tích lịch sử, văn hóa chùa Hoa Cải; di tích lịch sử đền thờ Luật Quốc Công Lê Thân; di tích lịch sử đền thờ Trần Khát Chân...
Ông Lê Đình Hán (83 tuổi), một người dân tích cực tham gia bảo vệ di tích ở tổ dân phố 6, thị trấn Nưa cho biết: "Tôi rất tự hào quê hương mình có nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh. Thời gian qua, tôi thường xuyên vận động con em trong gia đình, dòng họ tích cực tham gia bảo vệ các di tích, góp công, góp của trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Nhìn thấy các di tích được tu bổ, tôn tạo khang trang, tôi cảm thấy tự hào và sẽ tiếp tục cùng với Nhân dân thị trấn Nưa chung sức để gìn giữ và phát huy giá trị các di tích".
Ngoài việc tu bổ, tôn tạo các di tích, thị trấn Nưa còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tới Nhân dân thông qua các cuộc họp, hội nghị của tổ dân phố. Phối hợp với các trường học đẩy mạnh việc giáo dục giá trị di tích cho học sinh. Qua đó, giúp các em học sinh có ý thức trân trọng, tự hào và có hành vi đúng đắn để bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.
Ông Hoàng Văn Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa cho biết: Để gìn giữ và phát huy các giá trị di tích, thị trấn Nưa đã thành lập ban quản lý di tích và xây dựng quy chế hoạt động văn hóa, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của địa phương. Thường xuyên kiểm tra hiện trạng các di tích để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi xâm hại tới di tích. Thời gian tới, thị trấn Nưa sẽ tiếp tục tập trung huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Trong đó, ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng đang bị xuống cấp. Quan tâm hình thành và phát triển các điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân.
Bài và ảnh: Xuân Anh
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-08-03 14:20:00
Không gian văn hóa đặc sắc dưới chân Pù Luông
Biển Hải Lĩnh – điểm đến mới của giới trẻ
Về vùng quê nhiều di tích lịch sử văn hóa
Quan tâm, đầu tư tôn tạo di tích quốc gia chùa Vích
Đình làng Phú Vinh
Phát huy giá trị du lịch của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Khám phá vùng đất Yên Thắng
Phủ Cẩm trên đất Định Công
Người dân háo hức chờ đợi phố đi bộ đầu tiên tại TP Thanh Hóa
Khám phá chợ đêm Sầm Sơn